Sự kiện Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà ITC - doanh nghiệp có thâm niên trong ngành bất động sản và có khá nhiều quỹ đất nhưng trong quý III/2011 cũng đã lỗ gần 38 tỷ đồng; Công ty Phát triển bất động sản Phát Đạt lỗ 7,17 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Thủ Đức lỗ hơn 7,8 tỷ... đã làm giới bất động sản mất ăn mất ngủ.
Cty Phát Đạt vừa điều chỉnh giảm lợi nhuận trước thuế xuống chỉ còn 8 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý III, doanh thu của công ty này chỉ đạt hơn 1 tỉ đồng lại đến từ hai nguồn phụ đó chính là tiền giữ xe. Đến thời điểm hiện tại, không ít doanh nghiệp địa ốc đã không thể trụ nổi trên thị trường.
Là một lĩnh vực kinh tế lớn, có thể nói, việc nợ đọng tiền và mượn vốn của các đối tác để đầu tư, làm ăn kinh doanh trong bất động sản xưa nay không phải chuyện mới. Trong bối cảnh khó khăn về đầu vào, bế tắc về đầu ra của thị trường, chuyện doanh nghiệp kêu khó để khất lần, chậm trả cũng có cái lý của nó. Tuy nhiên phản cảm nhất là những đơn vị vin vào lý do khó khăn chung để vụ lợi, trốn tránh trách nhiệm của mình.
Mới đây, giới kinh doanh tại nhiều công ty truyền thông quảng cáo tại Hà Nội rỉ tai nhau, tỏ ra cảnh giác cao trước nhã ý đặt hàng làm truyền thông cho một sự kiện bất động sản trong năm mới.
Bởi lý do, đơn vị đứng ra tổ chức sự kiện này hồi năm ngoái đã liên tục bị các đối tác làm ăn nhiều dự án trước đó tìm đến phanh phui nợ nần, thậm chí từng có vụ việc đơn vị này bị đối tác kiện ra tòa để đòi tiền mà kết cục vẫn không chịu trả.
Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, một số chuyên gia địa ốc cho rằng, hiện nay vẫn chưa phải là "đáy" của bĩ cực. "Thời điểm từ giữa năm 2012 đến hết 2013, chúng ta sẽ liên tục chứng kiến các vụ vỡ nợ lớn vì bất động sản" - một chuyên gia khẳng định.
Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, hiện nay, sức bán hàng hóa của các DN không đáng bao nhiêu, thị trường lưu thông yếu. Vì thế, từ giữa năm 2012, thị trường tiền tệ và bất động sản sẽ cực kỳ khó khăn.
Đức Kế