'Khống chế lạm phát tốt quá mức là điều hành… dở'

'Khống chế lạm phát tốt quá mức là điều hành… dở'

Thứ 4, 15/05/2013 11:21

“Mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 được Quốc hội bàn ở mức 7-8% nhưng kết quả cuối cùng chỉ 6,8% là tốt… quá nên ảnh hưởng đến tăng trưởng. Điều hành thế là dở. Nếu để lạm phát trên 7% thì giờ tăng trưởng không thấp thế”.

Chủ tịch Quốc hội phê “thành tích” của Chính phủ trong việc điều hành đất nước năm vừa qua trong phiên thảo luận về báo cáo bổ sung tình hình kinh tế xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013.

Những thông tin bổ sung về mức “chốt” sau cùng 15 chỉ tiêu kinh tế xã hội của Chính phủ thể hiện, có 11 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu kiềm chế lạm phát, 4 chỉ tiêu không hoàn thành, trong đó đó chỉ tiêu quan trọng hàng đầu là mức tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, chỉ số CPI về đích ở mức 6,81%, vượt chỉ tiêu khống chế dưới 10% Quốc hội quyết định trong kỳ họp cuối năm 2012. Trước đó, Chính phủ ước tính mức tăng giá cả năm vào khoảng 8%. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,03%, thấp hơn số 5,2% báo cáo trước đó và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng 6-6,5% Quốc hội đề ra.
 

Bất động sản - 'Khống chế lạm phát tốt quá mức là điều hành… dở'

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: "Nếu giữ mức CPI trên 7% thì giờ tăng trưởng không thấp thế này".

Không hài lòng với bản báo cáo này, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Chính phủ vẫn chưa trình bày rõ những điểm đạt được, những việc còn tồn tại để đưa ra Quốc hội thảo luận.

Đánh giá cụ thể, ông Hùng cho rằng, nhìn mục tiêu tổng quát về kiềm chế lạm phát là ổn nhưng mức tăng trưởng đạt được chưa hợp lý. “Việc kiềm chế lạm phát làm hơi gấp, kết quả… tốt quá. Quốc hội đã bàn mức 7 - 8 %, giữ trong khoảng đó là được. Vậy mà chốt 2 tháng cuối năm, con số cuối cùng chỉ có 6,8%. Việc đó cũng là tốt nhưng tốt quá nên ảnh hưởng đến tăng trưởng. Điều hành thế là dở. Nếu giữ mức trên 7% thì bây giờ tăng trưởng không thấp thế. Tăng trưởng năm ngoái thấp, chỉ đạt 5,03% là do điều hành” – chủ tịch Quốc hội thẳng thắn phân tích.

Cũng trong phiên thảo luận này, nhiều thành viên UB Thường vụ QH đã đặt vấn đề có điểm bất ổn trong công tác điều hành của Chính phủ khi giải quyết bài toán kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khi tham gia ý kiến cũng cho rằng nhiều chuyên gia đã chỉ ra "lỗi" điều hành là giật cục, đột ngột thắt chặt các chính sách tiền tệ, làm khựng cả dây chuyền của nền kinh tế.

Ngoài ra, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận nhiều “cái được” của năm 2012 như thị trường không tốt nhưng giá cả người tiêu dùng vẫn thấy ổn, lãi suất giảm, thị trường vàng trong nước ổn định, ngân hàng không đổ vỡ, vẫn triển khai được chương trình xóa đói giảm nghèo, đối nội đối ngoại tốt... Tuy nhiên, yêu cầu giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đang khó khăn mà Quốc hội đề ra thì… chưa được.

Một lần nữa nhắc lại vấn đề kết quả tăng trưởng kinh tế chưa hợp lý, chủ tịch Quốc hội đánh giá, sự việc không ở mức “vô cùng bi đát” như phó trưởng Ban Kinh tế TƯ Nguyễn Xuân Cường nói nhưng chưa đạt đến mức có thể phấn đấu được.

Hệ quả của việc này, sản xuất đến bây giờ vẫn giảm, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều “thua”, chỉ ngành du lịch vẫn “được”.

Còn về con số ước tính có đến 65% DN phá sản, giải thể, ông Hùng còn nghi ngại, thực tế tình hình còn xấu hơn, con số không chỉ dừng ở 65%. Thực tế thất thu thuế là minh chứng hiện thực cho việc doanh nghiệp thua lỗ. Đi theo đó, tình hình thu ngân sách cũng không sáng sủa. Kinh tế vĩ mô một mặt đạt được mục tiêu ổn định nhưng 2 mặt khác chưa đạt yêu cầu là hoạt động của ngân hàng và chiến lược giải quyết hàng tồn kho (tồn kho bất động sản, tồn kho hàng hóa đến giờ vẫn chưa giảm).

Về vấn đề giảm thu ngân sách như báo cáo đánh giá tình hình của Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đã nêu, chủ tịch Quốc hội cũng nhận định: “Tình trạng mất cân đối khá nghiêm trọng. Tình hình tài chính hiện tại, tôi thấy xấu lắm. Năm ngoái thu kết dư 5 năm của dầu thu được 10.000 tỷ đồng thì phải gánh 24 tỉnh mất cân đối”.

Ông Hùng cũng phê thẳng việc cơ quan điều hành cho tạm ứng ngân sách, dẫn đến nợ xây dựng cơ bản địa phương lên đến gần 100 nghìn tỷ đồng. Ông Hùng truy vấn: “Điều hành ngân sách như vậy kiểu gì? Tiền đâu mà tạm ứng hàng đống gây ra nợ và tạo ra mất cân đối? Lấy tiền đâu mà ứng thế? Ứng thế để sập quỹ à? Đã làm ăn phải có của ăn của để, chứ tiêu như này chỉ có chết?”…

Khánh Tuân (Nguồn: Dân trí)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.