Ngày 1/12, các cuộc biểu tình của phong trào " Áo gilet vàng" chống giá xăng dầu tăng cao tiếp tục diễn ra tại Pháp, đáng chú ý các cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn nghiêm trọng chưa từng thấy tại nhiều quận ở thủ đô Paris.
Tại Paris, biểu tình biến thành bạo loạn bắt đầu vào lúc 8h45 ở khu vực Khải Hoàn Môn. Cảnh sát đã phải sử dụng đạn hơi cay và phun vòi rồng để giải tán đám đông quá khích tấn công cảnh sát bằng gạch đá.
Đến cuối ngày Sở cảnh sát Paris cho biết họ đã bắt giữ 287 người, ít nhất có 110 người bị thương, trong đó có 17 cảnh sát. Một xe cảnh sát và hàng chục xe ô tô khác bị đốt cháy. Nhà chức trách ước tính có đến 3.000 kẻ phá hoại trà trộn lẫn trong những người biểu tình.
Rút kinh nghiệm từ tuần trước đề phòng những kẻ phá phách đập phá các cửa hiệu bán đồ sang trọng như Louis Vuitton, Cartier... cảnh sát đã lập hàng rào bảo vệ các ngả đường dẫn đến đại lộ Champs-Elysees.
Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cho biết, khoảng 36 nghìn cảnh sát được huy động để bảo vệ trật tự trên cả nước, riêng Paris triển khai khoảng 5.500 cảnh sát. Những ai muốn vào đại lộ Champs Elysees phải xuất trình giấy tờ tùy thân và kiểm tra an ninh. Buổi sáng, ông Christophe Castaner cho biết: "Có 200 người biểu tình ôn hòa ở Đại lộ Champs-Élysées, nhưng có đến 1.500 kẻ quấy rối từ bên ngoài vào để phá hoại". Ông Christophe Castaner trước đó cho biết, những phần tử gây rối thuộc phe cực tả và cực hữu đang chuẩn bị kế hoạch đụng độ với cảnh sát.
Ngày 1/12, Cảnh sát Pháp đã phải dùng tới bình xịt hơi cay, lựu đạn khói để giải tán đám đông người biểu tình "áo gilet vàng" quá khích tìm cách phá các hàng rào an ninh trên Đại lộ Champs Elysees tại thủ đô Paris ngay trước khi đợt tuần hành thứ 3 nhằm phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu của chính phủ.
Cảnh sát cho biết họ tiến hành bắt giữ các phần tử quá khích do lo ngại những thành phần cực hữu và cực tả bạo lực có thể đang thâm nhập vào phong trào "áo gilet vàng", một phong trào biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu và chi phí đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Phong trào lấy tên theo những chiếc áo phản quang mà tất cả người lái xe mô tô tại Pháp phải mặc khi lái xe. Giới chức an ninh lo ngại những nhóm nhỏ người biểu tình có thể không phải là thuộc phong trào "áo gilet vàng" sẽ xâm nhập vào các cuộc biểu tình diễn ra tối 1/12 để tấn công nhân viên an ninh.
Trong hơn hai tuần qua, các cuộc biểu tình của phong trào này đã gây ra tình trạng tắc nghẽn tại nhiều tuyến đường trên toàn quốc và đây được coi là một trong những thách thức lớn và khó tháo gỡ nhất mà Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt trong 18 tháng cầm quyền.
Hiện tại, các cuộc đàm phán giữa chính phủ Pháp với lực lượng “áo gilet vàng” nhằm xoa dịu phong trào phản kháng này vẫn chưa có tiến triển do lực lượng này hầu như không có người đại diện cũng như bộ phận lãnh đạo để đứng ra đối thoại với chính phủ. Thủ tướng Pháp, Édouard Philippe chiều ngày 30/11 đã tiếp một vài người được cho là đại diện cho phe “áo gilet vàng” nhưng không đạt tiến triển.
Trong lúc này, phong trào phản kháng của lực lượng “áo gilet vàng” tiếp tục bị chính trị hoá. Nhiều đảng phái đối lập tại Pháp, như đảng “Nước Pháp bất khuất” của ông Jean-Luc Mélenchon hay đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” của bà Marine Le Pen đã tuyên bố đứng về phe “Áo vàng” và buộc chính phủ Pháp đưa ra các chính sách nhượng bộ.
Tuy nhiên, phát biểu từ Argentina khi đang tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron tuyên bố chính phủ Pháp sẽ không lùi bước. Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Cristophe Castaner cũng cảnh báo lực lượng an ninh và tư pháp của Pháp sẽ mạnh tay trấn áp và đưa ra xét xử ngay lập tức những phần tử lợi dụng cuộc phản kháng này để có các hành động bạo lực.
Đào Vũ (Tổng hợp)