Ngày 21/10 vừa qua, tại phiên họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Tại dự án Luật này, Bộ Công Thương có đưa ra đề xuất Nhà nước độc quyền phát triển điện hạt nhân. Việc này đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới việc tái khởi động lại chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn về tình hình cũng như thời cơ của Việt Nam trong việc tái khởi động lại dự án điện hạt nhân, Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn An Trung - Quyền Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Kịch bản quay lại điện hạt nhân của Việt Nam
NĐT: Ông đánh giá như nào về những cơ hội phát triển điện hạt nhân của Việt Nam trong thời điểm này?
Ông Nguyễn An Trung: Ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 41/2009 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Liên bang Nga và Nhật Bản là hai đối tác được chọn thực hiện 2 dự án điện hạt nhân này.
Tuy nhiên, vì lý do kinh tế, ngày 22/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016 dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án. Quyết định này đã có nhiều tác động và có thể xem là một bước quan trọng trong việc điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam.
Như vậy, nếu trở lại với chương trình điện hạt nhân ở thời điểm này, chúng ta không phải bắt đầu từ con số 0 mà từ những kết quả mà Việt Nam đã dành nhiều nguồn lực đầu tư và đạt được trong giai đoạn chuẩn bị tích cực cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây.
Cụ thể đó là việc xây dựng hạ tầng phát triển chung và hạ tầng an toàn điện hạt nhân với nhiều đoàn chuyên gia IAEA vào đánh giá; Hệ thống pháp lý; Có 8 địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã được quy hoạch, trong đó có 2 địa điểm tại Ninh Thuận đã được nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng và đánh giá phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân; Hơn 20 năm gần đây, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã xây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh về công nghệ điện hạt nhân và phân tích, đánh giá an toàn hạt nhân.
Đồng thời, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân trong giai đoạn trước. Nhiều cán bộ được đào tạo tại nước ngoài ở cả khía cạnh triển khai dự án, vận hành và đảm bảo an toàn.
Chúng ta cũng đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cũng như ký kết các hiệp định liên chính phủ và nhận được sự hỗ trợ tốt của các đối tác, của các cường quốc hạt nhân và của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tiến hành điều tra, thăm dò và đánh giá (triển khai công nghệ mức độ Pilot) trữ lượng Uran, hướng tới đảm bảo nguồn nhiên liệu cho vận hành lâu dài nhà máy điện hạt nhân.
Một thuận lợi khác cho kịch bản quay lại điện hạt nhân của Việt Nam tới từ bối cảnh khách quan chung của quốc tế ở hiện tại.
Sau giai đoạn trầm lắng do sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản (tháng 3/2011), tình hình điện hạt nhân trên thế giới đang chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu (sau Hội nghị Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu năm 2021 - COP26) và thay đổi địa chính trị trên thế giới.
Có 62 lò đang được xây dựng, khoảng 110 lò đang được lên kế hoạch xây dựng và theo IAEA, dự kiến đến năm 2035 số nước có điện hạt nhân sẽ tăng hơn 30% so với hiện nay, tức là thêm khoảng 10-12 nước nữa sẽ có điện hạt nhân.
Tại COP28, 22 quốc gia trong đó có các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada đã ký vào Bản tuyên bố sẽ tăng 3 lần công suất lắp đặt điện hạt nhân trên thế giới vào năm 2050 (so với hiện tại). IAEA đã khởi động sáng kiến "Atoms4NetZero" để thúc đẩy ứng dụng năng lượng hạt nhân vào chống biến đổi khí hậu.
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc quản lý các dự án với quy mô kinh phí lớn sau khi thực hiện các dự án xây dựng sân bay Long Thành, các tuyến đường cao tốc cũng như các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh.
Về dự án lớn liên quan tới hạt nhân, hiện tại Bộ KH&CN cũng đang phối hợp cùng Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) trong việc xây dựng Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân (CNST), trong đó cấu phần chính là lò phản ứng nghiên cứu công suất 10MW.
