Ngày nay việc sở hữu một hàm răng trắng, đều, khỏe, đẹp nụ cười xinh... với nhiều người là chưa đủ. Nhiều bạn trẻ còn muốn tạo ra một cái gì đó óng ánh, khác biệt, gây chú ý trong nụ cười. Mốt đính đá quý vào răng đang được không ít người coi đó là tiêu chí cho sự "sành điệu", "đẳng cấp" và "chịu chơi". Họ sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng chỉ để làm sao có nụ cười nổi bật giữa đám đông. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được nguy cơ tổn thương, "mua bệnh" cho răng từ kiểu chịu chơi này.
Đeo kim cương, đắp răng khểnh để... khoe giàu?
Những băng rôn, baner quảng cáo của các phòng khám nha khoa về dịch vụ đính đá vào răng không thiếu lời hoa mỹ kiểu như "chỉ cần 15 phút để thay đổi", "sự khéo léo của nha sỹ trong một thời gian nhất định nụ cười của bạn hoàn toàn khác lạ và thật đặc biệt". Dịch vụ này đang được nhiều thanh niên, người có điều kiện coi là "mốt"!.
Anh Hoàng Văn Ngọc, giám đốc một công ty may tại Hưng Yên cho biết: "Trong một lần đến hàn răng tại một phòng khám trên đường Giải Phóng, tôi được bác sỹ nha khoa tư vấn về mốt của giới trẻ và đại gia hiện nay là đính đá quý vào răng. Vị bác sỹ còn nói bây giờ đeo một cái đồng hồ Rolex, hay xài một chiếc Iphone 4S cũng chỉ là "xoàng". Anh bác sỹ trẻ này bảo giờ "sành điệu", "thời thượng" là phải gắn kim cương vào răng!".
Theo lời của Nguyễn Thị Thảo, sinh viên khoa tiếng Pháp, Đại học Hà Nội thì để có hàm răng đẹp và khẳng định được đẳng cấp và độ sành điệu, cô phải đi chọn một viên kim cương cho xứng tầm. Dù có hàm răng đều tăm tắp, trắng sạch nhưng Thảo vẫn đắm đuối với nụ cười làm người khác phải "vấp vào cột đèn".
Theo tìm hiểu của chúng tôi về dịch vụ này, khách hàng có thể tùy chọn gắn đá nha khoa hoặc đá tự nhiên. Tuy vậy, chủ yếu khách hàng đều chọn gắn đá tự nhiên và đều là đá quý. Họ không những muốn "trang trí" cho hàm răng mà còn muốn khoe đẳng cấp của người sở hữu. Các phòng khám nha khoa thường chỉ nhận gắn đá hoặc trám đá với giá dao động từ 150.000 đồng /chiếc - 300.000 đồng /chiếc. Thông thường, khách hàng phải tự chọn và mua loại đá mà họ muốn trang trí vào răng.
Để "thực mục sở thị" cái gọi là "tạo nên nụ cười khác lạ và thật đặc biệt", tôi theo chân Thảo đến tận các phòng khám nha khoa để nghe tư vấn về phương pháp đính đá và đắp răng khểnh. Theo lời bác sỹ tại phòng khám răng trên đường Láng Hạ, Hà Nội, đầu tiên các bác sỹ sẽ khoan một xoang trên bề mặt răng tương đương với đường kính của viên đá, rồi dùng một chất trám răng chuyên dụng để gắn kết viên kim cương vào bề mặt răng.
Với đá giả, răng của bạn chỉ cần làm sạch, không cần tạo xoang, chỉ mất 15 phút cho "nụ cười tỏa sáng". Việc cuối cùng là đánh bóng xung quanh vị trí răng vừa mới gắn, nhằm tạo ra bề mặt nhẵn, bóng. Ngoài dịch vụ đính kim cương, đá quý, các phòng khám còn có thể trồng thêm chiếc răng khểnh giả, sau đó đính kim cương hoặc đá quý lên chiếc răng giả này.
Không phải ai cũng lường trước được hậu quả sau khi đính đá vào răng. (Ảnh minh họa)
TS Tống Minh Sơn, phó viện trưởng Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt, ĐH Y Hà Nội chia sẻ: "Theo chuyên môn về răng hàm mặt, hàm răng khỏe là hàm răng không bị các bệnh về tổ chức cứng của răng cũng như các bệnh về tổ chức vùng quanh răng. Một hàm răng được coi là đẹp có rất nhiều tiêu chí chuyên môn nhưng chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản răng đẹp là hàm răng tự nhiên được sắp xếp đều đặn.
