Khôi hài các quý bà nhảy Gangnam Style quanh Hồ Gươm

Khôi hài các quý bà nhảy Gangnam Style quanh Hồ Gươm

Thứ 3, 15/10/2013 16:57

Gác lại chuyện tuổi tác, quên cả mái đầu pha sương dấu ấn của thời gian, các bà, các mẹ tuổi từ 50 đến "xưa nay hiếm" cũng rộn ràng với vũ điệu vui nhộn Gangnam Style (điệu ngựa phi). Từ thành phố tới nông thôn nhiều bà đã lập hội sáng hoặc chiều tập trung nhau lại nhảy theo tiếng nhạc tưng bừng.

Rủ nhau chung tiền mời vũ sư

Sáng sớm tại chân tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) giữa khung cảnh Hồ Gươm thơ mộng, khoảng 40 quý bà lại tập trung nhau lại cùng nhảy Gangnam style. Nhiều người vẫn gọi đùa các bà là "hội những người thích phi ngựa". Nhưng bỏ qua tất cả, mục đích các bà, các chị là được vui vẻ, được nhảy như một bài tập để nâng cao sức khoẻ. Vũ sư Nguyễn Chí Quyết là người được các quý bà mời dạy những bước nhảy đã nổi tiếng toàn thế giới này. Anh Quyết cho biết, điệu nhảy này đã được các bà yêu thích. Đây là điệu nhảy trẻ trung, vui nhộn dễ học nên các bà học rất đông. Nếu như trước đây nhiều người đã đăng ký tập thể dục nhịp điệu giờ cũng chuyển sang nhảy Gangnam.

Để tham gia vào sân chơi này cũng thật đơn giản, các bà chỉ cần đăng ký và bầu ra một người là nhóm trưởng để thu tiền mời thầy dạy. Một tháng học nhảy Gangnam mỗi người cũng chỉ đóng 60-80 ngàn đồng tiền thuê thầy. Ngoài ra, các bà cũng đóng thêm chút quỹ để có tiền trà nước, giao lưu sau buổi tập. Một buổi tập thường kéo dài 1 tiếng đồng hồ, mọi người đều phấn khích, cười nghiêng ngả, thoải mái tinh thần, chi phí chẳng là bao nên khiến người tập Gangnam ngày càng đông.

Xã hội - Khôi hài các quý bà nhảy Gangnam Style quanh Hồ Gươm

Các bà hào hứng nhảy Gangnam style.

Với một huấn luyện viên chuyên nghiệp thì… nhạc nào cũng nhảy, từ tập thể dục nhịp điệu, hiphop, erobic và bây giờ là Gangnam đều được đáp ứng. Một vũ sư như vậy nếu không nhận hướng dẫn tại trung tâm thể dục thẩm mỹ chỉ cần nhận vài câu lạc bộ cũng đủ sống. Thông thường, một nhóm mời thầy về dạy nhảy sẽ trả tiền "học phí"  là 3-5 triệu đồng. Các thành viên tự chia nhau để đóng góp mời thầy, khi đã  "tự biên, tự diễn" được mọi người sẽ tự bật nhạc, tự tập mà không cần thầy hướng dẫn nữa.

Bà Ngô Thị Liên (Hai Bà Trưng- Hà Nội) cũng tham gia lớp nhảy Gangnam chia sẻ: "Trước đây tôi có tham gia câu lạc bộ khiêu vũ cổ điển nhưng nói thật tập khiêu vũ mọi thứ chi phí tốn kém hơn nhiều với trang phục, giày nhảy, tiền thuê thầy… Mà người cứng như tôi, tập mãi không bước đúng bước cũng mất tự tin khi có người mời nhảy. Tôi theo khiêu vũ một thời gian dài thấy không tiến bộ. Hơn nữa ông nhà tôi cũng không thoải mái khi cứ thấy vợ ôm eo người đàn ông lạ nhảy nhót. Tôi muốn tập để khoẻ mạnh, giữ sự trẻ trung nhưng lại căng thẳng chuyện gia đình nên thấy khó". Từ khi có câu lạc bộ Gangnam bà Liên thấy phù hợp với điều kiện của mình, bà được nhảy độc lập, vui nhộn, động tác không quá khắt khe. Do vậy, bà Liên tự tin tham gia với sự đam mê.

