“Không có chuyện dừng phát sóng phim Huyền sử thiên đô”

Thứ 6, 28/12/2012 00:05

Bộ phim Huyền sử thiên đô đang được phát sóng trên giờ vàng của VTV. Tuy mới được trình chiếu chưa lâu nhưng mới đây đã rộ lên thông tin phim sẽ phải dừng phát sóng vì chất lượng…quá dở.

Qua việc trên, PV đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Phạm Thanh Phong xung quanh những thông tin về bộ phim này.

Đạo diễn Phạm Thanh Phong

Phim quá sức với các đạo diễn

Bộ phim Huyền sử thiên đô đang được phát sóng trên giờ vàng của VTV. Đây là bộ phim truyền hình cổ trang đầu tiên được trình chiếu. Tuy nhiên, trái với sự chờ đợi và kì vọng, khán giả lại tỏ ra chán nản, thất vọng. Bản thân đạo diễn cảm thấy có điều gì đó chưa hài lòng về sản phẩm của chính mình?

Huyền sử thiên đô không chỉ là sản phẩm của riêng tôi. Đồng đạo diễn với tôi còn có anh Tất Bình nữa. Vai trò của anh Tất Bình còn lớn hơn tôi vì anh ấy nắm giữ lịch làm việc, quyết định thời gian... Nói thế để biết được rằng đó là sản phẩm của cả một ê kíp.

Thực tế, chúng tôi đã rất vất vả, đã làm hết sức có thể để làm nên bộ phim này. Với phim cổ trang, để có được đúng bối cảnh là một việc vô cùng khó. Trong khi phim hiện đại có thể lựa chọn cùng một lúc nhiều bối cảnh khác nhau. Sau khi đi khảo sát nhiều địa điểm tại Việt Nam, chúng tôi vẫn chưa thực sự ưng ý. Nghe nói Trung Quốc có trường quay hoành tráng, anh em đề xuất được sang đó xem thế nào. Thế nhưng khi sang đến nơi, tận mắt chứng kiến những Tử Cấm Thành, những lâu đài nguy nga của họ, đoàn phim nhận thấy không thể tái hiện lịch sử dân tộc ở một địa điểm ngoại quốc được vì kiến trúc của họ và mình không giống nhau.

Mái chùa Việt Nam uốn cong trong khi mái chùa của Trung Quốc kết cấu thẳng. Hơi thở của không gian hoàn toàn khác nhau từ màu sắc, đến chi tiết, con tiện, hình ảnh ...Về Việt Nam, chúng tôi lại tiếp tục đi tìm những khung cảnh hợp lí ở Cố đô Huế, Ninh Bình, Hà Nội... để quay phim. Nhưng mọi chuyện cũng không hề dễ dàng vì cố đô Huế rất cổ kính và đẹp nhưng kiến trúc lại thuộc về triều Nguyễn. Trong khi Huyền sử thiên đô lại tái hiện giai đoạn lịch sử vua Lê Đại Hành, nghĩa là cách trước đó 700 năm. Đoàn làm phim đã phải vận dụng hết các mối quan hệ để mượn được bình rượu, chiếc ấm, cái cốc, bàn ghế đúng với thời điểm lịch sử.

Không chỉ đạo diễn, quay phim mà diễn viên đóng phim cổ trang cũng rất khổ. Rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên đã từ chối lời mời của tôi vì họ không có thời gian, không thể gác công việc kiếm ra nhiều tiền để nhận lời đóng phim với cát-xê ít ỏi. Và hơn hết, họ không chịu được sự vất vả khi phải rong ruổi cùng đoàn phim ròng rã trong mấy tháng trời.

Để nói về việc chưa hài lòng thì nhiều lắm. Nhưng tôi nghĩ, mình đã làm tốt nhất có thể. Nếu khán giả vẫn chưa hài lòng thì đó là việc đương nhiên. Vì phim ảnh mà, hay hay dở là do cảm nhận. Hơn nữa, phim cổ trang vẫn là một việc quá sức đối với các đạo diễn Việt Nam.

Các diễn viên chính ra mắt báo chí

Vậy thông tin phim phát sóng hết phần một thì phải dừng là như thế nào, thưa anh?

Tin này tôi cũng mới biết qua báo chí (cười). Thực tế không có phần một, phần hai gì cả. Huyền sử thiên đô được quay và chiếu liên tục. Sở dĩ có tin đồn trên là do hiểu nhầm. Huyền sử thiên đô có tất cả 42 tập. Làm được 20 tập đầu, nhà sản xuất đi giao phim thì kí hợp đồng. 22 tập tiếp theo lại kí hợp đồng nữa.

Chuyện chỉ có vậy nhưng không hiểu thông tin rò rỉ từ đâu, người ta lại cho rằng Huyền sử thiên đô bị dừng phát sóng giữa chừng vì nhiều lí do. Cách đây mấy ngày, khi tôi đang ngồi ở nhà viết bài, thì có một nhóm phóng viên vác cả máy quay đến xin phỏng vấn. Khi họ hỏi về chuyện này tôi rất bất ngờ. Nhưng đến lúc này, tôi khẳng định không có chuyện dừng phát sóng Huyền sử thiên đô. Bộ phim vẫn đều đặn công chiếu vào 21h mỗi tối thứ 5 và thứ 6 hàng tuần.

