Dư luận vẫn đang sốc trước những clip đời tư của ca sĩ Văn Mai Hương được tung lên mạng xã hội.
Trong clip, Văn Mai Hương thoải mái thay, thử quần áo, chỉ mặc nội y mà không hề để ý có camera đang ghi lại hình ảnh. Nhiều người cho rằng những hình ảnh bị phát tán có lẽ là hình ảnh từ camera an ninh được lắp đặt trong nhà của ca sĩ này. Nhiều người cho rằng, việc phán tán clip của ca sĩ Văn Mai Hương là xâm phạm quyền riêng tư một cách trắng trợn.
Theo thời gian trích xuất video được ghi trên clip thì những đoạn clip này được ghi lại năm 2015 nhưng không hiểu vì lý do gì thời điểm này bất ngờ bị tung ra.
Trước vấn đề đang gây nóng dư luận, luật sư La Văn Thái (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Trước hết chúng ta cần tìm hiểu xem nguồn gốc lấy những đoạn clip này từ đâu để định hình được tội danh chính xác hơn.
Nếu như người sử dụng clip nhạy cảm nhằm mục đích buộc người kia giao tiền nhưng không giao sau đó phát tán clip sẽ buộc vào tội cưỡng đoạt tài sản của người khác theo Điều 170 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp vô tình thấy được clip nhạy cảm sau đó phát tán thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý về mặt hành chính.
Nhưng nếu phát tán clip với chủ đích khác mà mức độ nghiêm trọng như người trong clip xuất hiện ý định tử tự thì có thể khởi tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự về tội Làm nhục người khác. Ngoài ra, người dùng thủ đoạn để có được hình ảnh nhạy cảm, bí mật đời tư của người khác cũng có thể bị khởi tố hình sự”.
Cũng theo luật sư La Văn Thái, đối với những trường hợp phát tán clip tế nhị của người khác cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý nghiêm minh để răn đe những đối tượng xấu nếu không xã hội sẽ loạn. Người phát tán clip cần khởi tố hình sự để điều tra làm rõ, vì trên thế giới nhiều người bị lộ clip nhạy cảm đã tự tử, để lại hậu quả đáng tiếc. Những hành vi xấu như thế này cần ngăn chặn kịp thời vì nó đang xâm phạm đến đời tư, tinh thần, nhân phẩm, danh dự của người khác.
Cùng chia sẻ với PV về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Tú – Giám đốc Công ty luật Fanci cho rằng: “Người phát tán clip đang xâm phạm về hình ảnh cá nhân và đời sống riêng tư. Hai quyền này được quy định rất rõ trong Bộ luật Dân sự tại Điều 38 và Điều 32.
Trong những trường hợp này người bị xâm phạm có quyền yêu cầu kẻ xâm phạm dừng ngay hành vi đó lại, sau đó buộc tiêu hủy những cái họ đã thu thập được và khác phục những thiệt hại gây ra. Nếu hành vi đó xâm phạm đến mức độ nghiêm trọng, khiến người trong clip cảm thấy bị làm nhục, tổn hại về sức khỏe, tinh thần thì có thể bị xử lý hình sự”.
Luật sư Nguyễn Văn Tú nói thêm, người trong clip nhạy cảm bị phát tán nếu không tự điều tra được kẻ phán tán thì nên nhờ cơ quan pháp luật can thiệp. Vì, nếu không xác định được kẻ phạm phạm là ai thì rất khó có hướng giải quyết.
“Sau sự việc này chúng ta cũng nên rút kinh nghiệm khi sống trong thời đại camera giấu kín khắp nơi thì nên cần tự bảo vệ mình để tránh những sự việc đáng tiếng xảy ra. Và không nên có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư của người khác”, luật sư Tú đưa ra lời khuyên.
Mai Thu