Bất đắc dĩ “chạy trốn” khỏi nhà
Nhiều tháng nay, hàng chục hộ dân tại thôn 5, xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk không khỏi bức xúc khi phải hứng chịu cảnh khói, bụi, tiếng ồn phát ra từ nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ đặt ngay trong khu dân cư.
Theo phản ánh của người dân, quá trình băm dăm, sản xuất viên nén gỗ của nhà máy liên tục phát ra tiếng ồn và mùi hôi khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn.
Bà Hồ Thị Hanh, SN 1953, trú tại thôn 5, sống đối diện nhà máy cho hay: “Việc băm dăm, sản xuất viên nén gỗ của nhà máy nói trên không chỉ phát ra tiếng ồn mà còn phát tán khói, mùi hôi khiến người dân sống xung quanh thường xuyên phải đối diện với tình trạng khó thở, không khí nơi đây cũng trở nên nóng nực, ngột ngạt hơn. Nhiều hôm, chúng tôi phải đeo khẩu trang, đóng cửa phòng kín mít, bật máy lạnh, bật quạt để ngủ nhưng vẫn không thể chợp mắt vì mùi hôi và tiếng ồn”.
Đáng nói, dù hầu hết nhà dân nơi đây luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, thậm chí may rèm che cửa kín mít nhưng bụi, khói vẫn len lỏi, bao phủ hết các đồ đạc, vật dụng sinh hoạt trong nhà dân. Bất đắc dĩ, nhiều gia đình phải dùng bao bóng trùm các đồ vật như ly, chén, khay uống nước để ngăn bụi xâm nhập.
Nói đến đây, chị Hà Thị Bích Kiều (sống cách nhà máy 1 con đường khoảng 15m) bức xúc: “Mỗi ngày, gia đình tôi đều quét dọn nhiều lần. Thế nhưng, chỉ ngay sau đó trong nhà cũng không khác gì ngoài sân, bụi bủa vây khắp nơi và đóng thành từng lớp. Chưa kể, cây cối xung quanh bị bụi bao phủ không thể sinh trưởng và phát triển. Tôi không hiểu vì sao một nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ lại có thể được đặt trong khu dân cư đông đúc như thế này. Sống trong cảnh khói, bụi gỗ, tiếng ồn mấy tháng qua, người dân chúng tôi không thể nào chịu đựng nổi nữa”.
Khốn khổ trước tình trạng nói trên, nhiều người dân bất đắc dĩ phải “chạy trốn” chính căn nhà của mình.
Anh Hà Duy Thành (một trong những hộ dân sống đối diện nhà máy) cho hay: “Hàng ngày, gia đình tôi đều phải vào rẫy cách nhà khoảng 2km sinh sống, chỉ đến tối mới dám về nhà. Thế nhưng, có hôm đang nằm ngủ thì khoảng 10-11h đêm, con tôi bật dậy ho sặc sụa, khó thở vì mùi hôi từ nhà máy. Không còn cách nào khác, vợ chồng tôi phải bế con vào chòi rẫy lúc nửa đêm. Không những thế, bố tôi đã lớn tuổi, lại bị bệnh phổi nên từ ngày nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ, ông rất bức xúc, phẫn nộ vì đóng cửa nằm trong nhà vẫn không được yên”.
Tương tự, bà Hồ Thị Hanh chia sẻ: “Vì đã lớn tuổi lại bị rối loạn tiền đình nên hàng ngày, ngoài 3 bữa ăn ở nhà, tôi đều đi tìm chỗ để “lánh nạn”, tối mới trở về nhà để ngủ vì không thể chịu nổi cảnh khói, bụi, tiếng ồn từ nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ”.
Để bảo toàn sức khỏe, gia đình bà Đỗ Thị Nga (cách nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ khoảng 50m) đã đóng tôn xung quanh các vách nhà nhưng nhà cửa vẫn bị bụi bủa vây.
