Tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024, sơ kết vụ mùa năm 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk tổ chức, bà Đặng Thị Nga, Phó Trưởng phòng Kinh tế Tp.Buôn Ma Thuột cho biết, Tp.Buôn Ma Thuột đã đóng góp khoảng 10,23% tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng chậm.
Đặc biệt, những năm gần đây, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã đặt ra những thách thức mới, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường.
Nhằm phát huy lợi thế và tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, thành phố hướng tới phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái và chất lượng cao.
Để hiện thực hóa định hướng nói trên, theo bà Đặng Thị Nga, UBND Tp.Buôn Ma Thuột đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của đề án không chỉ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương mà còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, phân phối và tiêu thụ. Đặc biệt, đề án còn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa; bảo vệ cảnh quan, môi trường và bền vững...
Trong quá trình thực hiện, thành phố đã hỗ trợ xây dựng các điểm kết nối và tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các phường, xã được 2 điểm, với tổng số kinh phí 200 triệu đồng.
Đồng thời, hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm để quảng bá, xúc tiến thương mại. Hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tham gia quảng bá xúc tiến thương mại tại các hội nghị, hội chợ trong và ngoài tỉnh, đưa lên sàn thương mại điện tử với tổng kinh phí 150 triệu đồng.
Một trong những sáng kiến nổi bật là xây dựng Chợ phiên @ với 10 gian hàng, để các cơ sở, doanh nghiệp trưng bày, buôn bán sản phẩm đạt chất lượng cao. Đây không chỉ là điểm đến tham quan, mua sắm, giao lưu của người dân Tp.Buôn Ma Thuột mà còn là địa chỉ hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Tp.Buôn Ma Thuột cũng chú trọng hỗ trợ xây dựng mô hình mẫu về nông nghiệp đô thị, gắn với phát triển thương hiệu và xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Đồng thời, hỗ trợ sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của thành phố nâng hạng lên 4, 5 sao; xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, Website thương mại điện tử… với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng...
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất
Theo bà Nga, thời gian qua, Tp.Buôn Ma Thuột đã tích cực khai thác tiềm năng du lịch bằng cách gắn phát triển nông nghiệp đô thị với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Tp.Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ xây dựng 6 mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với du lịch, với tổng kinh phí 6,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng.
Một trong những mô hình tiêu biểu là mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ cà phê, sầu riêng hữu cơ gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn xã Ea Tu (Tp.Buôn Ma Thuột).
Mô hình này do Hợp tác xã Công Bằng Ea Tu làm chủ trì, liên kết với 17 hộ dân với diện tích 19,5ha. Các hộ tham gia liên kết được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chứng nhận hữu cơ. Đồng thời, được hỗ trợ phân bón, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường; được hỗ trợ máy móc, trang thiết bị chế biến.
Tại xã Hòa Thuận, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cây sầu riêng gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái cũng đạt được nhiều thành công. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thuận Thành Đạt Lý làm chủ trì thực hiện, liên kết với 15 hộ dân với diện tích 13,5 ha. Các hộ tham gia liên kết được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chứng nhận VietGAP, được hỗ trợ hệ thống tưới thông minh, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường.
Hay mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị gắn với du lịch cộng đồng, trải nghiệp tại xã Hòa Phú do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Phú Xanh làm chủ trì, liên kết với 6 hộ dân thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá lăng. Các hộ tham gia liên kết không chỉ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chứng nhận VietGAP, mà còn được hỗ trợ giống cá, bao tiêu sản phẩm, trang thiết bị sản xuất, kinh doanh.
Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng cũng đã xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao liên kết chuỗi giá trị trên các sản phẩm nấm ăn tại xã Hòa Khánh, liên kết với 5 hộ dân. Theo đó, các hộ dân tham gia được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chứng nhận VietGAP, hỗ trợ xây dựng hệ thống nhà trồng nấm, đảm bảo bao tiêu sản phẩm...
Đặc biệt, các hộ dân tham gia các mô hình nói trên đều được tập huấn bồi dưỡng kỹ năng về du lịch, tạo điều kiện tham gia chuỗi cung ứng các hoạt động trải nghiệm du lịch.
Hiện nay, Tp.Buôn Ma Thuột đã có 3 địa điểm được công nhận là điểm du lịch gồm: Buôn Ako Dhong, buôn Tơng Jú và điểm du lịch Thành Đồng. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với địa phương.
Bà Đặng Thị Nga, Phó Trưởng phòng Kinh tế Tp.Buôn Ma Thuột, khẳng định: "Với kết quả triển khai sản xuất nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái nông nghiệp đã góp phần thực hiện xây dựng xã đạt nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu trên địa bàn Thành phố.
Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh công nhận 4 xã của Thành phố đạt nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu năm 2023 gồm các xã: Hòa Thắng, Ea Tu, Cư Êbur và Ea Kao.
Trong năm 2024, Thành phố đang hướng dẫn triển khai đôn đốc hoàn chỉnh hồ sơ để tiếp tục đề nghị công nhận 3 xã: Hòa Phú, Hòa Xuân, Hòa Khánh đạt nông thôn mới nâng cao và xã Hòa Thuận đạt nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024".
Ngày 2/11, thông tin với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết, nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk rất may mắn khi đi bằng 4 "chân" (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản). Những lợi thế này đã góp phần giúp cho giá trị của ngành nông nghiệp có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
"Sản xuất nông nghiệp nếu như làm ra sản phẩm thô thì giá trị mang lại rất ít và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, cần hướng tới phát triển nông nghiệp theo ngành hàng, theo chuỗi giá trị và tăng tỉ lệ qua chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập. Tp.Buôn Ma Thuột xây dựng và thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái là một điểm mới của ngành nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được mở rộng trong thời gian tới", ông Hà cho hay.
Khánh Ngọc