Sẵn sàng thi công dự án trọng điểm
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp.HCM cho biết, dự án Đường Vành đai 3 Tp.HCM có quy mô lớn, cần sự chung tay của cả tập thể để đưa dự án về đích. Theo đó, ngay sau khi khởi công sẽ triển khai ngay công tác thi công, đẩy nhanh tiến độ toàn dự án.
Theo ông Phúc, mặc dù dự án đến thời điểm này rất thuận lợi, tuy nhiên những thách thức và khó khăn của dự án Đường Vành đai 3 Tp.HCM vẫn còn ở phía trước. Một trong những thách thức đó là về nguồn vật liệu xây dựng phục vụ dự án bởi các địa phương đồng loạt cùng làm cao tốc.
Hiện nay, các loại đất đắp nền và cát, đá xây dựng đến nay đã cơ bản đủ. Nhưng nguồn cung cát đắp nền cho dự án gặp khó vì trữ lượng lớn. Thời gian qua, Tp.HCM đã nỗ lực làm việc với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang đề nghị hỗ trợ, chia sẻ cát đắp nền cho dự án.
Nhờ vậy, nguồn cát đắp cho toàn tuyến Đường Vành đai 3 Tp.HCM đã đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3 (đạt hơn 80%). Khối lượng này sẵn sàng phục vụ cho việc khởi công dự án và phục vụ thi công trong các năm 2023, 2024 và đầu năm 2025.
Một vấn đề khác là tiến độ giải phóng mặt bằng. Tính đến hết ngày 16/6, các địa phương của Tp.HCM đã hoàn thành bàn giao 87% mặt bằng dự án Đường Vành đai 3 Tp.HCM đoạn qua địa bàn thành phố, vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, báo cáo của Ban chỉ huy dự án thành phần 2 Dự án đầu tư xây dựng Đường Vành đai 3 Tp.HCM chỉ ra, 4 địa phương của Tp.HCM đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 356ha/410ha. Trong đó, Tp.Thủ Đức đã thu hồi 72,8ha/99,8ha (đạt khoảng 73%), huyện Củ Chi đã thu hồi 54,2ha/65,3ha (đạt khoảng 83%), huyện Hóc Môn đã thu hồi 94,0ha/98,9ha (đạt khoảng 95%), huyện Bình Chánh đã thu hồi 134,3ha/145,9ha (đạt khoảng 92%).
Theo kế hoạch, đến trước ngày 30/6/2023, Tp.HCM sẽ bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng; đến trước ngày 31/12/2023 bàn giao 100% mặt bằng. Như vậy, tính đến hết ngày 16/6, Tp.HCM đã vượt tiến độ bàn giao mặt bằng dự án Đường Vành đai 3.
Trả lời câu hỏi của Người Đưa Tin tại họp báo về tiến độ dự án đầu tư xây dựng Đường Vành đai 3 Tp.HCM và công bố lễ khởi công dự án hôm 15/6, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho biết, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với người dân chỉ có giấy tờ mua bán ký tay sau ngày 1/7/2004 đến trước ngày 16/6/2022 vẫn được xem xét xác định là đối tượng bồi thường như bình thường, căn cứ vào nguồn gốc quá trình sử dụng đất của từng hồ sơ.
Áp dụng nhiều cách làm chưa có tiền lệ
Tại buổi lễ khởi công ngày 18/6, trong vai trò điều phối dự án Đường Vành đai 3 Tp.HCM, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi thay mặt các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương đánh giá, đây là dự án có quy mô tư lớn nhất từ trước đến nay của ngành giao thông vận tải trong vùng và nhấn mạnh Đường Vành đai 3 Tp.HCM là công trình “của ý Đảng, lòng dân”, “là con đường kết nối, con đường phát triển”.
Người đứng đầu chính quyền Tp.HCM cho rằng, dự án Đường Vành đai 3 Tp.HCM cũng là dự án được áp dụng nhiều cách làm chưa có tiền lệ, giúp rút ngắn một năm so với cách triển khai thông thường. Trong đó có công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư linh hoạt, tiệm cận giá thị trường, tặng bản vẽ thiết kế cho người trong vùng dự án…
“Đây là yếu tố then chốt giúp dự án có thể khởi công đúng như kỳ vọng. Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn cùng áp lực thời gian; mục tiêu phải thông xe tuyến chính cao tốc vào cuối năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án đường vành đai 3 vào năm 2026 theo yêu cầu Chính phủ và Quốc hội đặt ra là thách thức rất lớn”, ông Mãi nói và cho rằng đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với Tp.HCM và 3 tỉnh.
Cũng tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhận định, Đường Vành đai 3 Tp.HCM cùng với 2 dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu khi hoàn thành sẽ tạo xung lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Các dự án giao thông này sẽ góp phần hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối hệ thống giao thông trục dọc (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, đường bộ ven biển), cảng hàng không quốc tế Long Thành và các hệ thống cảng biển. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải mà còn tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng Đông Nam Bộ về mọi mặt.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các dự án Đường Vành đai 3 Tp.HCM, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 247 km, tổng vốn đầu tư 115.000 tỷ đồng. Cả 3 dự án đều được áp dụng cơ chế đặc thù như đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương; áp dụng cơ chế huy động tổng lực các nguồn lực; áp dụng chỉ định thầu rút ngắn thời gian khởi công, thi công dự án.
Thời gian tới, khối lượng công việc còn lớn, trong đó có việc chuẩn bị nguồn vật liệu, mặt bằng còn lại cho dự án, Thủ tướng đề nghị các bộ - ngành, tỉnh - thành, chủ đầu tư, nhà thầu phải xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm tiến độ dự án thông suốt, an toàn, chất lượng; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện.
"Năm 2030, chúng ta phấn đấu đạt ít nhất 5.000 km đường cao tốc. Để hoàn thành mục tiêu này, chúng ta phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt để năm 2025 sẽ có trên 3.000 km đường cao tốc đưa vào khai thác và 2025-2030 phấn đấu có thêm 2.000 km. Như vậy, cả nước sẽ có đường cao tốc cân đối trục Bắc - Nam và có thêm các đường cao tốc trục Đông - Tây, đi qua nhiều tỉnh, thành. Từ đó việc đi lại được thông suốt", Thủ tướng chỉ rõ.
Tuyến đường vành đai lớn nhất phía Nam
Dự án đầu tư xây dựng Đường Vành đai 3 Tp.HCM được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQCP ngày 15/8/2022 để triển khai thực hiện. Theo đó, Dự án có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương: Tp.HCM (47,35km), Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km).
Dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần, gồm: 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh/thành phố. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương; tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Tại Tp.HCM, Dự án được chia làm 2 dự án thành phần là Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua Tp.HCM (dự án thành phần 1) và Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua Tp.HCM (dự án thành phần 2).