Chưa bao giờ (và cũng kể từ đó đến nay) mối quan hệ giữa hai siêu cường được coi là địch thủ của nhau trở nên thân mật như trong cuộc gặp gỡ của hai đội quân trên sông Elbe vào cuối Thế chiến II.
Theo RBTH, vào mùa Xuân năm 1945, quân đội Liên Xô và Mỹ đã vô tình hành quân về phía nhau trong nhiệm vụ đập tan tàn dư của Đức Quốc xã từ các hướng ngược lại.
Một cuộc gặp gỡ giữa các đồng minh là không thể tránh khỏi, và cuối cùng nó đã diễn ra vào ngày 25/4 trên sông Elbe, không xa thành phố Torgau ở phía tây bắc Sachsen. Sự kiện đáng chú ý này được gọi là Ngày Elbe.
Khi Quân đội Vệ binh số 5 của Liên Xô do Tướng Alexey Zhadov chỉ huy và quân đội Mỹ do tướng Courtney Hodges gặp nhau trên Elbe, họ đã chia cắt quân Đức một cách hiệu quả, giáng đòn chí mạng vào những gì còn lại của quân đội Wehrmacht và SS.
Quân đội Mỹ đã đến Elbe vài tuần trước Liên Xô. Về lý thuyết, họ có thể tiếp tục tiến về Berlin. Tuy nhiên, kể từ khi Bộ chỉ huy Đồng minh từ bỏ kế hoạch tấn công thủ đô của Đức, người Mỹ đã không qua sông và chờ đợi quân đội Liên Xô.
Những người Mỹ đầu tiên gặp những người lính Liên Xô trên sông Elbe là một đơn vị tuần tra do Trung úy Albert Kotzebue dẫn đầu gần thị trấn Strehla. Sau đó cùng ngày, gần cây cầu bị phá hủy ở Torgau, một đội tuần tra khác của Mỹ dưới quyền Trung úy William Robertson đã gặp đội tuần tra Liên Xô do Trung úy Alexander Silvashko chỉ huy.
Lúc đầu, lính Liên Xô nhầm lẫn người Mỹ với người Đức, nhưng sớm nhận ra sai lầm của họ. Một sĩ quan có tên Alexei Gorlianski nhớ rằng anh đã suýt vô tình bắn người Mỹ đang đến gần, nhưng không nổ súng khi một trong số họ hét lên: “Muscovi-Washington. Hitler caput. Harrah!'”
“Một khi họ nhận ra chúng tôi, chúng tôi đều là bạn”, Hạ sĩ Cpl James J. McDonnell nhớ lại. Chúng tôi không thể nói tiếng Nga và họ không thể nói tiếng Anh, nhưng những cái ôm và cái bắt tay đã nói lên tất cả.
Silvashko và Robertson đã được chọn để làm nên lịch sử. Trong các buổi lễ kỷ niệm chính thức thường có bức ảnh hai người lính nồng nhiệt chào nhau trên nền cờ của Liên Xô và Mỹ, và một áp phích ghi dòng chữ “Đông gặp Tây”. Bức ảnh này đã lan truyền trên toàn cầu, trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết giữa các đồng minh.
Mặc dù mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên băng giá về sau này, Robertson và Silvashko vẫn là những người bạn tốt cho đến cuối đời. Robertson đã nhiều lần đến Liên Xô để thăm Silvashko.
Hai người binh sĩ bên nhau uống rượu, nhảy múa và trao đổi quà lưu niệm: nút áo, ngôi sao và miếng vá từ đồng phục của nhau. "Anh ấy có đồng hồ đeo tay của tôi và tôi cũng nhận được của anh ấy", Robertson nhớ lại. Hai người cũng trao đổi cả vũ khí của họ.
Mặc dù một số binh sĩ thuộc quân đội Anh đã có mặt vào Ngày Elbe, cuộc gặp gỡ chính của họ với Liên Xô chỉ diễn ra vào đầu tháng 5 sau đó, khi người Anh thiết lập liên lạc với Quân đoàn xe tăng cận vệ số 3 Liên Xô gần Wismar ở miền Bắc nước Đức.
Kể từ Ngày Elbe, các cuộc họp, hội nghị và lễ kỷ niệm long trọng giữa Liên Xô-Mỹ-Anh đã diễn ra trong vài tháng. Sau sự kiện trọng đại và vui vẻ này, những người lính phải nhường chỗ cho các chính trị gia, và thế giới phải đối mặt với sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh.