Sáng 19/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Cải cách hành chính là khâu quan trọng
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ, cải cách hành chính luôn được Đảng, Nhà nước xác định là cấu phần quan trọng trong đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; là khâu quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ hai nhằm đánh giá kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2022; đề ra những nhiệm vụ giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động trong các tháng cuối năm 2022.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan kết quả đạt được, nhất là những kết quả nổi bật để tiếp tục phát huy; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nêu rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để rút ra bài học kinh nghiệm, biện pháp khắc phục trong việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ tại kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo và của từng thành viên Ban Chỉ đạo.
Dành thời gian phân tích về những khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới và trong nước, trong đó có sức ép lạm phát lớn, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường như tình hình mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung…, Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc khó khăn, thách thức này, cần khơi thông các nguồn lực, giảm chi phí đầu vào, chi phí hành chính, chi phí không chính thức.
Mọi nơi, mọi lĩnh vực, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải cố gắng, nỗ lực, góp phần vào nhiệm vụ này, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sức mạnh tổng hợp của cả đất nước, cả dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Cắt giảm 17 tổng cục, tổ chức tương đương tổng cục
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2022, Chính phủ đã tổ chức tới 6 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua đối với 6 dự án luật; 4 nghị quyết.
Tính đến ngày 30/9, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã ban hành 34 văn bản, gồm 24 nghị định, 5 quyết định, 5 thông tư, còn nợ ban hành 16 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực.
Bộ Tư pháp đã thẩm định 100 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (gồm 11 dự án luật, 6 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 59 dự thảo nghị định, 24 dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, tính đến nay, cả nước có 60 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, tỉ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 97,37%.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính đến ngày 15/10, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 11 bộ, cơ quan.
Kết quả dự kiến sắp xếp, sẽ giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 8 cục (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 145 vụ và tương đương (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ cấp trung gian, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ. Đã có 16/19 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Về biên chế, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương giao biên chế giai đoạn 2022-2026 của cả hệ thống chính trị, theo đó, đến năm 2026 thực hiện giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đồng thời, bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022-2026, trong đó, năm học 2022-2023 đã giao 27.850 biên chế viên chức giáo dục. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc giao biên chế công chức, viên chức và tuyển dụng viên chức giáo dục bảo đảm kịp thời cho năm học mới.
Về việc ban hành Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Bộ Nội vụ đã tham gia phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoàn thiện 18 dự thảo thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và định mức biên chế công chức; 13 thông tư hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc.
Để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngày 14/9, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%).