Những đứa con... "da cam"
Giữa cái trưa hè oi bức như thiêu như đốt, chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Hằng (62 tuổi, xóm Vườn Thông, xã Động Đạt, Phú Lương, Thái Nguyên). Vượt qua những ngọn núi cao, những con đường đất hun hút, chúng tôi mới tìm được nhà bà Hằng. Từ xa, chúng tôi đã nghe thấy những tiếng gào thét, nức nở không dứt.
Sau câu chào hỏi, bà Hằng loanh quanh, hết ra ngoài hè rồi lại bước vào nhà chỉ để tìm xem có vật dụng gì có thể làm ghế cho khách ngồi. "Mọi người thông cảm, trước nhà tôi cũng có vài cái ghế, nhưng vì chúng nó phát bệnh liên tục, đập phá hết. Sau vài lần như thế, tôi chẳng mua ghế nữa vì không có tiền. Tiền phải dùng cho việc mua gạo, thực phẩm cho mấy đứa ăn. Cám cảnh gia đình tôi, bà con lối xóm có cho bàn ghế cũ, nhưng cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng là chúng nó phá hỏng". Nói xong, bà Hằng hướng đôi mắt mờ đục của mình ra khoảng không trước nhà.
"Từ ngày những đứa con "da cam" này chào đời, chưa giây phút nào tôi cho phép mình gục ngã. Chỉ cần tôi ốm một ngày thôi, không biết đàn con của tôi sẽ ra sao. Ai sẽ chăm lo cho bữa ăn của chúng. Thế nên, còn khoẻ ngày nào, còn phải cố gắng sống vì con", bà Hằng nói.
Đại gia đình nhà bà Hằng
Sinh ra trong một gia đình bần nông, từ nhỏ, những công việc nặng nhọc của nhà nông, bà đều làm hết. Nhìn bà lúc đó, ai cũng tự nhủ: "Sau này ai lấy được con bé Hằng, cuộc sống sẽ ấm no, hạnh phúc". Thế nhưng, cuộc đời ai biết trước điều gì. Sau bao năm đằng đẵng đợi chồng đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam, cuối cùng ông cũng trở về với thân thể nguyên vẹn. Hai năm sau, khi biết mình có thai, vợ chồng bà vui mừng khôn xiết.
Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu, vợ chồng bà lặng người khi thấy con trai Bế Văn Cường (sinh năm 1972) không được như người bình thường. Dù đã lên 4-5 tuổi, nhưng Cường như "thờ ơ" trước những sự việc xung quanh. Sinh con mà bà chưa một lần được nghe tiếng mẹ. Khi có thai đứa con thứ hai, ông bà dồn hết hy vọng vào đó. Nhưng cũng như đứa con lớn, cô con gái thứ hai tên Bế Thị Hồng cũng bị câm điếc bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ.
Kể đến đây, bà Hằng nói: "Hai đứa con bị thiểu năng trí tuệ, câm điếc bẩm sinh do nhiễm chất độc da cam của bố nó". Nói rồi bà đưa tay chỉ về phía cô con gái út Bế Thị Duyên. Cả ba đứa con của bà dù đã ở tuổi trưởng thành nhưng không ai biết tự chăm sóc cho bản thân mình. Gánh nặng càng đè nặng lên đôi vai gầy yếu của bà khi ông Bế Văn Cấp, chồng bà ra đi.
Nỗi đau chất chồng
Đưa tay chỉ về phía Cường đang ngồi thẫn thờ nơi góc nhà, trên mép vẫn còn chút nước bọt vương, bà Hằng cất lời: "Thằng Cường bị nhốt từ sáng, tôi mới thả cháu ra cho đỡ cuồng chân một lát. Mỗi khi tôi ra ngoài hay khi Cường lên cơn, tôi đều phải nhốt nó ở trong nhà. Càng nhiều tuổi, số lần lên cơn của nó càng nhiều". Nghe bà Hằng nói vậy, chúng tôi nghĩ ngay tới tiếng kêu ư ử, bức bối phát ra từ cuống họng của Cường, thật bi thương, ai oán.
