Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã chỉ ra 5 bài học về công tác cán bộ nhìn từ vụ việc bắt ông Đinh La Thăng và một số lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN.
Thứ nhất, việc kỷ luật, khởi tố, bắt giam rồi tới đây sẽ đưa ra xét xử ông Đinh La Thăng và những cán bộ có liên quan đã nói lên một thực tế là công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự nói riêng cần nghiêm khắc, chặt chẽ hơn, dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều quy định về vấn đề này. Đây là bài học về việc lựa chọn cán bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, nếu lựa chọn cán bộ không đúng với trình độ, năng lực, phẩm chất tương xứng vị trí, trọng trách được giao thì vô cùng nguy hiểm.
Chọn người vào bộ máy lãnh đạo cũng giống như chọn gỗ làm nhà. Bộ máy Đảng, Nhà nước cũng giống như trụ cột của ngôi nhà. Nếu không chọn gỗ tốt thì sẽ rất nguy hiểm.
Chính vì vậy, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và cá nhân Tổng Bí thư đã rất quan tâm, chú trọng đến công tác cán bộ và chất lượng nhân sự làm trụ cột cho các bộ phận cấu thành của bộ máy Đảng, Nhà nước.
Điều đáng buồn là, thời gian vừa qua, khi dư luận lên tiếng, khi báo chí đưa tin và các cơ quan chức năng vào cuộc, đã có những cán bộ chủ chốt ở các cấp mới lộ nguyên hình là những kẻ vừa bất tài, vừa thất đức. Đó là điều cực kỳ đáng lo ngại.
Thứ hai, là việc chọn lựa cán bộ cũng giống như quy trình lựa chọn gỗ làm nhà. Cách thức chung ngàn đời nay là phải phân loại gỗ trước, rồi mới tính đến việc sử dụng từng loại gỗ xếp theo thứ hạng để sử dụng đúng công năng. Gỗ nhóm 1 thì làm cột trụ, gỗ nhóm 2 thì làm bậu cửa, then, liếp. Có như vậy, căn nhà mới vững chắc và trường tồn trước mưa to, nắng cháy và bão táp, phong ba; mới che chở, bảo toàn cho những thành viên sống trong căn nhà ấy.
Lựa chọn cán bộ làm trụ cột cho bộ máy cũng vậy. Nếu không phân loại cán bộ theo tiêu chí, yêu cầu của từng lĩnh vực cụ thể, mà tuyển chọn, bổ nhiệm ào ào, lại không dựa trên thực đức, thực tài, sở trường, sở đoản thì sao có thể dùng đúng người, đúng việc được?
Việc kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam, rồi tới đây sẽ xét xử ông Đinh La Thăng và một số cán bộ vừa qua nói lên một thực tế là công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự nói riêng cần phải làm chặt chẽ hơn, dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều quy định về vấn đề này.
Thứ ba, là quy trình lựa chọn cán bộ: Vẫn lấy ví dụ về việc chọn gỗ làm nhà, sau khi chọn được từng nhóm gỗ rồi, thì quy trình lựa chọn từng cây gỗ, thớt gỗ, phiến gỗ... phải trải qua nhiều công đoạn như: Ngâm, sấy, bóc rác, đo đạc, cắt đoạn...
Sau đó người ta mới xử lý tiếp các giai đoạn kỹ thuật khác để lắp ráp thành căn nhà. Khi hoàn thiện nhà rồi, thì hư ở đâu thay thế, sửa chữa ở đó.
Thời gian qua, không phải là chúng ta thiếu các quy định về quy trình của công tác cán bộ. Nhưng, rõ ràng từ thực tiễn đã nêu cho thấy quy trình ấy còn thiếu những công thức có tính khuôn thước, như là những quy trình quy phạm bắt buộc, có tính liên hoàn, không thể bỏ qua bất cứ khâu nào. Thế nhưng ở nơi này, chỗ khác người ta đã lợi dụng quy trình, ăn bớt công đoạn, lạm dụng quy định để đưa cánh hẩu, “tứ ệ” vào bộ máy mà vẫn cứ cho là… “đúng quy trình”.
Thứ tư, là về đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ: Cũng giống như những người thợ làm nhà, đội ngũ ấy bao gồm những kỹ sư thiết kế, những tốp thợ lành nghề, từ làm đồ mộc, đến xây, trát, ốp lát, rồi có cả giám sát, nghiệm thu. Đội ngũ ấy trước hết phải tinh thông kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề và quan trọng hơn cả là cái tâm với công việc.
Với những nguyên nhân từ thực tiễn tổ chức bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ vừa qua cho thấy, rõ ràng chúng ta rất cần một đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ một cách chuyên nghiệp. Đội ngũ ấy phần lớn được lựa chọn từ nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều cấp và thực thi công việc bằng kinh nghiệm, nhưng cần được đào tạo bài bản về khoa học tổ chức, nghệ thuật dùng người.
Thứ năm, vai trò của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền: Trở lại với việc làm nhà. Để làm được một căn nhà, trước hết phải có ý tưởng kiến trúc, tính năng sử dụng, yêu cầu kết cấu và phương án vật liệu. Đối với những vấn đề ấy, đương nhiên chủ nhà phải am hiểu một cách tổng thể, mới thực hiện được vai trò chủ thể của mình.
Liên hệ riêng đến việc lựa chọn cán bộ vào bộ máy lãnh đạo các cấp thời gian qua cho thấy vai trò chủ thể của các tổ chức, cá nhân ở một số nơi, một số cấp chưa làm tròn vai trò chủ thể của mình. Bởi vậy mới có những hiện tượng như ông Đinh La Thăng.
Nguyên nhân những vụ việc đáng tiếc như ông Đinh La Thăng thì có nhiều, nhưng có thể thấy căn bản vẫn là năng lực nhận diện và sự trong sáng, công tâm của mỗi cá nhân và tổ chức, với tư cách là một chủ thể được hình thành từ những cá nhân.
Dương Thu (ghi)