Khởi nguồn của án oan là do cách đánh giá chứng cứ

Khởi nguồn của án oan là do cách đánh giá chứng cứ

Thứ 6, 15/02/2013 08:01

Một trong những vấn đề đáng quan tâm là trên thực tế, việc tiến hành khắc phục lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng (nếu có) có làm nảy sinh những quan điểm mâu thuẫn?

Bởi có không ít vụ án, ngay trong các phán quyết của cơ quan tiến hành tố tụng đã mâu thuẫn nhau về bản chất. Cơ quan này kháng nghị bản án, đề nghị tuyên bị cáo vô tội, cơ quan khác lại bác kháng nghị, tuyên bị cáo có tội. Gần như là đánh đố công luận. Có ý kiến cho rằng, cần phải có cách tiếp cận với việc sửa sai như là đòi hỏi chính đáng về việc cần làm đúng và coi đó là điều hiển nhiên, chứ không quá bất bình thường…

Luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm cho biết: Có hai vấn đề cần đề cập liên quan đến tình trạng oan sai vẫn xảy ra đó là: Nhà nước công nhận (tức là nằm trên các số liệu) và thực trạng "ngầm". Nói đến thực trạng "ngầm" thì trước hết phải nói rằng, Nhà nước đã có thái độ rất rõ ràng là phải xử lý nghiêm và không để xảy ra oan sai, thế nhưng, chính điều đó có tác dụng hai mặt khiến cho những vụ "giải oan" lại khó khăn hơn.

Thực tế, "giải oan" ngày càng khó vì các cơ quan chức năng có xu hướng bao bọc cho nhau, để không ai phát hiện ra (vì nếu phát hiện ra thì họ phải chịu hậu quả rất lớn, nặng nề...). "Theo kinh nghiệm trong nghề, thì tôi nhận thấy tình trạng oan sai vẫn xảy ra và thậm chí xảy ra không ít, mặc dù số liệu là ít hơn và thực tế là "giải oan" quá khó", luật sư Phất chia sẻ.

Luật sư - Khởi nguồn của án oan là do cách đánh giá chứng cứ

Có ý kiến cho rằng nhiều khi để xảy ra oan sai không hẳn do năng lực. (Ảnh minh họa).

Thực tế có tình trạng người ta kêu oan khi bị bắt tạm giam, nhưng không hiểu vì lý do gì, sau đó, họ lại không dám kêu oan nữa.

Cũng phải nói thêm rằng, thực tế oan sai vẫn xảy ra, ở địa phương này hay địa phương khác, ở giai đoạn điều tra, truy tố, hay xét xử. Vấn đề đang nói là, không phải cố tình làm oan, mà do một lý do nào đó, trong các quá trình tố tụng để "lọt" vấn đề này. Bởi dù là tập thể hay cá nhân và là ai đi nữa cũng phải chịu trách nhiệm, bồi thường dân sự hay là trách nhiệm hình sự.

Đồng thời với nó chính là thực tế, có những vụ án, rõ ràng cơ quan tố tụng đã rất cẩn trọng. Quá trình nghiên cứu, xử lý đã làm đi, làm lại nhiều lần, đã họp bàn lên xuống nhưng cuối cùng thì vẫn để xảy ra oan sai, mà mấu chốt của vấn đề là ở cách đánh giá chứng cứ.

Chung quy, trong các vụ án oan sai đều khởi nguồn từ những vấn đề về chứng cứ. Có rất nhiều nguyên nhân trong việc đánh giá chứng cứ một cách lệch lạc, trong đó có thực tế về năng lực chuyên môn. Sự cẩu thả, tâm lý "đâm lao theo lao" vẫn còn nhiều trong chính các cơ quan tiến hành tố tụng, khiến nhiều khi người ta không chịu dừng lại cho dù những dấu hiệu oan sai đã rõ ràng.

Cùng nỗi suy tư này, một cựu thẩm phán về hưu đã từng nói, nhiều khi tính cách của thẩm phán cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc lập luận, suy luận. Nếu thiếu bản lĩnh, tự tin thái quá, hoặc chỉ vì một chút sơ sẩy trong việc thẩm định đánh giá chứng cứ cũng có thể dẫn đến việc ra một bản án thiếu khách quan, thậm chí dẫn đến hàm oan. Hiểu đơn giản, luật quy định, cơ quan nào làm sai, cơ quan đó có trách nhiệm khắc phục hậu quả do phán quyết của mình gây ra, nên rất khó để một cơ quan nào đó chịu nhận lỗi là... do mình.

Tuy nhiên, một trong các vấn đề mà hầu hết các chuyên gia pháp lý khi được hỏi, đều cho rằng, mấu chốt của vấn đề chính là tư duy. Không thể cứ duy lý cho rằng, đã là cơ quan Nhà nước thì không có việc để xảy ra sai sót, mà phải coi sai sót có thể xảy ra, nó không phải là điều bình thường, nhưng nó là một thực tế.

Cũng không nên quan niệm, xảy ra sai sót là do năng lực, bởi nhiều người có năng lực, tập thể có năng lực vẫn có thể có sai sót. Vấn đề là xử lý nó như thế nào, chứ không phải lúc có sai sót rồi, lại dùng chính năng lực của mình để che đậy, giấu giếm và cố tình không sửa cái sai đó.

Đông Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.