Khốn khó cuối năm, doanh nghiệp 'tiếp nhau' theo kiểu côn đồ

Khốn khó cuối năm, doanh nghiệp 'tiếp nhau' theo kiểu côn đồ

Thứ 4, 11/12/2013 09:00

Trong chuyện làm ăn, các doanh nghiệp đều mong muốn hợp tác để các bên cùng có lợi. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, vì để xảy ra những bất đồng không đáng có, nhiều doanh nghiệp lại chọn cách giải quyết theo kiểu bất cần pháp luật.

Giải quyết tranh chấp kiểu giang hồ

Mới đây nhất, giữa công ty TNHH Nhật Linh (gọi tắt là công ty Nhật Linh, có trụ sở tại Cụm Công nghiệp Thanh Khương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và công ty TNHH Kim Lân (gọi tắt là công ty Kim Lân) đã xảy ra việc tranh chấp tài sản.

Theo đó, công ty TNHH Kim Lân thuê đất để triển khai dự án tại Cụm công nghiệp Thanh Khương (Bắc Ninh). Do thiếu vốn, công ty Kim Lân đã hợp tác làm ăn với công ty Nhật Linh. Công ty Nhật Linh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm máy móc thiết bị, vào khu đất mà công ty Kim Lân thuê. Mặc dù công ty Nhật Linh đầu tư rất nhiều hạng mục vào khu đất của công ty Kim Lân nhưng công ty Kim Lân đã hợp pháp hóa toàn bộ hóa đơn, chứng từ đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc thiết bị tất cả đều đứng tên công ty Kim Lân.

Vào tháng 10/2008, công ty Nhật Linh và công ty Kim Lân tiếp tục hợp tác với nhau thông qua việc một bên góp vốn bằng quyền sử dụng và một bên góp vốn bằng tài sản trên đất, bao gồm: Cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, nhà điều hành, trạm biến áp Sự việc trở nên phức tạp, khi công ty Kim Lân có hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty Nhật Linh khi thảo công văn buộc công ty Nhật Linh phải ngừng toàn bộ hoạt động tại khu đất của công ty Kim Lân, nhưng lại không cho công ty Nhật Linh chuyển tài sản của mình ra khỏi khu đất nói trên.

Qua nhiều cuộc họp và văn bản làm việc vẫn không giải quyết được những tranh chấp tài sản nói trên nên công ty Nhật Linh đã kiện công ty Kim Lân, đề nghị các cơ quan pháp luật phân xử. Ngày 22/11/2013, Tòa án nhân dân huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định phong tỏa tài sản tại công ty TNHH Kim Lân để điều tra xử lý.

Bất động sản - Khốn khó cuối năm, doanh nghiệp 'tiếp nhau' theo kiểu côn đồ

Hàng nghìn vỏ gas của các hãng khác được công ty Diện Quang hô biến thành của mình.

Vừa qua, công ty cổ phần Dịch vụ - Vận tải Dầu khí Cửu Long (gọi tắt là công ty Cửu Long, trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) liên kết làm ăn chạy khoán xe taxi với công ty TNHH MTV Cửu Nguyễn (gọi tắt là công ty Cửu Nguyễn, trụ sở tại phường 17, quận Bình Thạnh). Do phát sinh mâu thuẫn trong làm ăn nên công ty Cửu Long quyết định thu hồi lại phương tiện đã giao cho công ty Cửu Nguyễn khai thác trước đó.

Theo công ty Cửu Long trong quá trình thực hiện hợp đồng, công ty Cửu Nguyễn nhiều lần vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, lãnh đạo của Cửu Nguyễn thường xuyên có những lời nói xúc phạm, đe dọa cán bộ nhân viên, gây rối tại trụ sở công ty, vu khống lãnh đạo của công ty Cửu Long. Vì nhiều lý do khác nhau nên công ty Cửu Long quyết định thu hồi tổng cộng hơn 40 chiếc xe taxi và sẽ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với công ty Cửu Nguyễn.

Đó chỉ là hai trong rất nhiều vụ tranh chấp giữa các doanh nghiệp cùng hợp tác làm ăn với nhau. Không chỉ giải quyết tranh chấp theo kiểu xã hội đen, không ít doanh nghiệp có thái độ làm ăn gian dối. Vì muốn thu về lợi nhuận cao mà không phải bỏ vốn, công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Điện Quang (trụ sở ở Lô 18, KCN Cái Lân, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã dùng các chiêu trò để thu gom hàng nghìn vỏ gas của các hãng khác rồi biến thành của mình.

