Khoe

Khoe

Hoài Nam

Hoài Nam

Thứ 3, 20/02/2024 07:00

“Khoe”, “hay khoe”, “thích khoe” là một trong những phẩm tính đặc trưng cố hữu, lại mang tính di truyền cao của người Việt Nam chúng ta.

Nhưng nó dở nhiều hơn là tốt, giống một thói tật vậy, có lẽ chính vì thế mà nhà văn Di Li mới đưa cái sự “hay khoe”, “thích khoe” này vào như một nội dung để phân tích, bình luận trong cuốn sách mới nhất của chị: “Tật xấu người Việt” (cái tên sách đọc lên đã thấy hô ứng với cuốn sách “Người Trung Quốc xấu xí” nổi tiếng toàn cầu của tác giả Bá Dương bên Tàu). Tôi thì sẽ bàn về sự “thích khoe”, “hay khoe” theo cách của tôi.

“Khoe”, thật ra không có gì là xấu. Khoe là phô ra, trưng ra, bày ra – công khai lộ liễu hay kín đáo ngấm ngầm cũng thế thôi – để mọi người cùng thấy những phẩm chất tốt đẹp hoặc những thành công đáng tự hào của mình. “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”, ông bà người Việt Nam ta từ xưa đã có câu dạy dỗ khôn ngoan như vậy. Khoe còn là một nỗ lực để thoát khỏi cảnh “áo gấm đi đêm”, một sự lên tiếng để khẳng định bản thân, một đề nghị được cộng đồng thừa nhận bằng thái độ yêu mến, trân trọng, nể phục. Khoe, xét cho cùng, là để được khen.

Thế nhưng ở đây, trong hành vi “khoe”, có yêu cầu của tính mức độ và tính chính đáng/ hợp lý. Khoe vừa phải thôi, khoe sao cho đúng lúc và hợp cảnh, khoe những cái thực sự là của mình, do mình mà thành, thì chẳng gây ra vấn đề gì cả. Nhưng khoe liên tục, hở ra là khoe – đến mức trở thành bệnh/ tật “hay khoe”, “thích khoe” – khoe toàn những thứ tréo ngoe với hoàn cảnh sự kiện, khoe những cái chẳng đáng để khoe, thì rõ ràng là bất bình thường.

Kho tàng truyện cười Việt Nam có một câu chuyện kể: “Hai anh mắc bệnh hay khoe vô tình gặp nhau ở đầu làng. Một anh ra vẻ hốt hoảng, hỏi: ông có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không? Anh kia ra vẻ ngạc nhiên: không, tôi mặc cái áo mới này đứng đây từ sáng mà có thấy con lợn nào chạy qua đâu?”.  Anh thứ nhất khoe của (con lợn), anh thứ hai khoe áo. Anh nào cũng muốn thiên hạ biết đến sở hữu của mình – bởi họ coi đó như vật làm tăng giá trị bản thân - nhưng vì muốn được thiên hạ biết đến quá, nên cái sự khoe ấy trong mắt người đời lại thành ra ngớ ngẩn, nực cười.

Đa chiều - Khoe

Ảnh minh họa.

Đấy là trong truyện dân gian, còn ngoài đời thực thì nhiều không kể xiết, hằng hà sa số (như cát sông Hằng). Ví như, chẳng khó lắm đâu, khắp các tỉnh thành trên toàn cõi Việt Nam, ta thấy nhan nhản những biệt thự - thiên hạ bây giờ thường gọi bằng chữ “biệt phủ” – to rộng hoành tráng, nhưng lại giống như những mớ hổ lốn về kiến trúc Đông Tây kim cổ: Ta một ít, Tàu một ít, Pháp rởm một ít, thậm chí cả Arab Hồi giáo cũng một ít, không tha. Rồi thì những siêu xe siêu tốc độ, đắt “lòi con mắt” ra như Lamborghini Ursus, Aston Martin DBX hay Ferrari Purosangue cũng được các đại gia tậu về Việt Nam, chỉ để bò ra trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội với vận tốc ngang bằng một chiếc xe Wave Tàu. Cách đây ít lâu, trên mạng còn ồ à lên suốt về chuyện có mấy anh chị, chắc hẳn thuộc giới giang hồ số má, yêu vàng còn hơn cả vua Midas trong thần thoại Hy Lạp, cổ đeo trĩu trịt những dây xích vàng nặng phải đến cả yến, không biết xương nào mà chịu được? v.v...

(Tất nhiên là họ khoe. Khoe của, khoe sự giàu có, khoe độ “chịu chơi”. Nhưng người khen thì ít mà kẻ chê thì nhiều. Do tâm lý ganh ghét đố kỵ cũng có, nhưng chủ yếu chê, là vì: khi khoe theo cách như kể trên, người khoe đã lộ ra sự thiếu kiến thức và gout thẩm mỹ kém cỏi. Hơn nữa, cũng một phần do khoe mà nguồn gốc của những khối tài sản ấy hay bị đặt thành vấn đề, và thường thì nó không thể không bất minh).

Trong đời thực thế nào thì trên mạng xã hội cũng thế - thật ra thế giới mạng không hề ảo như nhiều người tưởng: nó chính là thế giới thực được mở rộng đến vô biên – người ta vẫn khoe, thậm chí còn khoe quyết liệt mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần. Khoe tài sản lớn, khoe địa vị cao, khoe gia đình hạnh phúc viên mãn, khoe con cái học hành giỏi giang, khoe sự quảng giao, khoe đi du lịch nhiều nơi trong nước cũng như trên thế giới, khoe ăn uống ở những nhà hàng sang trọng đắt đỏ, khoe giấy mời đi họp những hội nghị hội thảo quan trọng, khoe sách vở được biếu được tặng, khoe thơ văn được đăng báo (nhất là báo Tết thì càng oai) v.v và v.v... Những sự khoe ấy, nhắc lại, ở mức độ vừa phải và hợp lý, thì chẳng sao cả, nó giống như một sự chia sẻ vậy. Nhưng quá đi, thì nó thành ra “chuế”, “lố”, gây buồn cười. Ấy là chưa kể, trong khá nhiều trường hợp, nó là một phản ánh nghịch với sự thực, là “ánh trăng lừa dối”. Ví như gia đình nát bét thì cứ khoe ảnh gia đình hạnh phúc, sắp “đi chăn kiến” đến nơi vẫn khoe tài sản lớn địa vị cao, xin xỏ mãi mới được cái giấy mời dự họp cũng cứ khoe như thường..., đại khái thế.

Nhưng nhiêu khê nhất về việc khoe trên mạng xã hội, phải là cái sự khoe mặt khoe thân. Nhiều lúc tôi cứ lẩn thẩn nghĩ: có mỗi cái mặt và cái thân đó thôi, sao người ta có thể ngày nào cũng chụp để khoe và thậm chí khoe nhiều lần trong một ngày đến thế? Đẹp đến như hoa hậu, thiên hạ ngắm mãi cũng chán mắt, chứ nói gì các nhan sắc – như bây giờ thiên hạ hay đùa – phải chạy qua mấy hàng app và cả loạt thủ thuật chỉnh sửa hình ảnh mới dám post lên mạng. Nhưng cứ thử chê xem, chiến tranh xảy ra ngay chứ chẳng đùa.

Bởi vì, người ta khoe chỉ cốt để được khen mà thôi. “Ai cho mày dám chê tao xấu?”.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.