Sau 6 năm dừng hoạt động, Tp.Hà Nội dự kiến sẽ cho phép mở lại nhiều loại hình kinh doanh tại hồ Tây.
Cụ thể, theo dự thảo quy định quản lý hồ Tây đang được lấy ý kiến, 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ; vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy; dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, thuyền peritxia, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn.
Hà Nội cũng muốn phát triển ở Hồ Tây dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; kinh doanh sân tập golf nước trên hồ.
Nội dung dự thảo nêu rõ, UBND quận Tây Hồ là đầu mối quản lý, phối hợp với các sở, ngành thực hiện nhiệm vụ. Việc sử dụng không gian mặt hồ phục vụ các hoạt động văn hóa thể thao, du lịch và vui chơi giải trí phải được quận trên cấp phép.
"Khu vực hồ Tây sẽ có 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy; quận Tây Hồ là đơn vị tổ chức đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với các hạng mục này. Tàu thuyền hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ ở đây cũng do quận Tây Hồ quản lý", dự thảo nêu rõ.
Điều đáng nói, trong khi Hà Nội tính khôi phục tàu du lịch hoạt động trên hồ Tây, các tàu cũ nát từ năm 2017 đến nay vẫn đang "án ngữ" giữa lòng hồ Tây, gây mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về môi trường.
Quản lý cần tránh “đánh trống bỏ rùi”
Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Phó Trưởng Khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học GTVT cho biết, đây là việc cần thiết, không chỉ xét ở góc độ kinh tế mà xét cả về góc độ tạo điểm nhấn cho du lịch Hà Nội với một sản phẩm du lịch mới mẻ.
“Khu vực Hồ Tây có vị trí đắc địa và cũng là một không gian hội tụ những giá trị đặc trưng về cảnh quan tự nhiên và văn hóa, lịch sử, rất cần được tôn trọng và khai thác. Trong tình hình đô thị hóa như hiện nay, có được một vùng nước, đất như ở Hồ Tây và các ao đầm để tạo nên một hệ sinh thái đất ngập nước trong đô thị là rất đáng quý.
Chính vì vậy, khai thác tiềm năng du lịch khu vực Hồ Tây với việc thu hút đầu tư những dự án mới, phát triển theo những mô hình mới là cần thiết. Tuy nhiên phải tính toán kỹ lưỡng để làm sao không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường và cảnh quan khu vực hồ”, ông Thái nhấn mạnh.
Theo ông Thái, trước đây, Hà Nội đã cho phép diễn ra một số hoạt động kinh doanh dịch vụ, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản ở hồ Tây. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, có 2 vấn đề chưa được kiểm soát, gồm xả thải và đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Do đó, trong thời gian tới khi tiến hành tổ chức lại cần chú trọng, làm tốt một số vấn đề nhằm đảm bảo các hoạt động diễn ra đúng mục đích ban đầu, khai thác được tiềm năng du lịch, tạo nguồn thu nhưng vẫn đảm bảo yếu tố môi trường, cảnh quan.
Thứ nhất là việc xả thải của các tàu du lịch từ nhiên liệu vận hành và rác thải từ hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống.
Thứ hai là phải đảm bảo chất lượng phục vụ bao gồm chất lượng phương tiện, chất lượng đơn vị cung cấp dịch vụ và người cung cấp dịch vụ.
Thứ ba, mật độ tàu cần được tính toán một cách kỹ lượng nhằm vừa đảm bảo khả năng phục vụ du lịch vừa không phá vỡ cảnh quan của khu vực hồ Tây.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng việc kiểm soát mật độ tàu cũng giúp đảm bảo chất lượng phục vụ, tránh trường hợp vì tăng số lượng mà giảm chất lượng phục vụ.
Về giải pháp dài hạn, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho rằng trước hết cần có một chiến lược, quy hoạch mang tính tổng thể đối với việc khai thác, bảo tồn các giá trị của khu vực Hồ Tây mà trước mắt là việc hoàn thành xây dựng Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận theo định hướng phát triển của Thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại”.
Đối với việc cho phép hoạt động trở lại tàu du lịch và các loại hình dịch vụ tại hồ Tây, cần có quy định rõ ràng, chặt chẽ với các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phương tiện. Bên cạnh đó là các quy định về xả thải, bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan, cung cấp dịch vụ,…
Đặc biệt, công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện nghiêm, tránh việc “đánh trống bỏ rùi”, “đầu voi đuôi chuột”.
Phải quan tâm đặc biệt đến môi trường
Cũng trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS Vũ Thanh Ca – Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng vấn đề cần đặc biệt quan tâm đối với việc tổ chức các hoạt động cung cấp dịch vụ ở hồ Tây là việc xả thải và xử lý chất thải.
“Hiện trạng hồ Tây hiện tại đang bị ô nhiễm nặng nề vì nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý được xả thẳng xuống hồ. Ngoài ra, nhiều loại rác thải sinh hoạt cũng chưa được thu gom, xử lý hết và có một lượng khá lớn thất thoát ra hồ. Hậu quả là chất lượng nước hồ diễn biến rất xấu. Trong những điều kiện thời tiết đặc biệt, sự cạn kiệt oxy xảy ra, dẫn tới cá trong hồ chết hàng loạt. Để cải thiện chất lượng nước Hồ Tây, cần phải thu gom và xử lý toàn bộ lượng nước thải và rác thải thoát xuống hồ.
Việc cho phép hoạt động trở lại các nhà hàng nổi và các loại hình dịch vụ trên Hồ Tây có tiềm năng rất lớn làm gia tăng ô nhiễm trong hồ nếu không quản lý chặt về vấn đề xả thải”, PGS.TS. Vũ Thanh Ca giải thích.
Vì vậy, theo chuyên gia này, cùng với việc cho phép các nhà hàng nổi hoạt động trở lại, UBND Tp.Hà Nội cần phê duyệt và triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường, yêu cầu các nhà hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom toàn bộ nước thải, rác thải xuất phát từ các hoạt động kinh doanh.
Đồng thời các đơn vị này cũng cần trả chi phí cho tất cả các hoạt động liên quan tới thu gom, vận chuyển và xử lý lượng nước thải và rác thải này.
Theo ông Ca, nếu có quy định chặt chẽ về vấn đề bảo vệ môi trường thì loại hình dịch vụ, số lượng phương tiện sẽ không đáng ngại, do sự điều tiết của thị trường và nhu cầu thực tế.
Nhiều năm trước, du thuyền, nhà nổi là điểm du lịch ưa thích của người dân Thủ đô cũng như khách du lịch.
Tuy nhiên do hoạt động kinh doanh dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường của các nhà nổi, du thuyền tại hồ Tây, đến năm 2017, Tp.Hà Nội yêu cầu chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản ở hồ Tây.
Đồng thời, yêu cầu các chủ tàu phải tháo dỡ, di dời toàn bộ các phương tiện thủy nội địa vi phạm ra khỏi lòng hồ Tây. Tuy nhiên, qua 6 năm, vẫn còn 4/147 tàu vi phạm vẫn chưa được di dời.
Chính quyền quận Tây Hồ cho rằng đang gặp vướng mắc trong cách thức di dời các tàu kể trên, dẫn tới việc chậm tiến độ. Lý do là các doanh nghiệp sở hữu tàu đòi đền bù nhưng không có cơ sở để đền bù.