Dù điên loạn nhưng chưa bao giờ các con của bà biết doạ người. Mỗi khi nhìn thấy người, chúng chỉ biết cười hềnh hệch. Ngược lại, bà luôn canh cánh nỗi lo trong lòng về hai cô con gái. Mỗi khi lên cơn, chúng thường trần truồng đi ra đường, kể cả những hôm trời rét mướt, mưa gió… Với chúng, cuộc sống gần như bó buộc xung quanh căn nhà vài chục mét vuông. Nhưng mỗi khi "thoát" ra ngoài, chúng lại khiến bà phát hoảng lên đi tìm. Bởi ra đến đường, các con bà không biết mình là ai, nhà ở đâu. Rất nhiều lần, bà phải nhờ mọi người đi tìm giúp.
Những hôm mưa gió, rét mướt, dù ngoài trời đang lạnh thấu xương, căn nhà của bà cũng lạnh lẽo không kém. Năm con người cùng trú ngụ trong một căn nhà nhưng chẳng ai nói với ai dù chỉ một lời. Mỗi người một xó với những hành động kỳ quái của bản năng. Mỗi lần nhìn con như vậy, tim bà Hằng như thắt lại.
Bà đau đớn, xót xa cho những đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Nhìn người mẹ già gày còm, nhỏ thó ấy, ai cũng phải đau lòng. Hàng ngày, bà làm quần quật từ sáng đến tối mà chẳng hết công việc chăm sóc, lo ăn uống, giặt giũ cho các con. Nhìn đống công việc của bà, người nội trợ khoẻ mạnh cũng không khỏi choáng.
Có lẽ cuộc đời bà là một chữ "khổ". Nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi ngoai, thì Duyên trong một lần phát bệnh, đi lang thang đã bị kẻ xấu hãm hiếp, có thai. Đến khi cái thai quá lớn, bà mới phát hiện ra nhưng không thể bắt Duyên phá bỏ vì nếu phá, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Năm 2003, Duyên sinh con trai, bà đặt tên cháu là Bế Văn Duy với hi vọng Duy sẽ là trường hợp duy nhất trong gia đình không bị bệnh như các con bà. Từ ngày có thêm Duy, đôi vai bà như còng hơn. Một tay bà quán xuyên, chăm sóc con cái, thế nên không có nhiều thời gian để chăm sóc hai sào ruộng trồng ngô khiến năng suất thấp, cả nhà rơi vào cảnh đói thường xuyên.
"Từ mấy năm nay, được Nhà nước hỗ trợ tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam cho ba đứa con nên cả nhà còn có gạo ăn (trước đó toàn ăn ngô). Thế nhưng, số tiền ấy không đủ vì phải lo thuốc thang cho chúng nên "đói vẫn hoàn đói".
Nói đến chuyện học của Duy, bà Hằng chỉ biết lắc đầu thở dài: "Nhìn nhà tôi thế này, cho cháu đi học được ngày nào hay ngày ấy".
Ông Nguyễn Quốc Hải (Phó chủ tịch UBND xã Động Đạt, cho biết: Gia đình bà Hằng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Các thành viên trong gia đình bà hầu như không tự lao động được, chủ yếu phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Nhà nước, anh em, họ hàng và các nhà hảo tâm.
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi tháng gia đình bà Hằng còn được 20kg gạo của các tăng ni phật tử chùa Đa giao cho hội Chữ thập đỏ xã mang tới tận nhà. Còn cháu Duy cũng được giáo viên trường cấp ba huyện Phú Lương nhận bảo trợ. Ông Hải còn cho biết thêm, ngôi nhà rách nát của gia đình bà Hải đã được các cơ quan đoàn thể giúp đỡ tu sửa lại kiên cố.
Hồng Mây