Đây là dự án hạt nhân mang nhiều mục đích và ý nghĩa: Triển khai nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam lên tầm cao mới; Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hạt nhân; Đồng thời cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm triển khai các dự án hạt nhân.
Tuy nhiên, việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam tại thời điểm này cũng sẽ gặp không ít thách thức, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn nhân lực.
Một vài năm sau khi dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào cuối năm 2016, đã có dấu hiệu của hiện tượng chảy máu chất xám ra khỏi lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong khi các nguồn đào tạo mới là không đáng kể (các trường gặp khó khăn trong việc thu hút sinh viên theo học ngành hạt nhân), thế hệ các chuyên gia đầu ngành được đào tạo bài bản trước đây đã nghỉ hưu, nhiều cán bộ sau khi hoàn thành đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài đã ở lại làm việc (PostDoc); Các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ điện hạt nhân phần nào mất phương hướng do định hướng chính sách cũng như hạn chế trong đầu tư kinh phí.
Hiện tại Bộ KH&CN đã giao Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam làm việc với các đối tác quốc tế để lập và thực hiện kế hoạch duy trì và phát triển nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử, trước mắt là phục vụ trực tiếp triển khai thực hiện dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST) cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực cho vận hành đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả CNST sau khi đi vào hoạt động, và về lâu đài là chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp Việt Nam quay trở lại với chương trình điện hạt nhân.
Tuy nhiên để có thể thực hiện thành công việc đào tạo nhân lực, cần có chiến lược và kế hoạch dài hạn, triển khai từng bước trên cơ sở những gì Việt Nam đang có về nhân lực và quan hệ quốc tế. Đặc biệt cần có sự chỉ đạo sát sao và hỗ trợ tích cực của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ.
Bài toán công nghệ có đặt ra thách thức?
NĐT: Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều ngày 23/10, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết phát triển điện hạt nhân phải đưa mức an toàn lên tối đa, đưa mức rủi ro về 0. Dưới góc nhìn của ông, thì việc áp dụng công nghệ khi triển khai điện hạt nhân của các nước trên thế giới hiện nay, Việt Nam nên tính toán thế nào?
Ông Nguyễn An Trung: Qua gần 70 năm phát triển có những thăng trầm liên quan đến các sự cố, cho đến nay, công nghệ điện hạt nhân dùng lò nước nhẹ (LWR) tiên tiến thế hệ III và III+ đã cải tiến, hoàn thiện rất nhiều so với các thế hệ I và II thời kỳ đầu trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn của IAEA.
Đặc biệt là những yêu cầu an toàn mới nhất đã được hoàn thiện thêm sau sự cố Fukushima, cũng như cải tiến về hiệu suất và thiết kế kéo dài tuổi thọ để tăng tính kinh tế và cạnh tranh của điện hạt nhân.
Các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đang được xây dựng mới hiện nay phần lớn là lò LWR thế hệ III+ có công suất lớn trên 1.000 Mwe (có khoảng 30 tổ máy đã đi vào vận hành và 20 tổ máy đang tiếp tục được xây dựng mới trên toàn thế giới).
Về an toàn, các thiết kế mới này được hình thành từ tất cả những bài học kinh nghiệm, tăng cường khả năng đảm bảo an toàn, ngăn ngừa sự tiến triển của sự cố nếu có các vấn đề bất thường xảy ra.
Trên cơ sở mô phỏng sự cố (hiện đã ứng dụng AI cho mức độ chính xác cao), thiết kế mới cần đáp ứng tất cả các kịch bản có thể xảy ra hoặc có thể tưởng tượng ra và ngay cả khi xảy ra sự cố, các hệ thống an toàn kết hợp an toàn chủ động (active safety) và thụ động (passive safety) đảm bảo chất phóng xạ được giam giữ và không ảnh hưởng đến con người và môi trường.
Một xu hướng mới là phát triển các loại lò phản ứng tiên tiến thiết kế và sản xuất dạng mô-đun tại nhà máy với công suất nhỏ hơn 300MWe (còn gọi là SMR, thế hệ IV) được kỳ vọng ưu việt về an toàn và đáp ứng yêu cầu về hạ tầng đa dạng hơn.
Tuy nhiên, tại Hội nghị SMR lần đầu tiên trên thế giới của IAEA diễn ra từ 21-25/10/2024, vấn đề thương mại hoá, công nghệ kiểm chứng, đảm bảo an toàn, xử lý chất thải, tính kinh tế, khía cạnh pháp quy... vẫn là những vấn đề được các nước quan tâm nhiều và đang tập trung để làm rõ và giải quyết.
Ngoài ra còn có năng lượng nhiệt hạch vẫn mới ở dạng tiềm năng, đang được đầu tư nghiên cứu trên thế giới và đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên tương lai thương mại hóa công nghệ này để phát điện vẫn còn xa do những rào cản về công nghệ và kỹ thuật hiện chưa thể giải quyết.
Như vậy, là một quốc gia đi sau, một trong những yêu cầu tiên quyết là Việt Nam phải sử dụng công nghệ tiên tiến và đã được kiểm chứng. Đây cũng là yêu cầu tại Nghị quyết 41 của Quốc Hội khi phê duyệt chủ trương Dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận.
Do đó, nếu Việt Nam quay trở lại với chương trình phát triển điện hạt nhân, nên bắt đầu với công nghệ lò LWR tiên tiến, thế hệ III+, vì đây là công nghệ thuần thục, đã tích lũy kinh nghiệm thực chứng và khoa học qua gần 70 năm phát triển; lò nước nhẹ đang và tiếp tục là công nghệ phổ biến trên thế giới trong nhiều chục năm tới.
Cán bộ Việt Nam cũng đã được đào tạo và có hiểu biết và thực hiện nhiều nghiên cứu sâu đối với loại công nghệ này trong giai đoạn chuẩn bị Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Hệ thống các thông tư và tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện hạt nhân mà Việt Nam đã xây dựng trong giai đoạn này cũng phù hợp với loại công nghệ này.
Với ưu thế về thời gian xây dựng, công suất phù hợp để thay thế dần cho các nhà máy nhiệt điện than, lò SMR vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị cho tương lai xa. Sau khi triển khai thành công các dự án LWR đầu tiên với đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm và nền tảng kỹ thuật chắc chắn, công nghệ SMR sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng và xem xét đưa vào Việt Nam sau khi đã được thương mại hóa và kiểm chứng trên thế giới.
Điện hạt nhân - đòn bẩy cho nền kinh tế Việt Nam
NĐT: Việc khởi động lại những dự án điện hạt nhân sẽ có tác động như nào đến nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng cũng như mục tiêu Net Zero mà Việt Nam đã cam kết, thưa ông?
Ông Nguyễn An Trung: Về khía cạnh đáp ứng mục tiêu Net Zero và chống biến đổi khí hậu, sau COP26, nhiều quốc gia, trong đó phần lớn là các nước phương Tây, đã công nhận điện hạt nhân là một loại năng lượng xanh, không phát thải khí nhà kính, là nguồn điện công suất lớn, ổn định, có thể hoạt động liên tục, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết hoặc thủy văn như thủy điện và năng lượng tái tạo, hệ số sử dụng công suất cao phù hợp để phát điện nền cùng với điện tái tạo, đảm bảo nguồn cung điện ổn định trong dài hạn, giải quyết một cách hài hòa các thách thức trong việc đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính và đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế.
Đặc biệt, một vấn đề mới gần đây đang trở nên cấp thiết, là vấn đề thủy lợi, chống xâm nhập mặn và cấp nước sạch cho khu vực Nam Bộ (và Nam Trung Bộ). Hiện nay, thủy điện là nguồn điện rẻ nhất trong hệ thống điện và cơ cấu chạy nền của hệ thống.
Nước ngọt từ các hồ thủy điện đang sử dụng nhiều vào thủy điện, nên không được sử dụng hiệu quả cho thủy lợi, xâm nhập mặn hay sinh hoạt của người dân vào những thời kỳ thiếu nước. Nếu có điện hạt nhân, sẽ là nguồn điện chạy nền của hệ thống điện và giảm tải cho thủy điện. Khi đó, nước từ các hồ thủy điện có thể được sử dụng hiệu quả trong một giải pháp tổng thể về điện năng, thủy lợi, chống xâm nhập mặn cho khu vực này.