Hãy ủng hộ sự chọn lựa của các cụ

Không chỉ các bà thành phố, tại nhiều vùng nông thôn điệu nhảy Gangnam cũng thành "mốt" và được nhiều người yêu thích. Câu lạc bộ Gangnam style xã Tản Linh (Ba Vì- Hà Nội) cũng đã hoạt động được gần nửa năm. Bà Nguyễn Thị Hiệp tham gia trong câu lạc bộ từ ngày đầu, chiều nào bà cũng theo tập đầy đủ. "Hôm cô con gái tôi làm việc ở Thủ đô về nhìn thấy tôi đi tập điệu ngựa phi liền nói: "Các bà đang trẻ hoá hay sao mà còn nhảy nhót như bọn "tuổi tin" (teen-PV). Tôi cũng nói luôn: "Thì ở trên này các mẹ cũng là người Hà Nội đấy chứ. Nội thành nhảy được thì ngoại thành cũng nhảy được, có sao đâu?".

Bà Hiệp kể: "Ngoài những lúc công việc đồng áng chúng tôi cũng muốn tập trung nhau lại để giao lưu. Ban đầu, chúng tôi định tập khiêu vũ, hay tập nhịp điệu. Khi có người hướng dẫn giới thiệu vài điệu khiêu vũ cổ điển như cha-cha, val… gì gì đó, chúng tôi tập nhưng không vào. Sau đó "cô giáo" chuyển sang nhảy điệu ngựa phi, chúng tôi làm được theo ngay. Vậy là tất cả thống nhất học nhảy điệu Gangnam, hiện cũng đang được đông người tập, cũng là thời thượng đấy nhỉ?". Tôi cười, tỏ vẻ ủng hộ các bà đã tìm được một sân chơi chung hào hứng, vui vẻ. Nhiều người cho rằng, chắc chắn việc tập nhảy này sẽ có ích hơn nếu như các bà chỉ ngồi chơi tam cúc thắng thua nhau 500-1.000 đồng.

Tuy nhiên, cũng giống như bà Hiệp, ngay ở thành phố nhiều bà cũng bị con cái phê phán chuyện đi nhảy như tuổi teen. Giải toả điều này, TS. Trịnh Hoà Bình chuyên gia xã hội học cho rằng: "Việc các bà, các cụ yêu thích một môn thể thao, nghệ thuật nào đấy là điều tốt. Trong xu hướng phát triển của xã hội, có môn nghệ thuật nào quy định chỉ dành riêng cho một lứa tuổi nào đâu. Vẫn có những người trẻ tuổi thích nhảy val, nghe nhạc xưa thì tại sao lại cấm đoán người có tuổi nhảy Gangnam, hay nhảy hiphop. Mà tôi cũng đã thấy có câu lạc bộ các bà trung niên nhảy hiphop ở Hà Nội và các thành phố lớn đấy thôi. Điều này cho thấy, nếu chúng ta yêu thích một điều gì đấy, không trái với thuần phong, mỹ tục thì có quyền được thể hiện ý thích ấy. Việc vận động này có lợi cho sức khoẻ của người già, chúng ta nên ủng hộ".  

Hơn 70 tuổi vẫn... phi ngựa

Trong câu lạc bộ Gangnam style ở Ba Vì (Hà Nội) có 4-5 cụ trên dưới 70 tuổi vẫn hàng chiều vui vẻ… phi ngựa. Các cụ nhảy hào hứng và tập luyện thường xuyên nên sức khoẻ thêm dẻo dai. Nhiều cụ còn khẳng định, nhảy điệu phi ngựa khiến người khoẻ hơn, hết luôn cả chứng đau xương khớp. Các bác sỹ tâm lý cho rằng: Gangnam style đã thành điệu nhảy nổi tiếng khắp thế giới, với giai điệu nhạc vui nhộn khiến tinh thần con người thoải mái, vũ điệu đơn giản, dễ học nên ai cũng có thể làm theo được. Tinh thần, sự vận động thoải mái, thường xuyên sẽ là yếu tố tốt giúp các cụ sống vui- khoẻ- có ích.        

Mai Nguyễn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.