Mới đây, công ty lịch An Hảo đã thực hiện một dự án khá độc đáo là đưa Truyện Kiều lên lịch Tết 2017 với những câu thơ và hình vẽ minh họa rất sinh động. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại những bức tranh minh họa có thể na ná giống Trung Quốc. Để làm rõ vấn đề này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Trương Quang Nghĩa, đại diện công ty lịch An Hảo xung quanh vấn đề này.
Tranh minh họa rất thuần Việt
Ông có thể cho biết, lý do nào khiến công ty quyết định thực hiện ý tưởng đưa Truyện Kiều lên lịch Tết 2017?
Ý tưởng đưa Truyện Kiều lên lịch Tết được chúng tôi ấp ủ và âm thầm thực hiện gần 2 năm qua. Mấy năm trước đây, chúng tôi thấy người ta sản xuất những bộ lịch về đại tướng Võ Nguyên Giáp rất ý nghĩa và được người dân đón nhận nồng nhiệt. Từ đó chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao không đưa kiệt tác Truyện Kiều lên lịch? Bởi đây là tác phẩm có sức sống mạnh mẽ trong lòng dân chúng và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tầm ảnh hưởng lớn lao của nó khiến chúng tôi tin tưởng khi thực hiện trên lịch Tết, người dân sẽ đón nhận.
Vậy Truyện Kiều trên lịch Tết 2017 có gì đặc biệt so với những bản thông thường khác, thưa ông?
Truyện Kiều được chọn đưa lên lịch là bản do học giả Đào Duy Anh phiên âm và chú giải. Mỗi trang lịch ngoài đoạn Kiều chính văn còn có phần chú giải các từ khó, điển tích ... Việc phân đoạn 3.254 câu Kiều thành 365 đoạn tương ứng với 365 trang lịch được thực hiện bởi chuyên gia văn học để đảm bảo tính chặt chẽ. Ngoài ra điểm nhấn quan trọng nhất của bộ lịch này là mỗi đoạn Kiều ở mỗi trang lịch sẽ được minh họa bằng một bức tranh tương ứng với nội dung được Nguyễn Du miêu tả trong đó. Có thể coi đây là cuốn Truyện Kiều có nhiều tranh minh họa nhất từ trước tới nay (365 tranh).
Nhưng thời gian gần đây, việc minh họa Truyện Kiều thường vấp phải ý kiến phàn nàn khi tạo hình nhân vật, bối cảnh … đều giống Trung Quốc? Công ty mình có chú ý tới điều này?
Những bức tranh minh họa trên bộ lịch của chúng tôi được thực hiện bởi một nhóm họa sỹ làm việc miệt mài trong gần 2 năm qua. Chúng tôi cũng rất lưu tâm tới vấn đề đó nên các họa sỹ đều chú trọng tới yếu tố trang nhã và thuần Việt. Từ trang phục cho tới bối cảnh, không gian … các họa sỹ đều cố gắng truyền tải sao cho nó mang hồn Việt nhất có thể. Vì thế những tranh minh họa của chúng tôi không có nét gì của Trung Quốc cả.
Mặc dù nội dung của kiệt tác Truyện Kiều đề cập tới sự kiện và nhân vật ở Trung Quốc nhưng tinh thần Nguyễn Du, tinh thần Việt Nam thì chúng tôi đều cố gắng hết sức để thể hiện qua các bức tranh. Điều này người dân có thể trực tiếp kiểm chứng. Vừa rồi chúng tôi có giới thiệu cuốn lịch tới người dân ở đường sách Nguyễn Bình TP.HCM. Hiện hình ảnh bộ lịch cũng được giới thiệu trên mạng internet.
Kênh quảng bá văn hóa đặc biệt
Với một bộ lịch được đầu tư hết sức công phu như vậy liệu có đảm bảo về mặt doanh thu? Ông có lo ngại người dân "ném đá" bộ lịch này?
Khi quyết định thực hiện dự án, chúng tôi cũng khá cân nhắc. Bởi lẽ chi phí làm bộ lịch này vừa tốn kém lại vừa mất thời gian. Nhưng với mong muốn làm một cái gì đó vừa ý nghĩa, vừa độc đáo nên công ty vẫn quyết tâm thực hiện. Cho tới thời điểm này, với mức giá 450.000 đồng/1 lốc lịch so với 350.000/ 1 lốc lịch thường thì giá không hề cao.
Có thể coi đây là một cuốn Truyện Kiều độc đáo, được thể hiện cả về chữ và hình. Cộng với vị thế của Truyện Kiều trong lòng độc giả, tôi tin rằng người dân rất ủng hộ dự án này (bằng chứng là không chỉ có những đơn hàng trong nước, người Việt ở nước ngoài cũng đặt nhiều bộ lịch).
Có thể nhận thấy đây là lần đầu tiên một kiệt tác văn học được quảng bá thông qua lịch Tết. Vậy thời gian tới công ty có nhân rộng mô hình độc đáo này?
Chúng tôi chưa có kế hoạch đưa những tác phẩm khác lên lịch. Thứ nhất, thực hiện việc này tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Thứ hai, việc sử dụng một kiệt tác như Truyện Kiều cần phải cẩn trọng hết sức và phải xin ý kiến từ phía cục xuất bản nên thời gian chuẩn bị giấy tờ cũng lâu hơn. Tất nhiên trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng đưa thêm những kiệt tác văn học khác lên lịch để nó được phổ biến hơn nữa trong đời sống nhân dân.
Ông có cho rằng, lịch là một kênh quảng bá văn hóa rất hay tới người dân? Ngoài lĩnh vực văn học, trước kia công ty mình còn thực hiện những dự án nào khác nữa?
Tôi cho rằng quảng bá văn hóa cần sự tham gia tổng hợp của nhiều kênh khác nhau mà lịch là một lựa chọn không hề tồi. Trước đây chúng tôi đã có những dự án quảng bá văn hóa ẩm thực, lịch sử, địa danh … theo những chủ đề nhất định. Chẳng hạn năm ngoái công ty thực hiện bộ lịch 365 món ăn đặc sản ở các vùng miền. Hiện chúng tôi cũng đang thực hiện bộ lịch mang tên Việt Nam tầm cao mới với nội dung chủ đạo là giới thiệu các địa danh nổi tiếng như: Hà Nội, cố đô Huế, Hội An … trong dòng chảy lịch sử của nó. Tôi cho rằng, lịch không chỉ là phương tiện thể hiện thời gian mà còn giúp chúng ta nhận chân được những giá trị văn hóa qua đó.
Xin cảm ơn ông
Phạm Thiệu