Tuy nhiên, quan niệm về hàm răng đẹp trong mỗi xã hội, dân tộc, mỗi thời kỳ lịch sử có thể khác nhau. Như trong quá khứ, dân tộc ta có phong tục nhuộm răng đen hoặc một số người bọc răng vàng ở phía trước. Hiện nay, một số người quan niệm có răng khểnh là có duyên mặc dù theo chuyên môn, răng khểnh là lệch lạc răng".
"Mua" phiền toái vì... chịu chơi
Để tìm được một viên đá quý ưng ý và hợp túi tiền, dân "chịu chơi" phải khá tốn tiền của và công sức. Theo chân Thảo, tôi mới biết "giá" của sự "thay đổi sau 15 phút" là không hề rẻ. Loại kim cương dùng để đính vào răng thường là loại kim cương tấm, giá thật của chúng cũng chỉ có người bán mới biết.
Dạo qua 5 cửa hàng, chúng tôi gặp không ít "dân chơi" mua kim cương với giá 800 USD về chỉ để "trang trí" răng. Để chắc chắn không mua phải hàng lởm, Thảo đã bỏ ra 1 triệu đồng mua một viên kim cương 2 ly tại cửa hàng Ancarat (Thái Hà, Hà Nội). Sau một buổi tư vấn, 2 ngày đi tìm mua kim cương và mất 1,3 triệu đồng và 15 phút ngồi để đính đá, Thảo cũng có được một hàm răng "quý tộc". Tuy nhiên, khi tìm hiểu trên mạng, viên kim cương 2 ly được khẳng định là tự nhiên 100% lại chỉ khoảng 700 ngàn đồng. Người mua muốn có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng phải bỏ ra thêm 150 ngàn đồng.
Quả thật là sau khi đính kim cương, Thảo có được mọi người để ý thật. Bởi khó ai có thể không để ý khi mỗi lần Thảo đi ăn thì cô nhất mực nói không với các món ăn cứng; hay mỗi lần cô đi uống sinh tố lúc nào cũng chăm chăm lo liệu kim cương có bị trôi vào bụng cùng đồ uống hay không.
Còn anh Ngọc thì dù rất bùi tai với lời tư vấn "không đau", "không ê buốt", "không tốt không lấy tiền", anh vẫn không dám đính kim cương. "Mỗi ngày tôi đều phải đi từ Hưng Yên về Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội), ai dám đảm bảo kẻ xấu không nhòm ngó kim cương gắn trên răng. Tôi nghĩ không nên mua sự lo lắng bằng những trang trí không cần thiết", anh Ngọc chia sẻ.
Theo TS Sơn, nếu gắn đá theo đúng kỹ thuật và vệ sinh răng miệng tốt sẽ không bị thức ăn mắc bám gây sâu răng. Tuy nhiên, nếu gắn đá không đúng kỹ thuật, lỗ khoan răng không được gắn kín hoặc cement dán bị bong thì có thể gây sâu răng hoặc bong rơi đá. Đặc biệt, nếu kỹ thuật khoan không đúng như là quá sâu hoặc làm nóng răng khi khoan, răng có thể bị ê buốt. Những chiếc răng đã bị khoan để gắn đá, khi đá bị bong hoặc không muốn gắn nữa, lỗ răng bị khoan phải được hàn lại.
TS Tống Minh Sơn khuyến cáo, trong y học, mỗi phương pháp, mỗi kỹ thuật can thiệp vào cơ thể con người đều có những ưu điểm và cũng kèm theo ít nhiều điểm hạn chế, chưa nói đến tai biến. Người nào muốn làm đẹp cho răng theo cách trang trí bằng đá quý, kim cương nên xem lại quan niệm của xã hội cũng như bản thân về hàm răng đẹp. TS Tống Minh Sơn cho biết, trong nha khoa có hai cách gắn đá vào răng. Cách thứ nhất là gắn đá nha khoa. Với cách này, mặt của đá gắn vào răng có cấu tạo lưu giữ để dính với cement dán. Nha sĩ chỉ cần xử lý sạch bề mặt răng rồi dán đá lên răng bằng cement dán. Kỹ thuật này đơn giản, hầu như không làm hư hại gì đến răng thật. Tuy nhiên, nếu làm không tốt, đá sẽ dễ bị bong khỏi răng. Cách thứ hai là gắn đá tự nhiên. Với cách này, nha sĩ phải khoan vào răng một lỗ vừa đủ cho chân viên đá gắn vào. Sau đó, nha sỹ sẽ gắn đá vào răng bằng cement dán. Về nguyên tắc, kỹ thuật này có thể ảnh hưởng đến mô răng thật nếu nha sĩ làm không chuyên. |
Đỗ Thơm