Sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá XIV đã kết thúc tốt đẹp.
Tại kỳ họp, qua xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 11 Luật, Bộ luật, 17 Nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác.
Phát biểu Bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các luật, nghị quyết được thông qua là những cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định; đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; cải cách chế độ công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân.
Cũng tại kỳ họp này, với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia cùng Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Việc phê chuẩn hai văn kiện này sẽ là bước đệm quan trọng trong việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị, hợp tác, đối tác chiến lược, toàn diện giữa Nhà nước và Nhân dân hai nước; đồng thời là cơ sở chính trị, pháp lý để tiếp tục giải quyết những vấn đề còn lại về phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới.
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã thể hiện thái độ nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết để khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong lĩnh vực phụ trách. Quốc hội ghi nhận và đề nghị các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành sớm có kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện cho được những cam kết trong thực tế đạt hiệu quả cao nhất.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành công tác nhân sự theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Đánh giá về việc này, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay: “Việc miễn nhiệm và bầu cử nhân sự mới được thực hiện bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng, quy trình, thủ tục theo luật định và đạt sự đồng thuận cao”.
Theo Văn phòng Quốc hội, tại kỳ họp vừa qua, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành nhằm bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Ngoài ra, đối với cán bộ công chức, viên chức, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Việc ban hành Luật này nhằm tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện hiện nay.
Luật đã sửa đổi khái niệm công chức; sửa đổi, bổ sung các quy định về: thẩm quyền của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ; đánh giá viên chức, chế độ thôi việc đối với viên chức; tuyển dụng, nâng ngạch công chức, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức; xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức và viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
Bên cạnh những điểm đã đạt được, thì vẫn còn đó những băn khoăn của cử tri. Tại phiên Họp báo Công bố kết quả Kỳ họp, chuyển tải tâm tư của cử tri về vấn đề trong các phiên thảo luận của Quốc hội, PV báo Tuổi trẻ đặt ra tình trạng một vấn đề được ĐBQH nhắc đi nhắc lại nhiều lần, hoặc dự án được đại biểu cùng đề cập với tần suất dày.
"Liệu rằng có hiện tượng ĐBQH được lobby, nhận “đơn đặt hàng” để phát biểu theo chủ đích của một nhóm lợi ích?", câu hỏi được đặt ra cho Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, thực tế không tránh được quá trình đại biểu đi làm việc với các Bộ ngành có trao đổi nhiều vấn đề liên quan, để rồi tại nghị trường đã chuyển tải những vấn đề tới Quốc hội.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, không phải vì như vậy mà có thể thay đổi chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
"Chúng ta có 2 kỳ họp, qua trao đổi thì còn phân tích, thẩm tra, nếu đúng thì rất tốt, sau đó xin ý kiến ĐBQH trước khi thông qua", Tổng Thư ký Quốc hội cho hay.
Ông lấy ví dụ về Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới được thông qua, trước đó có rất nhiều ý kiến của ĐBQH đề xuất nghỉ thêm một ngày lễ là Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và rất hiếm đại biểu đề xuất nghỉ thêm một ngày vào dịp Quốc khánh.
Nhưng qua thẩm tra, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng thì các ĐBQH đồng thuận rất cao với tỷ lệ trên 90% là chọn nghỉ thêm 1 ngày vào dịp Quốc khánh 2/9.
"Có nhiều ĐB đưa ra nhưng kết quả biểu quyết mới là kết quả cuối cùng. Trong quy trình đã làm rõ, anh muốn cũng không được", Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Công Luân - Hoa Liên