Ở đây, tôi muốn bàn về vấn đề từ thiện chứ không phải cứu trợ. Hoạt động cứu trợ nằm trong từ thiện song tính chất của hai khái niệm này không giống nhau. Với những người thiếu những nhu yếu phẩm cần thiết để sinh tồn sau bão, chúng ta cần cứu trợ khẩn cấp. Nhưng cũng với những đối tượng đó, chúng ta cần phải bình tĩnh mà suy nghĩ lại xem nên từ thiện như thế nào mới đúng.
Đúng là đôi khi, những món quà từ thiện trở thành con dao hủy hoại số phận của người nhận, kể cả khi nó đã được giao đúng địa chỉ. Cách đây 5 năm, người ta từng rơi nước mắt trước hình ảnh cậu bé Hào Anh 14 tuổi bị vợ chồng chủ trại tôm ngược đãi. 5 năm sau, người ta lại không khỏi xót xa khi thấy chính cậu bé đó phải đứng trước vành móng ngựa. Cậu đã dùng số tiền nhận được từ những nhà hảo tâm để đi vũ trường, ăn nhậu cùng một cô bạn gái – người xúi giục Hào Anh trộm cắp sau này. Vì Hào Anh và những trường hợp tương tự, nhiều người cho rằng chúng ta không nên từ thiện nữa bởi việc cho đi bừa bãi sẽ dẫn đến tình trạng lười lao động, ỷ lại, từ đó gây hệ quả xấu cho nền kinh tế và an sinh xã hội.
Điều đó không sai. Thế nhưng, liệu chúng ta có thể làm ngơ khi nhìn thấy một đứa trẻ người gầy xạm, quần áo rách rưới và đói lả trên đường phố giữa trời rét căm căm? Hay khi nhìn thấy một người già neo đơn sống trong ngôi nhà rách nát, ai có thể nhẫn tâm bỏ mặc họ cho số trời? Lương tâm có cho phép chúng ta làm thế?
Và với những trường hợp cần từ thiện để thoát nghèo - Chúng ta hay nói đừng cho họ "con cá" mà hãy cho họ "cần câu". Có điều, nếu không cho họ "con cá" để giúp họ vượt qua cơn đói thì làm sao họ đủ sức mà kéo "cần câu"? Vấn đề là phải từ thiện làm sao để tạm thời họ vẫn có cá ăn trong lúc học cách câu cá.
Hơn nữa, từ thiện cũng là một cách để không lãng phí đồ dư thừa. Tôi biết tới Hà Nội Đủ, một nhóm tận dụng nguồn đồ ăn thừa ở các nhà hàng, khách sạn rồi mang đến cho những người nghèo dưới chân cầu Long Biên. Tôi cũng thấy nhiều người ủng hộ quần áo không dùng tới cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Nếu các hoạt động từ thiện này bị dừng lại, chẳng phải rất lãng phí sao?
Thiết nghĩ, nếu lỡ may bạn phát hiện ra số tiền mình cho đi bị dùng sai mục đích, cũng đừng quá hằn học mà mất đi niềm tin với lòng tốt của bản thân. Tiền có thể kiếm lại nhưng lòng tốt bị chi phối bởi sự hằn học lâu ngày sẽ biến mất, không lấy lại được. Cũng xin đừng quên ý nghĩa của từ thiện. Khi được nhận đồ từ thiện, người nhận sẽ thấy ấm lòng và tin rằng, mình không bị cộng đồng bỏ rơi lúc khó khăn, hoạn nạn. Không phô trương khi nói rằng, hoạt động từ thiện đã và đang làm những trái tim gần nhau hơn.
Vừa qua, bảng xếp hạng về từ thiện World Giving Index 2016 đã đưa 140 quốc gia vào danh sách xếp hạng. Đáng ngạc nhiên là, những quốc gia đang chìm vào bất ổn triền miên như Iraq, Syria lại có thứ hạng cao hơn một số quốc gia giàu có và ổn định như Nga, Ý và Nhật Bản. Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam nằm ở vị trí thứ 64/140 nước theo chỉ số của WGI, đứng thứ 55 về mức độ mở lòng với người lạ, thứ 48 về quyên tiền ủng hộ từ thiện và thứ 75 về số thời gian dành cho các việc làm tình nguyện.
Kết quả này có thể khiến bạn hài lòng hoặc không. Sau này, lựa chọn giữa từ thiện hay từ bỏ là quyền của bạn. Chỉ cần bạn luôn cảm thấy lòng mình thanh thản mà thôi.
Chinh Lê
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả