Liên quan vụ sửa điểm thi THPT ở Sơn La, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa khởi tố 5 bị can, trong đó có 1 Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La.
Từ động thái mới nhất này của cơ quan tố tụng, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, nếu như các bị can có sự phân công trách nhiệm chặt chẽ thì sẽ là phạm tội có tổ chức.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý xung quanh vụ án trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, tiến sĩ luật Mai Thế Bầy, nguyên kiểm sát viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự thuộc VKSND Tối cao cho rằng: “Trong vụ án sửa điểm thi THPT xảy ra tại Sơn La, khi cơ quan tố tụng khởi tố bị can về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự 2015, chứng tỏ bị can đó có dấu hiệu vụ lợi. Vụ lợi ở đây có thể bằng vật chất hoặc các vụ lợi khác, ví dụ do tình cảm, do áp lực...
Theo nguyên tắc, người nào vì lợi ích cá nhân mà lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ thì rõ ràng có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Còn phạm tội có tổ chức là tình tiết định khung ở khoản 2 trở lên”.
Vị tiến sĩ luật phân tích: “Phạm tội có tổ chức là có sự bàn bạc, phân công nhiệm vụ, mỗi người làm một việc. Trở lại vụ tiêu cực điểm thi ở Sơn La thì rõ ràng có dấu hiệu vụ lợi và có tổ chức. Đó là căn cứ để khởi tố. Còn vụ lợi đến đâu, có tổ chức như thế nào, vai trò của từng bị can liên quan đến vụ án đó ra sao... quá trình điều tra sẽ làm rõ”.
Nguyên kiểm sát viên cao cấp Mai Thế Bầy nêu quan điểm: “Qua thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, vụ tiêu cực thi cử ở Sơn La thể hiện tinh vi hơn vụ ở Hà Giang khi có sự việc sửa điểm thi diễn ra trước khi gửi đĩa quét hình ảnh bài thi về bộ GD&ĐT. Hội đồng thi đó đã cố tình làm sai quy trình.
Để làm rõ thủ đoạn tinh vi của các đối tượng thì phải xác định được chiếc đĩa đó ở đâu, còn hay mất, mất trong giai đoạn này và ai là người tham gia...
Tình huống đặt ra, giả sử nếu có sự bàn bạc phá hủy đĩa quét bài thi gốc đó thì rõ ràng thể hiện sự chuyên nghiệp, cố tình xóa đi dấu vết phạm tội, nhằm mục đích che giấu cơ quan chức năng, gây cản trở cho công tác điều tra sau này. Đó sẽ là tình tiết tăng nặng khi thực hiện hành vi phạm tội bằng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt”.
Một cán bộ nguyên là điều tra viên cao cấp của bộ Công an nhận định: “Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố 5 bị can cùng tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chứng tỏ giữa các bị can có sự liên quan, đồng phạm, cùng hành vi.
Còn mức độ đồng phạm cụ thể ra sao, ai là người chỉ huy, ai là người thực hành, vai trò như thế nào thì quá trình điều tra sẽ làm rõ”.