Theo tìm hiểu của PV, những câu chuyện xung quanh hai từ “lễ nghĩa” ngày càng trở nên bi hài. Và câu chuyện rải tiền thật trong đám tang cũng vậy. Nhiều nơi, người dân cứ nghĩ càng rải nhiều tiền càng tốt và đó là cách thể hiện thành tâm với người quá cố. Nhưng, khi thành tâm được thể hiện thái quá đã trở thành sự phản cảm, bức xúc trong dư luận.
Ảnh minh họa
Lộ phí đi đường cho người... chết?
Cách đây ít hôm (ngày 2/7), một đoàn xe đưa tang từ ấp Thuận Phú 1, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) hướng về nghĩa trang thị xã Đồng Xoài đã rải khá nhiều tiền thật trên suốt một đoạn đường dài . Sự kiện này ngay lập tức trở thành “tâm điểm dư luận” ở địa phương. Những người thân của người quá cố cầm trong tay từng nắm giấy vàng mã cùng tiền giấy thật có mệnh giá 1.000 đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, rải suốt lộ trình hơn 15km.
Thấy tiền giấy thật vương vãi trên đường, nhiều người dân, nhất là trẻ em, nháo nhào tranh nhau nhặt bất chấp xe cộ qua lại. Nhiều người cho rằng hành động rải tiền của gia chủ không chỉ quá lãng phí mà còn khiến người đi đường gặp nguy hiểm.
PV Người đưa tin từng chứng kiến đám tang rình rang của một gia đình giàu có trên đường Giải Phóng (Hà Nội). Trên suốt chặng đường từ Hà Nội về Hà Nam (nơi quê gốc của người quá cố), gia đình có tang gia đã “hào phóng” rải tiền thật mệnh giá từ 1.000- 5.000 đồng suốt chặng đường. Những người có mặt trong tang lễ đều phải thốt lên “quá lãng phí”, thậm chí có người còn mạnh dạn góp ý với gia chủ.
Thế nhưng, đại diện tang gia cho biết: "Chúng tôi cũng không hiểu sâu lắm về phong tục rải tiền thật trên đường đi đưa tang. Chỉ tin rằng, mỗi lần đưa tang qua các ngã ba, ngã tư hoặc cầu, sông nước cần phải rải nhiều tiền âm phủ và cả tiền thật cho ma quỷ để người âm dễ dàng đi qua".
Trên thực tế, việc rải tiền trong đám tang không phải chuyện hiếm mà đã trở thành hủ tục từ rất lâu. Hầu như đám tang nào cũng có những đồng tiền được rải khắp đường. Tuy nhiên, trước đây tiền thật được đem rải trên đường chủ yếu có mệnh giá nhỏ, từ 200-500 đồng. Nhưng sau này, nhiều đám tang họ thể hiện “lễ nghĩa” với người quá cố bằng việc đoàn xe đi đến đâu, hàng xấp tiền thật mệnh giá 1.000-5.000 đồng được người nhà tung ra đến đấy. Sự thành tâm được thể hiện ở mệnh giá tiền lớn hơn?!
Ông Nguyễn Văn Điện (cán bộ hưu trí) cho rằng: “Ngày xưa không hề có chuyện rải tiền thật trong đám tang làm “lộ phí” đi đường cho người quá cố. Mãi về sau này, “phú quý sinh lễ nghĩa”, một số người nhiều tiền mới “đẻ” ra chuyện nà,y rồi có người học theo và lầm tưởng đó là phong tục tập quán”.
Bi hài chuyện... đám tang
Còn nhớ, trong một lần tìm hiểu đề tài về “xóm bụi đời”- cuộc sống mưu sinh của những đứa trẻ lang thang sống ở gầm Cầu Long Biên, PV Người đưa tin đã được cậu bé tên Phú (quê Hà Tĩnh) kể về câu chuyện phân chia khu vực kiếm ăn. Câu chuyện bi hài nhất có lẽ phải kể đến chính là câu chuyện “kiếm tiền” sau mỗi đam tang.
Phú bảo rằng, khu vực cầu Long Biên, mỗi khi có đám tang là lũ trẻ đã được phân địa phận kiếm ăn ở đó sẽ kiếm được món hời. Phú cho biết, ở quê cậu cũng vậy, có những người vô gia cư sống dưới các gầm cầu đã lợi dụng chuyện xe tang qua cầu sẽ rải tiền thật để chia chác. Thậm chí, do có quá nhiều người, họ còn phân chia cả địa phận, rơi vào chỗ của người nào thì người ấy nhặt.
Xung quanh chuyện rải tiền thật trong đám tang, nhiều ý kiến cho rằng, khi còn sống, trong gia đình được người thân quan tâm, chăm sóc mới là điều hạnh phúc nhất. Còn khi mất đi mới thể hiện sự thành tâm, thể hiện lễ nghĩa chẳng qua cũng chỉ là hình thức “che mắt thiên hạ”. Khi ấy người chết có “đo” được lòng người đang sống?.
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Xuân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất bức xúc trước cảnh rải tiền vô tội vạ ở các đám tang hiện nay. Tôi đã từng chứng kiến cảnh một gia đình, khi mẹ mất, cả 3 anh em chỉ lo tranh cãi tổ chức như thế nào để thể hiện sự phú quý của gia đình với thiên hạ. Mỗi người đổi đến tận 3 triệu tiền lẻ để rải đường. Tuy nhiên, lúc bà mẹ sống thì con cái lại thường bỏ bê, chả ai lo chăm sóc”.
Cũng theo bà Xuân thì khi xưa người ta chỉ sử dụng tiền thật là tiền xu để tùy táng, đặt lên mắt hoặc cho vào miệng người đã mất. Còn đi trên đường thì người ta chỉ sử dụng vàng mã với ý nghĩa tâm linh là trả tiền cho ma quỷ cản đường và thể hiện lòng tốt của con cháu đối với người đã ra đi. Vậy nhưng, tại các đám tang hiện nay, đặc biệt những gia đình giàu có, họ chỉ coi trọng việc rải càng nhiều tiền giấy càng tốt!?”
Niềm tin huyễn hoặc
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, ở một số tỉnh miền núi, phong tục này gần như không tồn tại. Ở các vùng núi phía Bắc hiện nay như Lào Cai, Bắc Cạn, Lạng Sơn…, đồng bào rất quý trọng đồng tiền. Khi được hỏi, phần lớn những người trung niên cho rằng, việc rải tiền thật khi xe tang đi trên đường vừa mê tín vô lối lại vừa phản cảm. Nó thể hiện người ta không biết quý trọng đồng tiền và gây mất trật tự xã hội, an toàn giao thông khi kéo theo cả một đoàn người tranh nhau nhặt tiền.
Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng, một đám tang văn minh bây giờ chỉ nên cúng tại nhà và tại mộ. Việc rải tiền, dù tiền thật hay tiền âm phủ, đều không phải là hành vi văn minh, văn hóa. Bạn đọc Hà Thu (Hà Đông) nhận định: “Tôn trọng đồng tiền quốc gia là biểu hiện cần có ở một đất nước văn minh. Vì vậy, việc rải tiền khi đưa tang là điều không nên”. Nhiều hệ lụy có thể xảy ra từ hành động này như trẻ em, người nghèo khó đua nhau chạy theo nhặt tiền có thể dẫn đến tai nạn giao thông; phố xá bừa bãi, mất mỹ quan...
Đỗ Thu Nga (sinh viên ĐH KHXH&NH) cho rằng, việc rải tiền trong đám tang được cho là ảnh hưởng bởi tập quán của người Trung Hoa và mang màu sắc tâm linh. “Đã là phong tục thì thường gắn liền với tâm linh. Vì thế, rất khó để thay đổi hay từ bỏ. Điều này có thể lý giải vì sao đã có luật cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang nhưng hiện tượng này vẫn tồn tại trong đời sống”.
Việc rải những tờ tiền có mệnh giá 1.000- 5.000 đồng cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ. Trong hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, số lượng người nghèo chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong xã hội. Không ít người già neo đơn, trẻ em mồ côi chỉ mong kiếm được vài ba ngàn một ngày, thì vẫn có những người giàu sẵn sàng vung tiền qua cửa sổ vì một niềm tin huyễn hoặc, mơ hồ.
Suýt chết vì nhặt tiền Chị Lê Thị Hải ở Thái Bình kể, một lần, chị gặp một đám đưa ma chạy trên quốc lộ 39 ( từ thành phố Thái Bình đi huyện Tiền Hải). Người ngồi trên xe tang đã rút ra 1 nắm tiền để vứt xuống đường. Tiền bay tứ tung, đám trẻ con lao ra nhặt, một cháu bé bị cuốn vào giữa gầm xe ben chỉ vì mải nhặt tờ 5.000 đồng. Mọi người đi đường, ai nấy đều hú hồn. May mà cháu bé chỉ bị xây xát chứ không nguy hiểm đến tính mạng. |
Ngân Giang – Hoàng Mai