Không chấp nhận những cán bộ chỉ biết vun vén cho gia đình

Không chấp nhận những cán bộ chỉ biết vun vén cho gia đình

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 7, 19/08/2017 19:30

TS. Bùi Thị An đưa quan điểm: “Nếu cán bộ chỉ tìm người nhà để đưa vào đội ngũ, người nhà dựa vào cán bộ để trục lợi thì các cá nhân khác không còn cơ hội phát triển, bộ máy ngày càng phình ra nhưng lại hoạt động kém hiệu quả”.

 Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; Quy định số 90 -QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý vừa mới được ban hành có ý nghĩa lớn trong phòng, chống tham nhũng. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Dư luận đặc biệt quan tâm trong nội dung Quy định số 90 về đạo đức, lối sống nêu rõ: “Tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.

Quy định này đã điểm trúng huyệt, được kỳ vọng sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để chặn đứng việc lợi dụng chức vụ người thân để trục lợi.

Xã hội - Không chấp nhận những cán bộ chỉ biết vun vén cho gia đình

TS. Bùi Thị An.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII cho rằng, việc lợi dụng tên tuổi người thân làm lãnh đạo để trục lợi đã có từ lâu.

“Bản thân người cán bộ ở một vị trí nào đấy là để phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích chung của đất nước, không phải chỉ chăm chăm mục tiêu phục vụ lợi ích gia đình. Vụ việc của bà Hồ Thị Kim Thoa, Phan Thị Mỹ Thanh và nhiều trường hợp đã bị kỷ luật cho thấy, hiện tượng “một người làm quan, cả họ được nhờ” vẫn là phổ biến. Việc này hết sức phản cảm, không chỉ khiến nhân dân mất lòng tin, dư luận bức xúc mà còn khiến nội bộ mất đoàn kết.

Nếu cán bộ chỉ tìm người nhà để đưa vào đội ngũ, người nhà dựa vào cán bộ để trục lợi thì những người khác không còn cơ hội phát triển, bộ máy ngày càng phình ra nhưng lại hoạt động kém hiệu quả”, TS. Bùi Thị An nêu quan điểm.

“Việc luật hóa và đưa vào thực tế cuộc sống những quy định như Quy định 90 kể trên là rất cần thiết. Bản thân người cán bộ phải gương mẫu, không để việc thu vén cho gia đình, tạo cơ hội để người thân trục lợi với tài sản khổng lồ. Như thế là không chấp nhận được”, bà An nhấn mạnh.

“Tôi đề nghị, sau khi ban hành những quy định này, cần có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên, nâng cao hơn nữa vai trò của các tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở; nâng cao vai trò giám sát của quần chúng, trong đó có Mặt trận Tổ quốc các cấp, không để sự việc vỡ lở rồi mới vào cuộc. Thêm nữa, những vụ việc lớn như thời gian qua đâu phải là cái kim mà không ai biết được.

Đáng ra, trong những trường hợp có người thân lợi dụng mình, những người biết tự trọng sẽ rất xấu hổ. Nhưng vì lý do gì, lòng tham hay một lý do nào khác mà như vụ bà Hồ Thị Kim Thoa đã để nhiều chuyện xảy ra trong thời gian dài với chính người thân của mình, tôi thấy thật khó hiểu”, bà An bày tỏ. 

Cũng đưa ý kiến cá nhân, ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, ai cũng có con cháu, người nhà và việc muốn người thân của mình có những điều kiện tốt nhất để phát triển là hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu lợi dụng chức danh, quyền hạn để đưa người nhà lên cao, làm những việc sai trái, trục lợi là không thể chấp nhận được.

“Cần kiểm tra, kiểm soát thường xuyên với từng cán bộ. Nếu con cháu có đầy đủ điều kiện thì nên ủng hộ. Chỉ sợ những người không đủ tiêu chuẩn mà vẫn lợi dụng mới là vấn đề đáng nói”, ông Xiểm nêu quan điểm.

Để những quy định nêu trên thực sự có hiệu quả, ông Xiểm cho rằng, bản thân mỗi cán bộ phải tự rèn luyện mình. Không có quy định nào là toàn năng nếu người cán bộ thiếu liêm khiết và không coi trọng danh dự.

“Trên thực tế, nhiều trường hợp lãnh đạo không thích đưa người thân, người nhà vào những vị trí “nhạy cảm” vì sợ ảnh hưởng đến uy tín và danh dự dù người thân hoàn toàn có năng lực thực hiện công việc ở vị trí đó. Nhưng điều quan trọng nhất, cán bộ cấp cao phải gương mẫu, đồng thời có lòng tự trọng và đề cao danh dự bản thân”, ông Xiểm nói.

Cũng theo ông Xiểm, lợi dụng thông thường đã đáng lên án, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tên tuổi của quan chức càng cần cơ chế xử lý nghiêm. Đây không chỉ là vấn đề vi phạm mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ. Hơn nữa, không chỉ cán bộ cấp cao mà cả những cán bộ bình thường, đã là “công bộc” của dân thì đều phải nêu gương tốt.

“Đã ở vị trí lãnh đạo, tầm ảnh hưởng rất lớn. Nếu một cá nhân không tự nghiêm khắc với bản thân thì mọi quy định đều sẽ vô nghĩa. Tôi vẫn đánh giá cao công tác giám sát trong tất cả các hoạt động. Nếu giám sát tốt, chắc chắn không có những chuyện đáng buồn như thời gian qua”, ông Xiểm nhấn mạnh.     

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.