Về khía cạnh đảm bảo an ninh năng lượng, cùng với việc phát triển kinh tế nhanh chóng, Việt Nam gần đây đã có những quyết sách định hướng đẩy mạnh đầu tư tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật cao mới nổi đòi hỏi mức tiêu thụ điện năng cao và ổn định của nguồn điện như: sản xuất chip, bán dẫn; phát triển mạng viễn thông 5G và cao hơn; vận hành của các trung tâm dữ liệu lớn phục vụ AI và điện toán đám mây; phát triển ô tô điện và đường sắt cao tốc Bắc Nam,...
Nhu cầu điện năng nhằm hiện thực hóa "điện hóa nền kinh tế" của nước ta còn gặp nhiều thách thức trong bối cảnh biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu và trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình chính trị thế giới và khu vực.
Điện hạt nhân giúp đảm bảo an ninh năng lượng với việc đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng, hiệu suất vận hành cao, chất lượng ổn định, đặc biệt có thể mua tích trữ nhiên liệu lâu dài để chủ động nguồn cung cấp. Một yếu tố quan trọng khác là nguồn cung nhiên liệu cho điện hạt nhân trên thế giới có thể bảo đảm trong thời gian dài, ổn định so với các loại điện năng sử dụng nhiên liệu hóa thạch khác.
Việc đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, tin cậy và bền vững cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Về khía cạnh kinh tế, so với nhiệt điện, điện hạt nhân có vòng đời dự án dài hơn (khoảng 60 năm và có thể kéo dài thêm khoảng 20 năm) cho phép mức khấu hao thấp.
Cùng với công suất lớn và ổn định, hệ số sử dụng công suất cao (gần 90%), khối lượng nhiên liệu sử dụng rất nhỏ nên có thể dự trữ nhiều năm, ảnh hưởng của thay đổi giá nhiên liệu lên giá phát điện không đáng kể so với các loại nhiên liệu khác như than và khí, chi phí vận hành và bảo dưỡng giảm đáng kể do áp dụng các công nghệ tiên tiến có khả năng dự báo và giám sát tự động chất lượng, tuổi thọ của các thiết bị và hệ thống trong nhà máy điện hạt nhân.
Mặc dù suất đầu tư ban đầu cao nhưng giá thành điện hạt nhân vẫn có sức cạnh tranh cao so với nhiệt điện dùng than sử dụng công nghệ bắt carbon (CC), nhiệt điện khí hóa lỏng, thủy điện và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, nếu hết thời gian khấu hao thì không một dạng năng lượng nào có thể cạnh tranh được với điện hạt nhân.
Các quốc gia có lệ điện hạt nhân cao giúp hạ giá điện ví dụ như Pháp, quốc gia với khoảng 70% điện năng tới từ điện hạt nhân, có giá điện thấp nhất trong các nước châu Âu. Phần Lan, sau khi Nhà máy điện hạt nhân Olkiluoto 3 đi vào hoạt động, giá điện tại Phần Lan giảm tới 75%.
Ngoài ra, điện hạt nhân cũng tạo giá trị kinh tế lớn cũng như tạo ra nhiều việc làm thu nhập cao và ổn định cho địa phương.
Một ví dụ điển hình là 2 tổ máy điện hạt nhân Indian Point 2&3 tại Tiểu bang New York, Hoa Kỳ đã tạo ra giá trị kinh tế khoảng 1,6 tỷ USD cho Tiểu bang và 2,5 tỷ USD trên toàn quốc mỗi năm; Đóng góp thuế cho chính quyền địa phương, Tiểu bang và Liên bang khoảng 340 triệu USD mỗi năm; Chi phí trả lương hàng năm khoảng 140 triệu USD cho gần 1.000 nhân viên của nhà máy.
NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
THANH LOAN