3 mục tiêu, 5 kết quả mong muốn của dự án
Sáng 4/8, tại Tp.Nha Trang, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp với UBND Tp.Nha Trang, Ban quản lý vịnh Nha Trang, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cùng các đơn vị liên quan tổ chức Lễ khởi động dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa”.
Thời gian qua, môi trường vịnh Nha Trang nói chung, rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun nói riêng có biểu hiện suy thoái nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan.
Ngày 21/6/2022, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Thông báo số 347 yêu cầu phải giữ gìn và phục hồi vịnh Nha Trang, bao gồm khu vực biển Hòn Mun. Tiếp đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 theo Quyết định số 3028 ngày 7/11/2022.
Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa cho biết với vai trò của mình, Hội đã chủ động huy động các nguồn lực, huy động sự tham gia, đối thoại và hợp tác giữa cộng đồng và tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun. Đề xuất dự án đã được Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường Toàn cầu chấp thuận tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024.
“Qua dự án này, chúng tôi mong muốn người dân địa bàn phường Vĩnh Nguyên, Tp.Nha Trang trong đó có chị em phụ nữ nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các chị em sẽ có những phương tiện sinh kế bền vững về phát triển du lịch cộng đồng xanh, sạch để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đó cũng là đầu ra của các kết quả mong muốn từ dự án”, bà Nga nói.
Tại hội nghị, bà Phan Thị Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự án hướng tới 3 mục tiêu chính. Một là, xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế đối thoại công - tư trong bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang và bảo tồn rạn san hô phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang.
Hai là, tăng cường sự hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo vệ môi trường, bảo tồn rạn san hô trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang.
Ba là, xác lập nền tảng sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư Tổ dân phố Bích Đầm sống lân cận phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang.
Dự án hướng đến 5 kết quả mong muốn. Bao gồm: Diễn đàn đối thoại công - tư về bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển rạn san hô ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang được thiết lập, vận hành và duy trì có hiệu quả, hiệu lực.
Nhận thức của các bên liên quan, trước hết là cộng đồng và các doanh nghiệp tư nhân có khai thác, sử dụng khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang về bảo vệ môi trường và bảo tồn rạn san hô để duy trì sinh kế cho cộng đồng và phát triển bền vững biển, đảo được nâng cao rõ rệt.
Mặt khác, ô nhiễm rác thải nhựa và suy thoái rạn san hô trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun lần lượt được giảm thiểu và dần được phục hồi thông qua hành động phối hợp của các bên liên quan, nòng cốt là cộng đồng và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các ưu tiên cho sinh kế bền vững của cộng đồng cư dân Tổ dân phố Bích Đầm được nhận diện và xác lập thông qua hợp tác chia sẻ giữa cộng đồng Bích Đầm với khối tư nhân hoạt động trong khu vực biển Hòn Mun, và các cơ quan nhà nước liên quan.
Ngoài ra, cơ chế phối hợp và khuyến nghị chính sách thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa các bên liên quan trong bảo vệ môi trường, bảo tồn rạn san hô phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun gắn với sinh kế bền vững cho cộng đồng được xây dựng và thông qua.
Huy động sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan trong bảo tồn san hô
Trong chương trình lễ khởi động, các đại biểu đã cùng tham gia hội nghị “Thảo luận bàn tròn huy động sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan trong bảo tồn san hô”. Tại đây, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ ý kiến, quan điểm và bày tỏ mong muốn, cam kết chung tay hợp tác để bảo vệ rạn san hô Hòn Mun nói riêng và đa dạng sinh học biển Việt Nam nói chung.
Đại tá, TS. Nguyễn Như Hưng, Giám đốc chi nhánh Ven Biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đề xuất: “Chúng ta phải coi biển Nha Trang, các hệ sinh thái rạn san hô như là tài sản riêng của mình để cùng nhau bảo vệ tốt hơn, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Và, mỗi người nên là một người chiến sĩ đứng gác, bảo vệ cho rạn san hô để nâng cao, phát huy giá trị mà hệ sinh thái mang lại cho con người, cuộc sống”.
Trong khi đó, ông Đàm Hải Vân, Phó Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết, qua khảo sát, hệ sinh thái trong vịnh Nha Trang nhất là hệ sinh thái rạn san hô ở những khu vực có điều kiện tốt, bảo vệ tốt vẫn và đang phát triển.
Thực hiện kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, với vai trò của mình, Ban quản lý đã tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức không chỉ của người dân, du khách mà còn cả cộng đồng, nhà quản lý, nhà đưa ra chính sách chiến lược.
Ban quản lý đã tham mưu cho thành phố các chương trình, kế hoạch cụ thể. Trong đó, dừng các hoạt động có nguy cơ cao ảnh hưởng đến hệ sinh thái như lặn biển, đánh bắt thủy sản, ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, vận động cá nhân, tổ chức xã hội chung tay trong việc phục hồi rạn san hô (tạo vườn ươm, rạn nhân tạo…); trồng 12.000 cây đước ở cửa sông, cửa biển; thành lập đội liên ngành tuyên truyền, vận động người dân không bẻ gãy, dẫm đạp san hô ở khu vực Hòn Chồng và xử lý những trường hợp vi phạm...
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Thành viên ban chỉ đạo của Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu, để thực hiện tốt dự án thì phải cùng nhau làm. Trước hết là các đơn vị phải ra hiện trường, lặn xuống biển khảo sát rồi về thảo luận, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện.
Bà Dương Thị Thọ, Chi hội trưởng hội phụ nữ Tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, Tp.Nha Trang cho biết, trước đây, Hòn Mun là “nồi gạo” của người dân đảo Bích Đầm. Hoạt động nghề lưới trủ của người dân làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rạn san hô, nên sau khi được tuyên truyền, vận động thì hầu hết người dân đã tự nguyện bỏ nghề này. Nhưng cũng chính vì thế, người dân phải tìm con đường làm ăn khác ở xa.
Theo bà Thọ, muốn kéo con em về lại làng đảo thì phải làm du lịch cộng đồng. Hiện nay, ở đảo có miếu, đình làng, ngọn hải đăng, bãi biển đẹp… nên có điều kiện để làm điều này.
“Muốn làm được du lịch cộng đồng, trước hết phải giữ môi trường sạch sẽ bằng các phong trào, chương trình cụ thể. Và, điều quan trọng phải có điện ở đảo để có thể phục vụ du khách. Chính vì vậy, cần sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền để người dân ở đảo có sinh kế bền vững”, bà Thọ nêu suy nghĩ.
Phát biểu tại chương trình, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý với cách làm của dự án, đó là các nhà khoa học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, người dân cùng tham gia thực hiện.
Theo ông Nam, tỉnh này đã có kế hoạch phục hồi tổng thể vịnh Nha Trang và đây là dự án đầu tiên triển khai thực hiện. Dự án tuy không lớn nhưng đi đúng theo mục tiêu của kế hoạch.
Để đạt được 3 mục tiêu, 5 kết quả đề ra của dự án, ông đề nghị các sở ngành liên quan, Tp.Nha Trang đồng hành cùng Hội LHPN tỉnh và các đơn vị hoàn thành tốt các chương trình.
Ông hi vọng trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia, viện nghiên cứu, nhà tài trợ để có thêm các dự án thực hiện kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang.
Châu Tường