Khảo sát nhanh của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với đại diện hiệp hội, doanh nghiệp địa phương mới đây cho biết: 100% doanh nghiệp, hiệp hội được hỏi tại các tỉnh, thành cho biết việc cung ứng hàng hóa diễn ra đặc biệt khó khăn trong đợt bùng dịch lần này. Nguyên nhân do các yêu cầu mới về phòng chống, dịch bệnh nhưng trên hết là do các yêu cầu khác nhau giữa các tỉnh, yêu cầu khác nhau giữa tỉnh với hướng dẫn từ trung ương.
Giao thông vận tải hàng hóa sụt giảm mạnh về hiệu suất trong 2 tháng (tháng 6-7/2021) do tắc các cung đường để chờ xét nghiệm, kiểm tra giấy tờ, phân luồng, hay do lái xe thành F0, F1, F2..., chưa kể các doanh nghiệp lĩnh vực này hoặc các chủ hàng phải gánh chịu thêm chi phí rất lớn để xét nghiệm cho lái xe. Bên cạnh đó, thời gian và chi phí cho các cung đường bộ vận tải cũng bị đội lên nhiều lần so với thông thường.
Trong bối cảnh TP.HCM, Hà Nội và hàng loạt tỉnh thành áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc cung ứng, vận tải hàng hoá liên tục bị gián đoạn, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Để giải quyết tình trạng trên, ngày 19/7, hệ thống phần mềm quản lý “luồng xanh” toàn quốc của Tổng cục Đường bộ, nền tảng công nghệ được xây dựng bởi Công ty Cổ phần AN VUI đã chính thức hoàn tất và đưa vào sử dụng.
Với hệ thống "luồng xanh", các cá nhân và doanh nghiệp sẽ tạp tài khoản và đăng ký hoạt động. Sau đó, các sở giao thông vận tải sẽ có nhiệm vụ phê duyệt các đăng ký này, cấp thẻ nhận diện (mã QR) cho tài xế/doanh nghiệp để đảm bảo quyền được đi lại, lưu thông hàng hóa 24/24.
48h của đội đặc nhiệm luồng xanh
Được đưa ra đúng vào thời điểm vận tải hàng hóa tại các tỉnh thành trong giai đoạn căng thẳng nhất, Luồng xanh được xem là giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ việc ùn tắc giao thông khi phải khai báo quá lâu.
Đáng chú ý, phần mềm này đã được đơn vị xây dựng hệ thống hoàn thành cấp tốc chỉ trong 2 ngày với 9 thành viên tham gia và chỉ huy bởi "đội trưởng" Phan Bá Mạnh - CEO Công ty cổ phần AN VUI.
Ông Phan Bá Mạnh, CEO AN VUI cũng từng thành công với Công ty cổ phần Công nghệ ATO, chuyên quản lý và phân phối các thiết bị mã số, mã vạch.
Chia sẻ về quá trình khởi tạo Luồng xanh, ông Phan Bá Mạnh nhớ lại: "Trước thời điểm hàng loạt tỉnh, thành phía Nam áp dụng quy định giãn cách theo Chỉ thị 16, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT đã yêu cầu Công ty Cổ phần Công nghệ AN VUI hỗ trợ thực hiện phần mềm đăng ký thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải.
Yêu cầu cấp bách đặt ra lúc bấy giờ là hệ thống vừa phải kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, vừa đảm bảo lưu thông thông suốt cho phương tiện và hàng hóa, giảm ùn tắc giao thông, ùn ứ hàng hóa tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16".
"Sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, AN VUI đã lập đội “đặc nhiệm Luồng xanh” với 9 thành viên tham gia phát triển hệ thống phần mềm hỗ trợ đăng ký thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh", CEO Phan Bá Mạnh chia sẻ.
Xác định nhiệm vụ đặt ra phải hoàn thành trong thời gian ngắn nhất để kịp thời điểm các tỉnh thành áp dụng giãn cách, "đội đặc nhiệm luồng xanh" đã quyết định "cắm chốt" ăn ngủ tại văn phòng trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ. Các quy trình phát triển hệ thống thông thường từ phân tích nghiệp vụ (Business Analyst), lập trình (Code) và kiểm thử phần mềm (Tester) đều được trao đổi trực tiếp để rút ngắn các công đoạn.
