Thông tin trên Nhân Dân, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là tiềm năng, có mức tăng trưởng cao và thu hút rất đông các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Theo đó, ngay từ những năm đầu thập niên 2000, thị trường bán lẻ Việt Nam có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới, với tỉ lệ bình quân 25%/năm và gia tăng rõ rệt khi Việt Nam gia nhập WTO.
Thậm chí, các năm 2007-2009, khi kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, tỉ lệ tăng của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn duy trì từ 18–25%.
Chính vì thế thị trường giai đoạn này đã khá nhộn nhịp với sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại như Cora (của Pháp, sau này là Centrall Retaill), Parkson (của Malaysia), Metro (của Đức, sau thuộc Thái Lan), Melinh Plaza (của Bahamas).
Trong nước, các hệ thống như Saigon Co.op, Satra, Hapro cũng từng bước đặt nền móng, giúp thị trường đi theo hướng phát triển hiện đại, kết nối được các nhà sản xuất trong nước và các nhà nhập khẩu hàng hóa, dịch chuyển theo thị trường các vùng dân cư, tạo nên sự tiện lợi trong mua sắm, tiêu dùng.
Tuy vậy, tháng 1/2015, khi Việt Nam chính thức cho phép các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam, thì thị trường càng ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Theo đó, hàng loạt tên tuổi lớn như Aeon - Nhật Bản; Lotte - Hàn Quốc; Cresent Mall - Đài Loan (Trung Quốc) và các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan, Singapore đã lần lượt đổ bộ vào Việt Nam. Các nhà đầu tư này có chiến lược đầu tư bài bản nhằm mục đích chiếm lĩnh thị phần bán lẻ được đánh giá là có tiềm năng của Việt Nam.
Thông tin trên Kinh tế & Đô thị, cuối tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã khai trương Tổ hợp thương mại Lotte Mall West Lake Hanoi với vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD. Từ năm 2008 đến nay tập đoàn này đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD vào Việt Nam qua đó vận hành 270 nhà hàng Lotteria và 15 siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam. Dự kiến, thời gian tới, Lotte sẽ đầu tư khu phức hợp bao gồm trung tâm mua sắm, khách sạn, văn phòng… tại Tp.HCM với số vốn lên đến gần 1 tỷ USD.
Trong khi đó, GS Retail- một tập đoàn bán lẻ lớn khác của Hàn Quốc đã mở hơn 200 cửa hàng tiện lợi GS25 tại Việt Nam và sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua ký kết hợp đồng đầu tư với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).
Từ nay đến năm 2025, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng sẽ triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội. Mục tiêu của Aeon là mở 30 trung tâm mua sắm và siêu thị bách hóa tổng hợp vào 2030. Ông Tanaka Kosei, Phó Tổng Giám đốc Khối Văn phòng, Aeon Việt Nam, chia sẻ với VTV: "Việt Nam là nước có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI đầu tư kinh doanh. Năm nay chúng tôi sẽ mở rộng thêm nhiều trung tâm mua sắm mới trên các tỉnh thành. Phát triển bán hàng đa kênh, giữ giá cả và gia tăng hàng Việt trong siêu thị".
Giám đốc điều hành Central Retail Việt Nam Olivier Langlet thì thông tin, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2023-2024 sẽ tăng trưởng từ 6,7-7,2%, trong khi Thái Lan chỉ tăng 3,5%/năm. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, trở thành mảnh đất mầu mỡ cho CRC Thái Lan đầu tư khai thác.
Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết: "Các nhà bán lẻ trên thế giới khi nhìn vào Việt Nam đều chung nhận định đây là thị trường béo bở. Với dân số hơn 100 triệu dân và sức mua của người dân nơi đây rất tốt. Do đó, rất nhiều nhà bán lẻ trên thế giới đầu tư vào Việt Nam.
Hiện tại, người tiêu dùng Việt Nam có thể mua các món hàng của Nhật, Hàn Quốc, Mỹ… ngay tại trong nước, chúng ta không thiếu gì hết. Tôi cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam còn phát triển lên một cấp khác nữa".
Bán lẻ nội địa tìm cách giữ thị phần
Trước xu thế các nhà bán lẻ ngoại ồ ạt gia nhập thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ nội như Satra, FPT Retail, Vincommer, Saigon Co.op… đang tích cực mở rộng hệ thống, tăng tốc chuyển đổi số để giữ thị phần.
Giám đốc Vận hành Hệ thống bán lẻ Winmart Nguyễn Trọng Tuấn thông tin, sau tái cấu trúc, WinCommerce của Tập đoàn Masan đang có hơn 3.400 điểm bán trên cả nước. Thời gian tới thay vì mở rộng mô hình siêu thị/đại siêu thị, để củng cố vị thế chuỗi bán lẻ Winmart tập trung vào phát triển thêm 1.000 cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini ở khu vực thành thị, nông thôn.
Tương tự, hệ thống siêu thị Co.op Mart đang sở hữu 130 siêu thị, cũng đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới phân phối để đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 4% trong năm 2023. Trong khi đó, Tập đoàn THACO, sau khi mở thêm siêu thị Emart Sala (TP Thủ Đức), đã đặt mục tiêu mở tiếp 20 siêu thị Emart trong 5 năm tới, doanh thu đến năm 2026 dự kiến là 1 tỷ USD. Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, Emart Việt Nam cũng chú trọng đầu tư vào ứng dụng mua sắm trực tuyến, vận hành hệ thống lấy hàng tự động.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, nhờ đẩy mạnh đầu tư, hiện doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế trên sân nhà khi sở hữu tới 70 - 80% số điểm bán hàng trên cả nước. Trong đó, có những doanh nghiệp như WinMart, Co.op Mart đang sở hữu hàng nghìn điểm bán.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% thị phần nên thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Các nhà bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều cơ hội bởi sân chơi bán lẻ đang thuộc về mình, hoàn toàn có thể nâng cấp, biến đổi, đưa ra những chiến lược, trải nghiệm mới, tăng doanh thu - lợi nhuận và hướng tới những khách hàng lớn.
Bởi vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thời gian tới bên cạnh việc mở rộng, củng cố hệ thống phân phối hiện có, Bộ Công thương sẽ có giải pháp phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa. Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt qua đó mở rộng tiêu thụ hàng Việt. Đồng thời, phát triển các phương thức bán lẻ đa kênh đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách về vốn, đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng thương mại… Đây là cơ sở để thúc đẩy doanh nghiệp bán lẻ nội địa cùng phát triển.
Như vậy, cả doanh nghiệp nội và ngoại, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hàng hoá, đều đang cố gắng mở rộng độ phủ, tiếp cận người tiêu dùng.
Cuộc đua trên thị trường bán lẻ, suy cho cùng, kẻ chiến thắng là kẻ chiếm trọn được trái tim người khác, mà ở đây là người tiêu dùng.
Minh Hoa (t/h)