Cuộc cách mạng di dời
Gần 15 năm về trước, cuộc sống của người dân làng Cam, xã Đak Smar, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai như một bản nhạc buồn. Khung cảnh đìu hiu, ảm đạm bao trùm, nhà cửa người dân nhếch nhác, sập sệ, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn.
Thế nhưng, kể từ ngày thực hiện di dời làng cũ để nhường đất lại cho thuỷ điện An Khê - Ka Nak, cuộc sống của người dân bắt đầu khởi sắc. Cư dân của làng Cam từng bước chuyển mình khoác lên một diện mạo mới trên mảnh đất tái định cư mà nhà nước bố trí. Từng dãy nhà xây mới khang trang, nằm sát vách nhau như một con phố thu nhỏ, điện đường trường trạm đầy đủ tiện nghi, trên gương mặt người dân luôn nở nụ cười viên mãn.
Ngồi trước ngôi nhà xây khang trang của gia đình, già Đinh Duih (trú thôn 1, xã Đak Smar) kể: “Trước năm 2010, người dân sống ở làng Cam. Hồi ấy, ở dưới đó, cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, chạy ăn từng bữa, con cháu hầu hết đều thất học. Bởi đường xá đi lại khó khăn, nhà cửa tạm bợ, đất dai cằn cỗi, kỹ thuật canh tác lại lạc hậu.
Sau khi nhà nước có chủ trương lấy đất làm hồ chứa cho Thủy điện An Khê - Ka Nat, cả làng dời lên khu tái định cư này ở. Từ đó đến nay, cuộc sống sang trang mới rồi. Bà con được ở trong những ngôi nhà xây sạch sẽ, kiên cố, còn đường sá được bê tông hóa đến tận cổng ngõ. Rồi còn được cán bộ huyện xuống tận làng hướng dẫn trồng loại cây thu nhập cho thu nhập cao. Mừng nhất là nhà nào cũng khấm khá".
Già Duih phấn khởi: “Tôi có mấy sào (1 sào = 1000 m² - PV) lúa nước liền kề với 1 Hecta cao su đã khai thác được 5 năm. Còn 9 sào cà phê cách nhà ở chừng 2 km. Nhờ có đường xá thuận tiện nên việc sản xuất của bà con luôn thuận lợi, không còn bị tiểu thương ép giá nông sản như ngày xưa. Nhà mình năm rồi trừ hết chi phí còn được 100 triệu gửi ngân hàng. Ít bữa nữa đứa con ra ở riêng, sẽ lấy tiền này làm nhà cho nó. Mấy năm trước cũng thu được chừng đó, đã mua máy móc phục vụ công tác đồng áng, làm nhà sàn và mua sắm xe máy, ô tô hết rồi”.
Cuộc sống ấm no, hạnh phúc
Cách khu sản xuất của thôn 1 chừng 1 km là rẫy cao su rộng 1,9 Hecta của gia đình bà Lê Thị Mậu, trú tại thôn 2. Ngưng tay trút mấy chén mủ cao su vào thùng đựng, bà Mậu thủ thỉ: “Quê tôi ở Thanh Hóa. Vì cuộc sống khó khăn, năm 1996, tôi vào Kbang định cư. Tích cóp được ít tiền từ làm thuê ở trong này, tôi mua mảnh đất tại thôn 2 cũ và dựng căn nhà nhỏ để ở. Khi ấy dù không đến mức thiếu thốn lương thực lúc giáp hạt nhưng cũng bộn bề khó khăn. Đầu năm 2010, tôi chuyển lên khu tái định cư mới ở. Từ đó đến nay, cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn nhờ 1,9 Hecta cao su, 200 cây cà phê và hơn 1 sào lúa nước. 5 năm qua, sau khi trừ chi phí, gia đình đút túi chừng 100 triệu đồng. Nhờ thế mà tôi có tiền nuôi con cái ăn học nên người. Nhà neo người lẫn việc tôi đã lớn tuổi nên phải làm thuê người làm chứ nếu bỏ công thì thu nhập khá hơn. Nhưng thu nhập như này là tốt hơn ngày trước nhiều rồi”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, khu tái định cư thôn 2 sát trụ sở UBND xã Đak Smar như khu phố thu nhỏ. Nhà cửa xây dựng san sát nhau. Đường giao thông được đổ bê tông phẳng phiu, sạch sẽ. Cây xanh trồng trên vỉa hè tỏa bóng che mát cho nhà dân. Buổi tối, ánh điện chiếu rợp một góc trời.
Ông Lê Duy Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Đak Smar thông tin, trước Tết Nguyên đán năm 2010, hàng trăm hộ dân ở làng Cam, Krối và thôn 2 cũ di dời lên 3 khu tái định cư mới ở gần trụ sở UBND xã để nhường đất cho dự án Thủy điện An Khê - Ka Nát. Hiện nay, đời sống của các hộ dân ở các khu tái định cư ngày càng có những bước tiến theo chiều hướng tích cực. Nhiều hộ dân có thu nhập cao, mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như ông Đinh Blốp là bố vợ của bác Đinh Duih có thu nhập 250-300 triệu đông/năm. Ngoài ra thì gia đình bác Đinh Duih cũng là tấm gương sáng của các hộ dân trong thôn 1 về phát triển kinh tế gia đình với lợi nhuận 70-100 triệu đồng/năm.
“Điều phấn khởi nhất là thu nhập của bà con người Bahnar chiếm 81% của xã được tăng lên qua từng năm. Hiện nay, bình quân thu nhập của 1.483 nhân khẩu trong xã là 34,49 triệu đồng/năm. Những năm tới, chắc chắn thu nhập sẽ tăng lên bởi diện tích trồng cây mắc ca của người dân trong xã trồng mới khá nhiều. Quan trọng nhất là giúp người dân, nhất là người dân tộc thiểu số trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, cách làm và chú trọng phát triển kinh tế gia đình”, ông Tân nói.