Cùng với đó, phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cử chuyên gia để khảo sát và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho nhóm thực hiện dự án.
"Đặc biệt, do thời gian gất rút nên cả nhóm thống nhất sẽ tập trung giải quyết những nghiệp vụ chính bao gồm đăng ký, phê duyệt hồ sơ và giám sát. Còn những nghiệp vụ khác liên quan đến vấn đề bảo mật sẽ được hoàn thiện sau khi hệ thống đi vào vận hành", CEO AN VUI tiết lộ.
Kết quả, sau 48 tiếng làm việc liên tục với quyết tâm cao độ, nhóm "đặc nhiệm luồng xanh" đã hoàn thiện các công đoạn phát triển hệ thống để bàn giao vận hành cho Tổng cục Đường bộ đáp ứng với chỉ đạo giãn cách của 19 tỉnh phía Nam.
Tuy vậy, việc đưa vào vận hành hệ thống luồng xanh chưa phải là thách thức lớn nhất, nhiệm vụ khó khăn hơn cho các thành viên của AN VUI đó là phải hoàn thiện mọi thứ từ hạ tầng, bảo mật... trong khi lượng phương tiện đăng ký lớn và cần phổ cập ngay đến toàn bộ các tỉnh thành trong cả nước.
Ngoài ra, một bài toán khó được đặt ra sau khi luồng xanh được phổ cập rộng rãi, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ gửi Bộ GTVT ngày 26/7, đã có nhiều cuộc tấn công mạng liên tục nhằm vào hệ thống Server (máy chủ - PV) lưu trữ dữ liệu tại Cổng thông tin luongxanh.drvn.gov.vn.
Sự cố tấn công mạng này đã làm cho hệ thống đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có QR Code thường xuyên bị treo, gián đoạn, hoạt động chập chờn dẫn đến việc cán bộ xử lý tại các Sở GTVT tỉnh, thành phố không thể phê duyệt hồ sơ và các đơn vị kinh doanh vận tải không thể truy cập vào hệ thống để đăng ký hồ sơ.
CEO AN VUI cho biết, tuy chưa xác định được chắc chắn nguyên nhân khiến hệ thống tê liệt, nhưng sự cố kể trên đã khiến nhóm thực hiện dự án phải gấp rút di chuyển hệ thống sang nền tảng hạ tầng khác và cấp tốc sữa chữa các lỗi bảo mật.
"Để nhanh chóng khắc phục lỗi hệ thống, cả nhóm phải trực chiến liên tục đến 3- 4 giờ sáng", ông Phan Bá Mạnh nhớ lại. "Khi đó, tất cả các thành viên đều phải tập trung cao độ, có người chỉ kịp ăn vội bát mỳ để tiếp tục làm việc, có người vì mệt nên ngủ gục luôn trên bàn phím. Sau chưa đầy 1 ngày tập trung xử lý, sự cố đã nhanh chóng được khắc phục và hệ thống đã hoạt động hoàn toàn ổn định".
Còn nhiều hạn chế cần khắc phục
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, hệ thống "luồng xanh" đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt trong việc khơi thông vận tải hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đến thời điểm hiện nay, phần mềm cấp mã QR cho phương tiện vận chuyển đã hoạt động ổn định và đã cấp mã QR cho hơn 317.000 phương tiện giúp cho hoạt động vận tải hàng hóa được lưu thông.
Tuy vậy, thời gian qua, trong quá trình "luồng xanh" được triển khai, đi vào áp dụng thực tiễn, có rất nhiều vụ việc liên quan đến các đối tượng lợi dụng luồng xanh, mua/bán mã luồng xanh để thông chốt, ảnh hưởng đển công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Điển hình là vấn nạn "cò luồng xanh" mà Người Đưa Tin đã phản ánh trong loạt bài điều tra mới đây.
