Khoảng trống điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại Việt Nam

Khoảng trống điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại Việt Nam

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Thứ 5, 19/07/2018 06:00

Theo Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, hiện đang có một khoảng trống điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tại Việt Nam.

Theo TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), hiện nay, ước tính Việt Nam có 12 triệu người tăng huyết áp nhưng mới phát hiện được 43% và chỉ 14% được quản lý điều trị, còn 56,9% không được phát hiện.

Với bệnh đái tháo đường, Việt Nam có hơn 3 triệu người mắc, mới phát hiện được 31% và quản lý điều trị khoảng 29%. Còn lại 68,9% không được phát hiện, đồng nghĩa với không được kiểm soát, điều trị.

Với những con số được đưa ra như trên, theo TS. Trương Đình Bắc, một trong những nguyên nhân là do thiếu các dịch vụ dự phòng, phát hiện, quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã.

Các bệnh không lây nhiễm chủ yếu được chẩn đoán, điều trị tại tuyến trên. Chỉ 12% xã thực hiện quản lý tăng huyết áp, hầu như chưa quản lý đái tháo đường tại xã.

Cùng đó là thiếu cơ chế, chính sách về tài chính, BHYT hỗ trợ cho việc quản lý bệnh không lây nhiễm lại trạm y tế xã, tại cộng đồng; năng lực cán bộ y tế tại tuyến y tế cơ sở còn hạn chế.

Bên cạnh đó, những thói quen trong sinh hoạt như ăn quá mặn cộng thêm uống rượu bia, hút thuốc, ít vận động cùng với đó là tâm lý chủ quan không có biện pháp dự phòng bệnh, tâm lý chịu đựng, giấu bệnh, sợ tới bệnh viện... khiến cho các trường hợp tới viện thường đã có biến chứng nặng.

Sức khỏe - Khoảng trống điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại Việt Nam

Ảnh minh họa.

Đồng thời, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng chỉ ra, tăng huyết áp và đái tháo đường là hai nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, chịu trách nhiệm cho 1/3 số ca tử vong ở Việt Nam hằng năm.

Tiêu thụ nhiều muối là yếu tố nguy cơ rất quan trọng đối với tăng huyết áp. Tại Việt Nam, ước tính tiêu thụ muối trung bình là 9,4g, gần gấp đôi mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dưới 5g/người/ngày. Lượng tiêu thụ muối hàng ngày ở nam là 10,5g/ngày; ở nữ là 8,3g/ngày/người.

Tuy nhiên, trong vấn đề điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tại Việt Nam đang có một khoảng trống.

Có thể chỉ ra, một trong hai bệnh nhân tăng huyết áp không biết tình trạng tăng huyết áp của họ.

Hai trong ba bệnh nhân đái tháo đường không biết tình trạng đường huyết của họ. Chỉ có 1/8 bệnh nhân tăng huyết áp và ít hơn 1/3 bệnh nhân đái tháo đường đang nhận được dịch vụ quản lý bệnh tại các cơ sở y tế.

Một lý do quan trọng cho khoảng trống điều trị lớn của bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường là dịch vụ hầu như không có sẵn tại các trạm y tế xã.

"Để giảm ăn muối, WHO sẽ hỗ trợ để xây dựng các khuyến nghị về lượng muối tối đa trong một số thực phẩm chế biến sẵn và tiến hành một chiến dịch truyền thông về giảm muối để nâng cao nhận thức của người dân", TS. Kidong Park nói.

Hiện tại, WHO và tổ chức Resolve đã và đang hỗ trợ cho 11 tỉnh trong việc nâng cao năng lực và tăng cường triển khai các hoạt động quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã lồng ghép với can thiệp giảm muối tại cộng đồng; và sẽ mở rộng hỗ trợ thêm khoảng 10 tỉnh nữa trong thời gian tới.

Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ của y tế dự phòng là tăng cường dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã và tại cộng đồng, trước mắt ưu tiên quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường. Theo đó, mục tiêu đến năm 2018, 100% trạm y tế được đào tạo điều trị quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường, đến năm 2019, ít nhất 70% trạm y tế điều trị quản lý tăng huyết áp và 40% trạm y tế điều trị quản lý đái tháo đường. Năm 2020 cũng sẽ có ít nhất 40% người trưởng thành từ 40 tuổi được đo huyết áp và đánh giá nguy cơ đái tháo đường.

 

Nguyễn Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.