Ban hành một quy định, ít nhất những người soạn thảo phải tính khả năng thực thi khi đưa vào cuộc sống. Điều khác nữa là nhà nước có đủ công cụ và con người để kiểm soát, kiểm tra, phát hiện vi phạm hoặc thực thi không đúng quy định. Nếu đưa dự thảo thông tư liên tịch của Bộ GTVT và Bộ Y tế ra để so với hai tiêu chí vừa phân tích, chắc chắn thông tư phá sản khi áp dụng vào thực tế.
Còn xét về mặt khoa học, đã có nghiên cứu từ các vụ tai nạn giao thông để kết luận nguyên nhân của tai nạn giao thông. Tỉ lệ bao nhiêu vụ là do rượu bia, do chạy xe ẩu. Và cũng phải có kết quả nghiên cứu tỉ lệ bao nhiêu vụ tai nạn là do người lái có vòng ngực dưới 72cm. Tương tự, có vụ tai nạn nào do người lái xe bị bệnh về dạ dày hay bệnh trĩ hay không?
Có một điều chắc chắn, dù hai bộ này chưa có kết quả nghiên cứu, thì nguyên nhân của tai nạn giao thông không phải do người lái xe thấp bé nhẹ cân hay bị suy thận, mà do những nguyên nhân khác. Đôi khi, chính các ông to khoẻ lại cậy sức phóng nhanh vượt ẩu.
Còn quá nhiều việc phải lo cho dân, sát sườn với nhu cầu cuộc sống của dân nhưng chính quyền chưa làm tốt, chưa đáp ứng kịp thời. Vậy mà các bộ bỏ công đi soạn thảo những quy định làm rối thêm cho dân.
Cũng từ những văn bản kém chất lượng được ban hành thời gian vừa qua, có thể thấy được chất lượng cán bộ của các cơ quan cấp bộ hiện nay.
Theo Dân Trí