Bàn về những giải pháp để hoàn thiện hệ thống “luồng xanh”, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định: “Để hệ thống phát huy được hiệu quả tối đa, tôi cho rằng nên xem xét tận dụng hệ thống giám sát hành trình rồi tích hợp thêm chức năng cấp giấy thông hành để tạo thuận lợi cho phương tiện qua các điểm kiểm soát. Bởi hiện nay hầu hết xe kinh doanh đều lắp thiết bị giám sát hành trình thì nên tận dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí”.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Huyện chia sẻ: "Tuy trong quá trình vận hành hệ thống vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, song chúng tôi vẫn đang thực hiện nhiều giải pháp khắc phục. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia để kết nối cơ sở dữ liệu liên thông từ các ứng dụng khai báo y tế để giúp cho các doanh nghiệp vận tải không phải khai báo lại trên phần mềm.
Ngoài ra, Tổng cục ĐBVN tăng cường phối hợp với các Sở GTVT, các hiệp hội vận tải và các đơn vị truyền thông để hướng dẫn cho các doanh nghiệp vận tải nắm vững quy trình khai báo cấp thẻ, sử dụng thẻ để tránh việc khai thiếu hồ sơ dẫn đến mất thời gian xét duyệt, bổ sung hồ sơ cũng như tránh việc sử dụng thẻ sai mục đích".
Về phía đơn vị xây dựng nền tảng "luồng xanh" - ông Phan Bá Mạnh cho biết, hiện tại, AN VUI vẫn tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý tìm các giải pháp nâng cấp và bổ sung hệ thống một cách nhanh nhất.
Đơn cử là đề xuất việc doanh nghiệp có thể chủ động tự thay đổi tài xế thay vì phải xin cấp lại thẻ. Ngoài ra, hệ thống đang bổ sung chức năng tự động gia hạn để giúp người dân không phải đăng ký lại từ đầu trong trường hợp các tỉnh thành tiếp tục gia hạn thời gian giãn cách.
“Tâm trạng chúng tôi khi làm là có một mong muốn hỗ trợ khơi thông hàng hoá, góp phần nhỏ bé giúp cho đất nước chống dịch”, ông Mạnh nói, “Cũng có lúc cảm thấy nản với cảnh người dân gặp khó khăn với hồ sơ. Tình trạng làm qua cò là một bất cập rất lớn cần phải giải quyết sớm”.
“Cò luồng xanh là một vấn nạn. Cần có những hành động quyết liệt để chấm dứt ngay, không thể để một chính sách tốt, một sáng kiến tốt lại bị lợi dụng thành công cụ của những đường dây như thế”, ông Mạnh nêu quan điểm.
Trao đổi với PV, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, việc thực hiện chủ trương cấp thẻ luồng xanh hay giấy thông hành cho người và phương tiện giao thông nhằm đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được tuân thủ nghiêm ngặt, hạn chế tối đa việc di chuyển.
“Với các vi phạm đã có trong thời gian qua, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đã dùng đến hình thức chế tài nghiêm khắc nhất là chế tài hình sự để xử lý các hành vi vi phạm, theo tôi, các hình thức chế tài hiện nay đã đủ để răn đe và phòng ngừa”, Luật sư Bình chia sẻ.
Theo Luật sư Hiệp, vấn đề ở đây không phải là việc sửa luật hay nâng cao chế tài mà cần quy định cụ thể hơn các tiêu chuẩn để được cấp giấy thông hành, thẻ luồng xanh và đặc biệt phải tăng cường kiểm soát, giám sát để xử lý kịp thời các vướng mắc cũng như hạn chế những “lỗ hổng” trong thi hành công vụ.
“Khi quyền được trao mà thiếu cơ chế kiểm soát, giám sát đặc biệt trong tình hình dịch bệnh cấp bách như hiện nay thì quyền rất dễ bị lợi dụng để trục lợi”, Luật sư Bình nhấn mạnh.
Xem thêm:
Vấn nạn “cò luồng xanh” và chiêu trò của những chuyến xe "lậu"
Xác minh việc "Doanh nghiệp phải nhờ dịch vụ khi làm luồng xanh"
Cần xử lý nghiêm hành vi mua bán giấy đi đường