Không để ai bị bỏ lại phía sau
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hàng năm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động vận động ủng hộ giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng cao điểm “Vì người nghèo” từ 17/10 đến 18/11 và đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Năm nay, trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều hình thức để tiếp tục khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, “nhường cơm xẻ áo” và được các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đồng hành ủng hộ, tạo được nguồn lực quan trọng để giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Cùng với việc vận động nguồn lực cho Quỹ người nghèo, công tác chăm lo cho người nghèo của Mặt trận các cấp được triển khai với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Các hình thức hỗ trợ đảm bảo an sinh được Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai, nhân rộng và được xã hội hưởng ứng, tạo sự lan tỏa, góp phần hỗ trợ để các cá nhân, hộ gia đình nghèo khắc phục khó khăn, nhất là trong tình hình dịch diễn biến phức tạp…
Đặc biệt, trong đợt dịch thứ 4, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kêu gọi nhân dân các địa phương ít chịu ảnh hưởng của dịch hỗ trợ cho nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch với phương châm: ai có hỗ trợ nhiều, ai có lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thì hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Hình thức này đã được nhân dân các tỉnh hưởng ứng tích cực.
Tính đến 30/9 Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh bị ảnh hưởng nặng của dịch đã nhận 610 tỷ đồng.
Hưởng ứng kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã hướng về quê hương với những hỗ trợ như tiền, hiện vật, trang thiết bị y tế với tổng trị giá trên 100 tỷ đồng.
“Không để ai không có Tết”
Để tiếp tục vận động hỗ trợ người nghèo, trọng tâm là tổ chức hoạt động nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2021 đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết “Tương thân, tương ái” của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, các các nhà hảo tâm, toàn xã hội cùng giúp đỡ người nghèo cải thiện cuộc sống. Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành kế hoạch để triển khai chung trong toàn hệ thống.
Mục tiêu đặt ra nhằm tạo nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; những nơi nào đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19, kết hợp với công tác vận động nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo”.
Theo đó, MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức vận động các doanh nhân, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân... đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” theo hướng: Đối với các tỉnh, thành phố trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 phải thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh (tính từ ngày 27/4/2021) tiếp tục vận động ủng hộ phòng, chống dịch Covid - 19. Đối với các tỉnh, thành phố trong đợt dịch Covid - 19 lần thứ 4 chưa phải thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố (tính từ ngày 27/4/2021) tổ chức vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để có thêm nguồn lực chăm lo cho người nghèo.
Trong điều kiện nguồn lực vận động rất khó khăn, ngoài các mục tiêu hỗ trợ để người nghèo vượt qua khó khăn thì mục tiêu “Tết cho người nghèo” với yêu cầu “Không để ai không có Tết” cũng được Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặt ra đối với Mặt trận các tỉnh, thành phố. Theo đó, dành một phần nguồn vận động được trong Tháng cao điểm để tổ chức thăm, động viên các hộ nghèo, gia đình khó khăn trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Nhằm đảm bảo mỗi gia đình, mỗi người dân đều có Tết đầm ấm. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng Kế hoạch chăm lo cho người nghèo trong dịp Tết.
Ngoài việc chăm lo cho người nghèo bằng các chương trình Bánh chưng nghĩa tình, hộp quà đoàn kết…hay dành một phần kinh phí Quỹ "Vì người nghèo" để hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo đón Tết, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và lãnh đạo một số ban, ngành ở Trung ương cũng sẽ đi thăm chúc Tết, tặng quà Tết cho người nghèo. Qua đó, góp phần khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Đối tượng thăm, tặng quà Tếtlà những người nghèo, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đột xuất; ưu tiên những gia đình chính sách gặp khó khăn, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hộ có người bị ảnh hưởng chất độc Da cam/Dioxin khó khăn; hộ nghèo ở vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ; các hộ gia đình khó khăn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19; Các hộ là đoàn viên, hội viên nghèo; là công nhân viên chức, người lao động làm việc ở những khu vực còn nhiều khó khăn; cộng đồng nghèo (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn, trung tâm trẻ mồ côi, người khuyết tật,…).
Phát huy tối đa nhân tố con người
Một số giải pháp chủ yếu đối với công tác vận động hỗ trợ người nghèo trong thời gian tới được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra đó là:
Một là, Quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Trongđó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, mà nội dung là sự tiếp tục và mở rộng các chương trình xóa đói, giảm nghèo, kể cả chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện, xã, thôn bản nghèo.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, đồng thời ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cần thiết đáp ứng yêu cầu của chương trình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm, tìm ra cách làm phù hợp với điều kiện đặc thù của từng đơn vị, địa phương, phát hiện những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt để kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng, uốn nắn những lệch lạc, ngăn ngừa những sai phạm trong thực hiện chương trình...
Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân phát huy những kết quả đạt được và những kinh nghiệm tích lũy được, tiếp tục tham gia tích cực, có kết quả, bằng những hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo, vào việc thực hiện Phong trào; đẩy mạnh Cuộc vận động “Vì người nghèo” theo tinh thần Chỉ thị 05.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà Ðại hội XIII của Ðảng đã đề ra, trong đó đặc biệt quan trọng là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, để đến năm 2045 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại. Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là đối với người nghèo, hộ ngèo vượt qua khó khăn hoặc rủi ro trong cuộc sống. Đồng thời, “Xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển”.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 2.570 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” trên 619 tỷ đồng, an sinh xã hội trên 1.951 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 13.250 căn nhà Đại đoàn kết, giúp đỡ người nghèo các địa phương không phải thực hiện giãn cách xã hội phát triển sản xuất và các cháu học sinh về học tập trực tuyến; hàng triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khám chữa bệnh, được tiêm vắc-xin phòng, chống dịch Covid -19; xây dựng công trình dân sinh cầu đường, lớp học, trạm xá, khám chữa bệnh.