Khởi tố nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình là thông tin ngay lập tức nhận được sự chú ý của dư luận xã hội.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội đưa ý kiến: “Từ đại án Phạm Công Danh cho đến thời điểm này là cả một quá trình rất dài với sự cố gắng của nhiều cơ quan, nhiều cá nhân. Thông tin cơ quan công an ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chắc hẳn không khiến nhiều người quá bất ngờ. Vì vụ án Phạm Công Danh gây thất thoát 9.000 tỷ đồng được cho là “đại án” bởi tính nghiêm trọng của nó. Một mình Phạm Công Danh không làm nên chuyện”.
“Thực tế, ngay từ khi vụ án Phạm Công Danh làm thất thoát 9.000 tỷ đồng được phanh phui, nhiều ý kiến đã hướng sự quan ngại đến trách nhiệm của một số quan chức Ngân hàng Nhà nước, trong đó có ông Đặng Thanh Bình. Sau khi khởi tố ông Đặng Thanh Bình, tôi tin sẽ có thêm nhiều những tình tiết quan trọng được hé lộ”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.
Cũng theo ĐBQH Phạm Văn Hòa: “Pháp luật là không có vùng cấm, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Những sai phạm liên quan đến tham nhũng dù ở cấp nào, Trung ương hay địa phương, trong lĩnh vực nào đều sẽ bị xử lý nghiêm. Ngay cả việc khởi tố ông Đặng Thanh Bình lần này cũng cho thấy quyết tâm chống tham nhũng rất cao của Đảng, Nhà nước”.
“Trong thời gian dài, cơ quan điều tra đã làm việc có trách nhiệm, chất lượng mới có thể đi đến khởi tố một vị từng là cán bộ cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng để xử lý triệt để gốc rễ của tham nhũng.
Tôi thấy rằng, những cá nhân sai phạm dù là ai, dù đã nghỉ hưu thì tùy theo mức độ sai phạm cần xử lý nghiêm minh để làm gương và cũng là cảnh báo, thức tỉnh ai đó còn có dính líu, gian dối, tham nhũng lãng phí gây dư luận bức xúc như thời gian qua. Dù ở cương vị nào, tham nhũng tin vi thì vẫn sẽ đến lúc bị phát hiện. Xử lý nghiêm một cán bộ vi phạm là để trấn an dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước”.
ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng cho rằng: “Cần kiên quyết “thay máu” lãnh đạo ngay từ khi còn đương chức nếu có dấu hiệu sai phạm. Muốn vậy, công tác thanh tra, kiểm tra phải được làm nghiêm. Việc xử lý nợ xấu ngành ngân hàng thời gian qua đã rất khó khăn. Chính những người như ông Bình đã làm ảnh hưởng tới uy tín ngành Ngân hàng. Nợ xấu nghiêm trọng kéo dài cũng có nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan từ những cán bộ ngành Ngân hàng thiếu trách nhiệm. Có những cán bộ móc nối, tham ô, dung túng điều sai trái nên nợ xấu từ năm này qua năm khác”.
“Những con người thiếu trách nhiệm và có những cá nhân trục lợi, tham ô, móc ngoặc, sân sau, cho vay, chi tiền vào những việc không đúng quy định, gây thất thoát ngân sách Nhà nước là điều cấm kỵ. Không chỉ ngành Ngân hàng mà tất cả những ngành khác đều phải xử lý nghiêm. Tôi nghĩ, những “đại án” ngân hàng thời gian qua đều dính dáng đến nhiều người, không những ngành Ngân hàng mà còn là sự cấu kết với những người ở ngành khác.
Trước đây, chúng ta mới chỉ xử lý ở cấp lãnh đạo các ngân hàng, nay xử lý được cả nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chắc chắn là một câu chuyện không hề đơn giản, cũng chính là quyết tâm rất cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Dương Thu