“Nhiều tháng nay, cứ ban ngày, mẹ con tôi phải đóng cửa vào rẫy cách nhà khoảng 3km, gần rừng để ở. Cho đến tối mới về nhà tắm rửa, nghỉ ngơi và phải đeo khẩu trang để đi ngủ. Thế nhưng, nhiều hôm đang ngủ thì hai mẹ con giật mình tỉnh dậy vì mùi hôi xộc vào mũi. Giữa đêm tối, tôi chở con vào nhà rẫy ngủ, nhưng cũng có hôm trời mưa nên mẹ con đành chui vào nhà tắm diện tích chưa đầy 4m2 để ngả lưng chờ trời sáng”, bà Nga nói.
Ông Nguyễn Đỗ Tuấn – Trưởng thôn 5, xã Cư Mốt cho hay, thời gian qua, người dân đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, khói, bụi từ nhà máy băm dăm, sản xuất viên viên nén gỗ. Ngay khi tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, thôn đã kiến nghị UBND xã chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng này. Thế nhưng, đến nay những bức xúc của người dân vẫn không được giải quyết.
Theo người dân nơi đây, chính quyền địa phương đã nhiều lần vào kiểm tra tại nhà máy. Tuy nhiên, chỉ ngay khi cơ quan chức năng rời đi thì nhà máy lại tiếp tục cho chạy máy trở lại.
“Bản thân tôi không đồng ý việc nhà máy sản xuất viên nén gỗ hoạt động ngay trong khu dân cư như thế này. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đảo lộn cuộc sống của người dân mà còn tác động lớn đến môi trường và sự sinh trưởng của cây trồng xung quanh. Do đó, tôi đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc giải quyết dứt điểm để người dân yên tâm sinh sống, lao động và học tập”, ông Tuấn nói.
Doanh nghiệp phớt lờ kiểm tra
Để làm rõ những phản ánh của người dân, PV Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với ông Bùi Ngọc Hoàng – Chủ tịch UBND xã Cư Mốt.
Theo lãnh đạo UBND xã Cư Mốt, nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ nói trên nằm trên diện tích đất 5.444m2 (tại thôn 5, xã Cư Mốt) mà UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Wy (Công ty lâm nghiệp Ea Wy) thuê vào năm 2008 để thực hiện vào mục đích đất làm cơ sở kinh doanh, đầu tư xây dựng xưởng gỗ chế biến lâm sản.
Trên phần đất được cho thuê, Công ty lâm nghiệp Ea Wy đã dựng nhà xưởng và thực hiện chế biến gỗ.
Theo ông Bùi Ngọc Hoàng, trước đây, nhà máy nói trên là một xưởng cắt, cưa gỗ thô sơ. Tuy nhiên, thời gian gần đây công ty đã triển khai băm dăm, sản xuất viên nén gỗ. Trong khi, tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà Công ty lâm nghiệp Ea Wy được cơ quan có thẩm quyền cấp không có ngành nghề chế biến viên nén gỗ.
Cũng theo ông Hoàng, thời gian qua, UBND xã Cư Mốt đã nhiều lần làm việc, kiểm tra phần đất sản xuất của Công ty lâm nghiệp Ea Wy.
Cụ thể, vào ngày 25/7/2022, UBND xã đã lập biên bản làm việc, kiểm tra tại nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ của Công ty lâm nghiệp Ea Wy. Lúc này, công ty đang san lấp mặt bằng, xây dựng mới các hạng mục công trình như trạm cân, 2 hầm đặt máy chống ồn, bể chứa nước phòng cháy, nhà làm việc...
Qua làm việc, đại diện công ty cho biết, hiện nay công ty đang sản xuất kinh doanh chế biến gỗ. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất đã cũ. Vì vậy, doanh nghiệp này đã ký kết hợp đồng liên kết với một doanh nghiệp khác để đầu tư xây dựng, nâng cấp công nghệ chế biến gỗ băm dăm, viên nén...
