Không có ai không muốn được luật sư bảo vệ!

Không có ai không muốn được luật sư bảo vệ!

Thứ 5, 27/12/2012 23:52

Chẳng ai không muốn được bảo vệ, nhất là với những người đang vướng vào vòng tố tụng hình sự. Vậy mà thực tế vẫn có những lá đơn từ chối luật sư do bị can từ trong trại giam ký. Vì sao?

Liên quan đến câu chuyện từ trước tới nay, có những vụ án, bị can lại từ chối luật sư bảo vệ, trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM, nhiều luật sư đã bày tỏ, đánh giá về lý do cho việc này.

“Chẳng ai không muốn được bảo vệ, nhất là với những người đang đối mặt với tù tội. Việc họ từ chối luật sư là bất thường, trái quy luật tâm lý tự nhiên” - luật sư T. (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương) khẳng định.

Luật sư T. kể trước đây một người quen của ông bị khởi tố về tội tham ô tài sản. Gia đình người này yêu cầu ông bảo vệ từ giai đoạn điều tra. Nhiều lần đến trại tạm giam xin gặp bị can để hỏi ý kiến, ông chỉ được gặp điều tra viên cùng câu trả lời: “Bị can không đồng ý mời luật sư đâu!”.

Luật sư T. cương quyết yêu cầu được gặp trực tiếp bị can. Trước mặt điều tra viên và luật sư, ban đầu bị can ngần ngừ không dám nói, cuối cùng cũng mạnh dạn tố thẳng là điều tra viên đã ép mình từ chối luật sư!

Mấy năm trước, tại Vũng Tàu từng xảy ra một vụ án rất lạ. Lê Huỳnh Duy (17 tuổi) bị khởi tố vì đã cưỡng đoạt chiếc xe đạp của hai em nhỏ. Trong quá trình điều tra, Duy và mẹ tự tay viết một lá đơn khá bài bản về việc từ chối luật sư, cho biết sẽ tự bào chữa tại tòa với lý do Duy tự thấy tội trạng đã rõ; trong quá trình lấy cung các điều tra viên làm việc khách quan, không đánh đập, dụ dỗ...

Pháp luật - Không có ai không muốn được luật sư bảo vệ!

Có những luật sư bị từ chối. Hình minh họa

Khi hồ sơ vụ án được chuyển sang VKSND TP Vũng Tàu, cơ quan này đã phải yêu cầu đoàn luật sư tỉnh cử người bào chữa chỉ định cho Duy. Tại phiên xử sau đó của TAND TP Vũng Tàu, Duy sẵn sàng đồng ý để luật sư bào chữa cho mình.

Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết có lần ông nhận lời bảo vệ một vụ ở một tỉnh cách TP gần 300 km. Mỗi lần ông chạy xuống thì cán bộ điều tra đều vui vẻ tươi cười: “Anh em tui bận họp hết chưa tiếp xúc với bị can được, luật sư thông cảm nhé”.

Bữa sau thì điều tra viên lại từ chối khéo: “Luật sư cứ yên tâm về đi, để tui hỏi ý bị can xem thế nào đã nhé”... Cứ vậy, cho đến khi sắp kết thúc điều tra rồi mà ông vẫn chưa được tham gia vụ án.

Theo luật sư Hoàng Cao Sang, ở nước ngoài, khi một người bị cảnh sát bắt thì câu đầu tiên họ sẽ nói là: “Tôi sẽ không trả lời bất cứ câu hỏi nào trước khi luật sư của tôi đến”.

"Tôi không có ý định so sánh vì mô hình tố tụng của chúng ta khác các nước nhưng phải thấy rằng xu hướng dân chủ, minh bạch trong tố tụng hình sự là một tiến bộ và đích đến của bất cứ mô hình tố tụng nào. Ngay từ giai đoạn điều tra, vụ án càng được công khai, quyền của người tham gia tố tụng càng đảm bảo thì tính dân chủ, công bằng càng cao." - LS Sang nói.

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) nhận xét để xảy ra hiện tượng trên là do một số điều tra viên đã làm chưa đúng quy định tố tụng. Về lý luận, việc cho luật sư tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra thể hiện tính dân chủ, công bằng.

