Theo AP, tảng đá bí ẩn được phát hiện từ hệ tầng núi Cedar, thuộc vườn quốc gia Arches ở bang Utah, Mỹ từ khoảng 20 năm trước. Năm 2013, khối đá được đưa tới Wasatch Front để khôi phục hóa thạch khỏi đất đá. Hiện nay, nó được bảo quản trong một nhà chứa ôtô ở thành phố Salt Lake bởi thiếu kinh phí.
Các nhà khoa học đang kêu gọi tài trợ để tiếp tục quá trình nghiên cứu khi gần đây họ đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng cho thấy khối đá nặng 9 tấn chứa hóa thạch của hàng chục con khủng long.
Theo đó không chỉ có một xương đùi, một xương chày, một cái hàm dưới lộ ra gần bề mặt tảng đá mà có khoảng 20 "quái thú" khác, có thể là không toàn vẹn, đan xen chi chít sâu bên trong. Đây được coi là một trong những phát hiện về khủng long lớn nhất tiểu bang này.
"Phát hiện chắc chắn là một trong những điều tuyệt vời nhất tôi từng chứng kiến trong sự nghiệp", ông Don DeBlieux, chuyên gia thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất học Utah, khẳng định.
Nhà cổ sinh vật học, địa chất học James Kirkland thì tin rằng tảng đá chứa hóa thạch của nhiều cá thể thuộc loài khủng long Utahraptor. Đây là loài bò sát săn mồi có kích thước nhỏ bé nhưng cực kỳ hung dữ.
Các nhà địa chất kết luận phiến đá ban đầu là một vũng cát lún. Có khả năng một con khủng long ăn cỏ không may bị mắc kẹt, chết dần trong vũng cát lún, sau đó một bầy Utahraptors đã kéo tới để “xử lý” con vật xấu số.
Kết quả là cả bầy cùng bị sa lầy. Sau 136 triệu năm, vùng cát lún hóa thạch thành một khối đá nặng 9 tấn, giấu trong mình toàn bộ số sinh vật cổ đại mà nó đã “bắt giữ”.
Được biết một thời gian dài cơ quan Khảo sát Địa chất học Utah không có đủ ngân sách để tiếp tục tách hóa thạch khỏi đá. Tới nay, phần lớn chi phí để xử lý tảng đá đến từ các nhà khoa học địa phương và cá nhân yêu thích cổ sinh vật học. Cho đến tháng 5, nếu không thể huy động được tài trợ, việc xử lý tảng đá nhiều khả năng sẽ bị đình chỉ dài hạn.
Minh Hoa (t/h)