“Bebe Phạm là cô gái dũng cảm”

Huyền sử thiên đô là bộ phim truyền hình đầu tiên được làm theo thể loại cổ trang. Tuy nhiên trong phim vẫn có sự hội tụ của nhiều diễn viên không chuyên nhưng lại nổi tiếng ở lĩnh vực khác, như trường hợp siêu mẫu Bebe Phạm vào vai nữ chính. Có phải đây vẫn là một cách bắt buộc để gây sự tò mò, chú ý đối với khán giả không?

Bebe Phạm không phải là diễn viên chuyên nghiệp. Diễn xuất của cô ấy không có gì là xuất sắc. Nhưng đổi lại cô ấy có một gương mặt hợp với màn ảnh. Đặc biệt là khả năng chịu đựng và sự dũng cảm của Bebe Phạm khi vượt qua được những khó khăn để đến với vai diễn. Một cô gái quen với cuộc sống nhung lụa, một siêu mẫu trên sàn diễn nhưng dám bỏ tất cả để cùng đoàn phim vất vả rong ruổi khắp nơi. Không phải ai cũng làm được điều đó bởi đóng phim, đặc biệt phim truyền hình không thể nhiều tiền bằng việc đi đóng quảng cáo, chụp ảnh, trình diễn thời trang được. Tôi tin, Bebe Phạm sẽ thành công nếu gắn bó lâu dài với nghiệp diễn.

Siêu mẫu Bebe Phạm với vai diễn Giáng Bình-hồng nhan tri kỉ của vua Lý Công Uẩn

Hiện nay các nhà làm phim đang đầu tư mạnh cho dòng phim cổ trang. Theo anh hiện trạng thể loại phim này ở Việt Nam đang ở đâu và đã gặt hái được những thành công gì?

Việt Nam không có hiện trạng phim cổ trang hay phim lịch sử. Vì hiện trạng tức là đã định hình được sự phát triển và đã đánh dấu bằng nhiều bộ phim thành công. Chúng ta chưa làm được điều đó. Bộ phim đầu tiên về thể loại này ở Việt Nam là Đêm hội Long Trì, được đạo diễn Hải Ninh làm năm 1989. Thời điểm đó khán giả xem điện ảnh là số 1. Họ tôn thờ, ngưỡng mộ vì đó gần như là kênh giải trí duy nhất. Bộ phim đó được đón nhận, tung hô, ca ngợi, yêu mến là điều dễ hiểu.

Sau giai đoạn đó, phim cổ trang biến mất. Thay vào đó là dòng phim mà ta vẫn quen gọi "mì ăn liền". Và cho đến bây giờ, khi Hà Nội tổ chức dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Thực ra Việt Nam mình vẫn có cách làm phim theo kiểu "cúng cụ", chào mừng, làm vì nhân một dịp nào đó. Tuy nhiên 1.000 năm Thăng Long vẫn là một dịp hiếm có. Đây là điều kiện để phim cổ trang trở lại.

Khác với giai đoạn trước, bây giờ là thời đại của các nhà làm phim tư nhân. Mục đích lớn nhất của họ vẫn là làm sao thu hút được nhiều quảng cáo. Nhưng họ ý thức được sự cạnh tranh lớn nhất, đem lại nhiều chiến thắng nhất là từ chất lượng. Bởi vậy nhiều người đã không ngần ngại bỏ ra chi phí rất lớn để đầu tư cho bộ phim của mình. Điều này rất đáng để ghi nhận. Tuy nhiên để dòng phim này tồn tại được thì phải có một chiến lược lâu dài mang tầm cỡ quốc gia.

Theo anh, vấn đề của phim cổ trang Việt Nam hiện nay là gì?

Chúng ta gần như thiếu thốn tất cả: Kinh phí, diễn viên, bối cảnh sự chuyên nghiệp. Ví dụ, cùng đạo diễn một cảnh quay về võ thuật nhưng giữa chuyên gia Trung Quốc và chuyên gia Việt Nam là hai cách làm việc đối lập. Họ chuyên nghiệp, khoa học hơn mình hàng vạn lần. Trung Quốc có cả một trường quay với đầy đủ mọi thứ. Không biết khi nào thì Việt Nam mới có được điều đó.

Có lần tôi được xem một bộ phim Trung Quốc dài 100 tập, được hoàn thành trong vòng chưa đến một năm. Thời gian ngắn là vậy nhưng phim vẫn rất hay, không chê được điểm gì. Quá kinh ngạc tôi đã hỏi vị đạo diễn là tại sao lại có thể làm được một điều như thế. ông ta trả lời "muốn làm nhanh thì phải chuẩn bị lâu".

Với lịch sử Việt Nam, nhiều lúc không thể bê nguyên xi lên màn ảnh được. Theo sử sách chép lại, thời đó, vua Lê Đại Hành tóc búi tó, đi chân đất, thậm chí còn mặc váy đụp. Nếu phim cũng như thế thì ai xem. Cho nên khi làm phim mình vẫn phải để vua quần là, áo lượt.

Cảm ơn anh!

Đào Bích

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.