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty lâm nghiệp Ea Wy chưa có giấy phép liên quan đến việc xây liên quan đến các hạng mục xây dựng mới theo quy định. Do đó, UBND xã đã yêu cầu Công ty lâm nghiệp Ea Wy tạm dừng hoạt động và bổ sung hồ sơ có liên quan đến hoạt động xây dựng nhà máy băm dăm trước ngày 15/8/2022.
Tuy nhiên, UBND xã Cư Mốt cho biết, cho đến nay, xã chưa nhận được các hồ sơ và giấy tờ liên quan. UBND xã cũng đã có báo cáo gửi UBND huyện Ea H’leo về vấn đề này.
Tiếp đó, vào ngày 28/3, sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân liên quan đến việc Công ty lâm nghiệp Ea Wy hoạt động chế biến gỗ băm dăm, viên nén gỗ gây ảnh hưởng đến môi trường như tiếng ồn, bụi, khói gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong khu vực, UBND xã đã tổ chức kiểm tra.
Qua kiểm tra, làm việc, Công ty lâm nghiệp Ea Wy cho rằng, đang hoạt động thử nghiệm vận hành nhà máy.
Cũng tại thời điểm kiểm tra, công ty chưa cung cấp được hồ sơ liên quan đến hoạt động xây dựng nhà máy, hoạt động sản xuất viên nén, băm dăm, hồ sơ môi trường liên quan.
Do đó, UBND xã Cư Mốt yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động trong thời gian hoàn tất các thủ tục giấy tờ liên quan đến hoạt động xây dựng và cam kết bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để các nội dung theo phản ánh của người dân tại cụm dân cư thôn 5.
“Bà con phản ánh là đúng, có mùi hôi, bụi, khói”, Chủ tịch UBND xã Cư Mốt khẳng định.
Thế nhưng, trước những yêu cầu của chính quyền địa phương, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục phớt lờ.
Ông Hoàng lý giải: “Xã đã cảnh báo nhiều lần rồi nhưng có vẻ họ xem nhẹ lắm. Cứ có mặt cán bộ xã đi kiểm tra thì nhà máy dừng hoạt động nhưng sau đó lại đâu vào đó. Hơn nữa, quá trình làm việc với đại diện công ty cũng là vấn đề nan giải. Tại nhà máy không thường xuyên có giám đốc, không có người chịu trách nhiệm nên chính quyền không thể làm việc”.
Hơn nữa, khi xã đến kiểm tra, tuyên truyền, vận động, thì đại diện nhà máy cho rằng đang thử nghiệm máy. Với lý do trong quá trình lắp đặt, phải thử nghiệm một quá trình dài để ổn định và khắc phục những khuyết điểm của máy.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch UBND xã Cư Mốt khẳng định, đây chỉ là ngụy biện, chống chế của doanh nghiệp. Hiện, UBND xã Cư Mốt đang củng cố hồ sơ và tranh thủ ý kiến của các đơn vị chuyên môn để xác định đúng đối tượng, đúng hành vi nhằm xử lý theo quy định pháp luật.
“Quan điểm của xã là sai phạm đến đâu là xử lý đến đó, nếu vượt thẩm quyền thì xã sẽ báo cáo huyện. Xã không đồng ý để nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ tại khu dân cư nói trên. Bởi vị trí mà Công ty lâm nghiệp Ea Wy xây dựng các hạng mục chế biến gỗ như băm dăm, viên nén gỗ... là không phù hợp vì nằm giữa khu dân cư. Do đó, nếu công trình này được đưa vào sử dụng thì có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống khu dân cư khu vực này như tiếng ồn, khói, bụi...
Hơn nữa, vị trí đất sản xuất, kinh doanh của Công ty lâm nghiệp Ea Wy hiện nay thuộc quy hoạch trung tâm hành chính xã Cư Mốt. Vì vậy, việc Công ty lâm nghiệp Ea Wy xây dựng trên phần đất này sẽ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý quy hoạch. Công tác thu hồi để thực hiện quy hoạch sẽ khó khăn”, Chủ tịch UBND xã Cư Mốt thông tin.
Người Đưa Tin sẽ tiếp thông tin về sự việc này.
Khánh Ngọc