Trong đó, có rất nhiều người chữa bệnh ung thư bằng phương pháp chỉ ăn gạo lứt muối mè mà bỏ qua tất cả các loại thực phẩm khác.
Các bác sĩ chữa bệnh ung thư đã chứng kiến không ít câu chuyện đau lòng xung quanh việc chữa bệnh ung thư bằng phương pháp này, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Bởi lẽ, trẻ cần dinh dưỡng phát triển cơ thể, có sức chống chọi bệnh tật nhưng vô tình lại bị người lớn “bỏ đói” khi chỉ cho ăn gạo lứt muối mè.
BS.Nguyễn Thanh Sang (Đại học Y dược TP.HCM) cũng từng chứng kiến trường hợp trẻ nhỏ bị ung thư khi chưa tròn một tuổi. Hiện tại bé hơn 2 tuổi và đã trải qua qua 500 ngày điều trị với ít nhất 50 lần truyền hóa chất trị ung thư, chưa kể những lần điều trị kháng sinh do nhiễm trùng. Tuy nhiên, những ngày gần đây bé nhập viện do ngộ độc tiêu hóa.
Khi hỏi nguyên nhân từ người nhà, BS.Nguyễn Thanh Sang mới biết, gần 3 tháng nay, người nhà chỉ cho bé ăn gạo lứt muối mè. Bài thuốc này được mẹ bé nghe người khác mách, ăn theo thực dưỡng ung thư nên đã mua rất nhiều về với hy vọng sẽ trở thành “thần dược” giúp con khỏi bệnh.
“Trong suốt 3 tháng, chế độ ăn của bé không thịt cá, không cơm gạo, không dinh dưỡng. Trong khi đó, cơ thể bé lúc này cần đủ dinh dưỡng để duy trì. Thậm chí nhu cầu dinh dưỡng tăng gấp 2 gấp 3. Nhưng người lớn vô tình “bỏ đói” con khi con đang mắc bệnh. Vậy, lấy gì để con hồi phục trong tình trạng sức khỏe hiện tại?”, bác sĩ Sang đặt ra câu hỏi.
BS.Nguyễn Thanh Sang không phủ nhận phương pháp chữa bệnh bằng Đông y song hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác dụng chữa ung thư bằng gạo lứt muối mè.
“Việc bỏ đói tế bào ung thư như vậy không chỉ khiến bệnh nhi bị thiếu hụt chất dinh dưỡng mà còn khiến cơ thể không sản sinh đủ miễn dịch, gây nhiễm trùng liên miên”, bác sĩ Sang cảnh báo.
Câu chuyện về việc người nhà điều trị khối u nguyên bào thần kinh cho bệnh nhân nhi Phạm Đạt Bảo Long bằng phương pháp truyền miệng, uống thuốc của thầy lang ở Hà Giang, được TS. Phạm Thị Việt Hương, khoa Nội nhi, bệnh viện K, cũng là câu chuyện đau lòng.
Người nhà bệnh nhân đã bỏ qua cơ hội điều trị hóa chất cho cháu để có thể tan khối u và tìm tới thầy lang. Khi Bảo Long uống thuốc đó tới đâu nôn tới đó, khối u không tan, càng ngày càng lớn khiến Bảo Long đau đớn, lúc đó, người nhà mới đưa bé trở lại bệnh viện.
Tuy nhiên, lúc này tình trạng bệnh của cháu bé đã có diễn biến xấu, tiên lượng tử vong rất gần. Nhưng, may mắn cũng mỉm cười với gia đình khi Bảo Long qua được đợt đầu điều trị hóa chất. Bụng xẹp xuống, tim phổi cải thiện. Kết hợp các loại thuốc cấp cứu khác, qua 7 đợt truyền hóa chất, khối hạch ở gan, thận đã hết. Cháu có thể phẫu thuật để lấy khối u tồn dư.
“Ít nhất, cháu đã thoát được án tử tới 7 tháng. Tôi chỉ tiếc một điều, nếu cháu được điều trị bài bản ngay từ đầu, biết đâu tương lai của cháu còn xa hơn thế nữa”, TS.Việt Hương kể lại.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư khẳng định, cho đến nay chưa có bất cứ khuyến cáo nào cho thấy sử dụng các phương pháp nêu trên có tác dụng điều trị ung thư.
Đồng thời, PGS.Thuấn cũng nhấn mạnh, một số khuyến cáo hướng dẫn nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, chứ không phải là cắt bỏ hoàn toàn thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày để “bỏ đói tế bào ung thư”.
“Chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Chế độ ăn của người bệnh ung thư luôn cần đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng. Bởi nếu không được cung cấp đủ năng lượng, người bệnh sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Không nên cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống ngay từ giai đoạn vàng”, PGS.Trần Văn Thuấn khuyến cáo.
Nguyễn Huệ