Về thực tiễn, khi người dân bị pháp luật hình sự điều chỉnh hành vi thì họ là người yếu thế, cần được luật sư bảo vệ. Mặt khác, chính người thực thi pháp luật cũng cần luật sư để có trách nhiệm với công việc, tránh làm ẩu, làm bừa.

Theo ông Thêm, sự hiểu biết pháp luật của người dân chưa cao nên khi vướng vào vòng tố tụng hình sự, ít người nắm rõ được các quyền của mình. Chính lúc này, điều tra viên phải là người đầu tiên hướng dẫn, phổ biến cho họ.

Khi người bị tạm giam, tạm giữ biết được quyền của mình thì họ sẽ tự tin yêu cầu luật sư cho mình. Vì vậy, trách nhiệm, lương tâm của điều tra viên là rất quan trọng, hình thành nên nguyên tắc ứng xử trong tố tụng.

Đồng tình, chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước Hoàng Kim Vinh cũng cho rằng trước hết điều tra viên phải trung thực. Cán bộ điều tra cũng không nên có ác cảm rằng cứ cho luật sư vào sớm thì vụ án sẽ phức tạp, rối rắm hơn. Với vai trò phản biện, giới luật sư đã góp phần không nhỏ giúp cơ quan tố tụng làm sáng tỏ sự thật của vụ án, tránh được oan, sai.

Từ đó, luật sư Vinh đề xuất, để hạn chế chuyện này thì chính ngành công an cần phải có một chương trình tuyên truyền sâu rộng để xóa bỏ tâm lý của nhiều điều tra viên là luật sư tham gia vụ án chỉ vẽ đường cho bị can, bị cáo chối tội, phản cung...

Luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: tôi cũng gặp nhiều vụ bị từ chối bào chữa, sau hỏi ra mới té ngửa là “do cán bộ điều tra bảo làm thế”. Theo tôi, BLTTHS phải ghi nhận nguyên tắc khi một người bị tạm giữ, tạm giam thì họ phải được yêu cầu luật sư ngay từ giai đoạn sơ cung để đảm bảo quyền lợi cho họ. Những người tiến hành tố tụng, nhất là điều tra viên không được cản trở quyền này dưới bất kỳ hình thức nào.

Thậm chí phải quy định rõ tất cả bị can mà hành vi phạm tội có thể bị truy tố ở khung hình phạt từ 15 năm tù trở lên thì bắt buộc phải có luật sư ở ngay lần hỏi cung đầu tiên. Cạnh đó, luật cũng cần phải có các biện pháp chế tài nếu chứng minh được người tiến hành tố tụng cố tình cản trở bị can, bị cáo thực hiện quyền nhờ luật sư.

Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) bày tỏ quan điểm, ngoài mục đích muốn giải quyết nhanh vụ án thì sự mất tự tin cũng là một lý do khiến một số điều tra viên “xúi” bị can viết đơn từ chối luật sư. Cũng có luật sư lợi dụng việc tham gia để kéo dài, gây nhiễu vụ án nhưng công bằng mà nói, sự có mặt của luật sư có lợi cho cả bị can và cơ quan tố tụng. Cho nên các điều tra viên phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa này, đó cũng là một cách để tự hoàn thiện mình.

Ngày 10/10/2011, bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 70 quy định chi tiết thi hành các quy định của BLTTHS liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

Theo hướng dẫn, khi giao quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố bị can, điều tra viên phải đọc và giải thích rõ về quyền, nghĩa vụ cho người bị tạm giữ hay khởi tố biết. Trong biên bản phải ghi rõ ý kiến của người bị tạm giữ, bị can về việc có nhờ người bào chữa hay không.

Trường hợp người bị tạm giữ, bị can chưa nhờ người bào chữa thì trong lần đầu lấy lời khai, hỏi cung, điều tra viên phải hỏi rõ người bị tạm giữ, bị can có nhờ người bào chữa không và phải ghi ý kiến của họ vào biên bản.

Thu Hương (bt)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.