Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con tại xã Phú Trung (huyện Định Quán, Đồng Nai), Vũ Đức Nghi (27 tuổi) đã phải từ bỏ việc học từ năm lớp 10 để tìm kiếm công việc mưu sinh. Khi mới 16 tuổi, anh bắt đầu làm thuê cho các cơ sở chế biến trầm hương. Tiền lương kiếm được, anh dùng một phần để phụ giúp gia đình và dành một phần tích lũy mua xe máy trị giá gần 30 triệu đồng.
Năm 2013, Nghi bén duyên với nghề trồng lan khi thấy anh trai lên thành phố Bảo Lộc mua hoa lan và có lãi cao. Anh quyết định bán chiếc xe máy mới mua để đầu tư vào kinh doanh hoa lan, anh dùng số tiền thu được để mua giò phong lan nhỏ, từ đó khởi đầu cho sự nghiệp của mình.
Chỉ từ số vốn hơn 20 triệu ban đầu, nay Nghi đã xây dựng cơ ngơi tiền tỷ.
“Số tiền bán xe được hơn 20 triệu đồng, tôi sử dụng một phần để mua chiếc xe máy cũ làm phương tiện đi lại, còn lại thì để mua phong lan", anh chia sẻ.
Ban đầu, với vốn ít ỏi, mỗi lần lên Bảo Lộc, Nghi chỉ mua được những giò phong lan nhỏ để đem về bán lại cho khách ở Đồng Nai. Tuy nhiên, nhờ kiên trì và kinh doanh thành công, anh đã tích lũy được gần 6 tỷ đồng vào năm 2017, khi mới 20 tuổi. Số tiền này được anh dùng để mua 0,6ha đất tại xã Lộc Thanh và xây dựng khu sản xuất lan.
Hiện tại, Nghi đã mở rộng khu vườn lên 1ha, trồng hơn 300 loài lan, cả giống bản địa lẫn ngoại nhập. Anh cho biết, điều kiện khí hậu tại Bảo Lộc rất thích hợp cho phong lan phát triển, giúp 95% giống lan sinh trưởng tốt.
Chàng trai trẻ cho biết mỗi tháng anh bán cả nghìn giò lan ra thị trường.
Hiện nay, Nghi không chỉ phát triển các loài lan sẵn có mà còn nhập khẩu giống mới từ Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ. Khi nhập về những giò lan giống, anh sẽ tiến hành nhân giống rồi đưa vào khu ươm, dưỡng. Cây giống sẽ được chăm sóc từ 2-5 năm để cây ổn mới đem bán cho khách hàng, thậm chí có những cây phải chăm sóc hơn 5 năm.
Với số lượng lan tại vườn hiện tại, mỗi tháng, anh xuất bán khoảng 1.000 giò lan với giá từ 100.000 đến 500.000 đồng mỗi giò. Còn riêng trong tháng Tết, anh thường chuẩn bị đến 5.000 giò lan để bán ra thị trường. “Năm nào cũng “cháy” hàng nhưng cơ sở của tôi chỉ có thể sản xuất được số lượng như vậy để đảm bảo chất lượng nhất”, anh giãi bày.
Theo chia sẻ của Nghi, sau khi trừ hết chi phí, vườn lan mang lại cho anh khoảng 2 tỷ đồng lãi ròng mỗi năm.
Tính thu nhập từ vườn lan, anh thu lãi cả tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, anh còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục người lao động ở địa phương.
Ngoài ra, Nghi còn liên kết với 10 nông hộ khác trong vùng, chuyển giao kỹ thuật và tạo việc làm cho 66 lao động, trong đó có 6 lao động thường xuyên và 60 lao động thời vụ, với mức lương trung bình từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Nghi thành thật chia sẻ mong muốn thời gian tới sẽ mở rộng quy mô sản xuất, trồng thêm các loại lan như hồ điệp và lan vũ nữ để cung cấp cho thị trường. Anh cũng có kế hoạch xây dựng khu bảo tồn hoa lan Việt Nam nhằm phục vụ cho nghiên cứu và phát triển ngành hoa lan trong nước. Mục tiêu lớn nhất của anh là hướng đến xuất khẩu hoa lan ra thế giới.
Nguyễn Thơm