Tại hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), tổ chức ngày 2/6, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông Vận tải đã trình bày một số điểm mới, đáng chú ý được sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Theo đó, với các quy định liên quan đến nhận diện trong dự thảo luật, bà Trịnh Thị Hằng Nga, cho biết, đây là nội dung luật hóa theo quy định tại Điều 32 Công ước về Giao thông đường bộ, đã được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia có khí hậu tương đồng Việt Nam.
Trước đó, quy định về đèn nhận diện xe máy đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng áp dụng quy định này ở Việt Nam là chưa phù hợp. Theo bà Nga, trên cơ sở ý kiến đóng góp của người dân, dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng không quy định cứng thành quy tắc giao thông mà chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện để vừa đảm bảo quy định của Công ước Viên vừa đảm bảo cơ chế phòng ngừa tai nạn cho người dân.
Góp ý tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng nên bỏ quy định xe máy phải bật đèn nhận diện. Thay vào đó, cơ quan chức năng chỉ nên khuyến cáo các phương tiện sử dụng đèn nhận diện trong điều kiện thời tiết có sương mù hoặc mưa to.
Theo ông Quyền, Công ước về giao thông vận tải quy định nội dung trên với các nước có điều kiện thời tiết khác Việt Nam, phương tiện giao thông chủ yếu là ô tô, xe máy dễ bị tổn thương nên cần bật đèn để người lái ôtô dễ nhận biết. Mặt khác, nếu tất cả xe tham gia giao thông đều bật đèn nhận diện trong điều kiện thời tiết nhiệt đới sẽ gây nhiều tác dụng phụ, có thể khiến người đi ngược chiều chói mắt. Khi bật đèn sẽ tiêu tốn nhiên liệu gây lãng phí và tăng khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc xây dựng hành lang pháp lý đi vào cuộc sống, tạo động lực phát triển đất nước là vấn đề quan trọng. Ngành GTVT có 5 luật tương ứng với 5 lĩnh vực, trong đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã thực hiện được 10 năm.
Luật đã dự báo, đề cập chi tiết, các quy tắc giao thông phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế, hệ thống biển báo đã tiệm cận với các nước phát triển. Thêm nữa, quy định về con người, phương tiện cũng không thua kém các nước, hành lang pháp lý quản lý không có nhiều bất cập nếu so với nhiều nước. Đơn cử như Thái Lan đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam đối với quy định lắp thiết bị GSHT.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, với nhu cầu và tầm nhìn cho phát triển đất nước và vai trò quan trọng của lĩnh vực, từ đó tạo hành lang pháp lý cho tương lai lâu dài. Việc sửa Luật Giao thông đường bộ lần này, Bộ GTVT xác định sửa để ổn định ít nhất trong 10 năm. Trong đó, có tầm nhìn, dự báo những yếu tố mới, đưa được hành lang pháp lý mà đối tượng chi phối trong luật ổn định.
Mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, trước hết là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông được ưu tiên đi trước 1 bước. Vì vậy, trong xây dựng Luật Giao thông đường bộ phải tạo được hành lang pháp lý, có cơ chế chính sách chủ trương đầu tư hạ tầng ổn định.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, ban soạn thảo sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến góp ý của các bộ ngành, địa phương, người dân đến 21/6, sau đó sẽ tiếp thu, chỉnh sửa và trả lời bằng văn bản. Dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.
Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, Luật Giao thông đường bộ mới cần tạo hành lang pháp lý điều chỉnh vận tải, thúc đẩy phát triển GTĐB và kinh tế đất nước, hội nhập giao thông đường bộ trong khu vực. Trong đó, nhiều vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm như việc phân loại các loại hình, điều kiện kinh doanh vận tải, cấp phép điều hành giao thông thông minh, quản lý điều hành cao tốc, Luật Giao thông đường bộ mới phải mở đường cho hướng phát triển.
Hoàng Mai (tổng hợp)