Tương tự, công ty Tiến Hà (trụ sở tại Thanh Hóa) đã ngang nhiên làm nhái sản phẩm bao bì được bảo hộ của công ty Nabo (có trụ sở tại KCN Hòa Xá, Nam Định) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu và thị phần của công ty Nabo. Tuy nhiên, khi bị phát hiện, đại diện công ty Tiến Hà còn đưa ra những lời giải thích và lối hành xử côn đồ khi cho rằng: Công ty không cố tình vi phạm, bao bì không làm giống, mà chỉ là cải tiến hộp bánh của công ty Nabo vì hộp bánh này xấu quá.

Cần kiên nhẫn giải quyết theo pháp luật

Tranh chấp giữa các doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi, khi quyền lợi của công ty mình bị xâm hại, buộc họ phải có biện pháp nhằm đòi lại những gì đã mất. Có nhiều cách giải quyết khi xảy ra tranh chấp, nhưng hiện nay, một thực trạng đáng buồn là nhiều doanh nghiệp chọn cách hành xử theo lối côn đồ. Điều này cũng dễ hiểu bởi trong nhiều trường hợp doanh nghiệp không dám nhờ đến tòa án. Lý do là vì thủ tục rườm rà, mất thời gian sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc giải quyết tranh chấp bằng những hành xử kiểu côn đồ không chỉ làm mất uy tín của nhau, mà còn có thể gây nên những thiệt hại và hậu quả nặng nề hơn.

Trao đổi với PV về vấn đề này, phó giáo sư, tiến sỹ Phan An, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho biết: "Khi có sự tranh chấp, các doanh nghiệp nên chọn con đường trọng tài thương mại, tòa án hoặc thương lượng. Dù là bằng cách nào thì cũng phải tuân thủ những nguyên tắc, không nên vì những mâu thuẫn để dẫn đến những hành xử kiểu côn đồ. Theo tôi, con đường giải quyết tranh chấp bằng thương lượng là con đường ngắn nhất và có lợi nhất để giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp. Nếu thương lượng thành, không chỉ các bên tiết kiệm được thời gian, chi phí, khả năng thu hồi tài sản cao hơn và vốn quay vòng trong kinh doanh sẽ nhanh hơn. Ngoài ra các doanh nghiệp vẫn giữ được mối quan hệ đối tác trong kinh doanh, bảo vệ được uy tín của đối tác và uy tín của mình.

Trao đổi với PV, ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cho hay: "Hiện Việt Nam nhiều trung tâm trọng tài, trong đó lớn nhất là trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có tranh chấp thường kiện nhau ra tòa thay vì nhờ các trung tâm trọng tài. Lý do là những phán quyết của các trung tâm trọng tài thương mại hoàn toàn có thể bị hủy khi tòa án thu thập được các chứng cứ liên quan và đưa ra bản án cuối cùng. Rất nhiều trường hợp trọng tài thương mại đã phân xử xong những các bên liên quan vẫn không thi hành. Những phán quyết của tòa án luôn có hiệu lực cao nhất và bắt buộc các bên liên quan phải thi hành nếu không sẽ có những biện pháp mạnh sau đó. Khi hợp tác làm ăn, các bên nên tuân thủ triệt để các nguyên tắc làm việc để tránh những tranh chấp không đáng có.

Anh Hoàng Minh G. (giám đốc công ty T.V., trụ sở tại quận 7, TP.HCM) cho biết: "Người dân vẫn tin tưởng vào hệ thống tòa án bởi tính quyền lực toàn diện của nó. Ở Việt Nam, chỉ có tòa án mới đầy đủ thẩm quyền nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp đã không nhờ đến tòa án mà tự xử, đó là một điều rất không tốt vì nó ảnh hưởng đến nhiều phía. Doanh nghiệp tự xử vì thủ tục tố tụng rất rườm rà.

Để hạn chế tối đa những vụ tranh chấp bằng hành vi côn đồ giữa các doanh nghiệp và doanh nghiệp coi hệ thống tòa án và các trung tâm trọng tài thương mại là nơi phải tìm đến khi có tranh chấp thì Nhà nước phải cải cách tư pháp. Rút ngắn thời gian xét xử của các vụ tranh chấp thương mại và công tác thi hành án, các phán quyết của trọng tài thương mại phải nhanh chóng được thực thi và triệt để.         

Công Thư

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.