Khởi tố vụ án liên quan đến thẩm mỹ viện AMIDA: Hành vi có thể bị phạt tù đến 12 năm

Khởi tố vụ án liên quan đến thẩm mỹ viện AMIDA: Hành vi có thể bị phạt tù đến 12 năm

Lê Nhâm Thân

Lê Nhâm Thân

Thứ 5, 13/05/2021 19:50

Người nào vi phạm Điều 295 Bộ luật Hình sự gây thiệt hại có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù đến 12 năm.

Như Người Đưa Tin Pháp luật đã phản ánh, cơ quan điều tra Công an TP.Đà Nẵng vừa khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự xảy ra tại thẩm mỹ viện AMIDA.

Thẩm mỹ viện AMIDA là ổ dịch Covid-19 lớn tại Đà Nẵng trong những ngày qua. Hàng chục nhân viên ở đây nhiễm Covid-19 kéo theo hàng trăm F1, F2 ở TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Hệ thống này có 2 cơ sở tại số 222 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu và 539 Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng.

Góc nhìn luật gia - Khởi tố vụ án liên quan đến thẩm mỹ viện AMIDA: Hành vi có thể bị phạt tù đến 12 năm

Hoạt động tập trung đông người, không mang khẩu trang tại thẩm mỹ viện AMIDA.

Luật sư Nguyễn Văn Tứ, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng nhìn nhận, tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người là tội phạm xâm phạm an toàn công cộng được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định: Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù, mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo luật sư Tứ, để xác định hành vi của những người làm việc tại thẩm mỹ viện AMIDA có phạm tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người hay không, cơ quan điều tra cần chứng minh hành vi của những người này có vi phạm nhóm quy tắc an toàn trong lĩnh vực lao động sản xuất hoặc có vi phạm nhóm quy tắc an toàn ở nơi đông người.

Theo đó:

Một là, an toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động... Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động (điều 3 luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015);

Hai là, vi phạm quy tắc an toàn ở nơi công cộng là hành vi vi phạm quy tắc chung nhằm bảo đảm an toàn cho người cũng như tài sản ở những nơi có sự tập trung đông người để tham gia hoạt động nhất định nhưng không thuộc hoạt động giao thông hay hoạt động lao động sản xuất.

"Ngoài ra, cơ quan điều tra cần chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vô ý vi phạm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở nơi đông người của những người trên với hậu quả thiệt hại xảy ra trên thực tế (ở đây có thể dẫn đến hậu quả chết người, gây thương tích, thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên) để đủ cơ sở khởi tố bị can, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo tính răn đe.

Nhất là trong giai đoạn tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp càng đòi hỏi mỗi một cá nhân, tổ chức cần phải nêu cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh", luật sư Tứ nói.

Ở một diễn biến khác, liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.Đà Nẵng, ngày 13/5, địa phương này có 10 ca bệnh Covid-19 mới theo công bố của bộ Y tế, gồm các bệnh nhân từ 3689 - 3698, đều là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly trước đó. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.