Điều tưởng như chỉ có cách đây hàng nửa thế kỷ lại đang hiện hữu tại nhiều địa phương của hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An.
Thờ bố mẹ trong chuồng… chim bồ câu
Nếu ai đặt chân đến các xã miền núi của huyện Tương Dương (Nghệ An) sẽ bị bất ngờ bởi rất nhiều ngôi nhà dựng những cái chòi, giống hệt chuồng nuôi chim bồ câu trong vườn. Tìm hiểu mới biết, chẳng phải người ta có phong trào nuôi loại chim này mà đó là nơi, những người con gái lấy chồng thờ bố mẹ mình. Người ta bảo rằng, vợ chồng không sinh được con trai thì từ bao đời nay vẫn như vậy, khi chết chỉ được thờ ngoài vườn, chứ ai mà đưa vào nhà thờ là tai ương sẽ rình rập.
Bà Mạc Thị Tuyết xót xa trước di ảnh của bố mẹ phải đem ra thờ ở ngoài vườn vì không có con trai.
Bà Mạc Thị Tuyết, trú tại bản Chắn, xã Thạch Giám, người đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn đau đáu về câu chuyện liên quan đến cái am thờ ngoài vườn này. Cụ cho biết, cụ đã bị chính người chồng của mình hành hạ suốt 30 năm chung sống và không thiếu những lần cụ muốn gieo mình xuống dòng sông Lam giải thoát trước những trận đòn tàn khốc của người chồng. Tất cả chỉ vì, cha mẹ của cụ không sinh được con trai nối dõi và bản thân cụ khi lấy chồng cũng không có con trai, nên nguy cơ hai vợ chồng khi chết sẽ bị đưa ra vườn của nhà đứa con gái để thờ.
Nói về cái chòi, bà chia sẻ: “Nó có từ bao giờ thì tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng, những vợ chồng nào không sinh được con trai thì lúc họ chết con gái họ sẽ có nhiệm vụ dựng cái chòi như thế này để thờ cha mẹ mình. Oái oăm hơn, cái chòi này sẽ phải dựng ngoài vườn và bắt buộc, chiều cao phải thấp hơn sàn nhà sàn. Trong nhà chỉ được thờ di ảnh của bố mẹ chồng mà thôi”.
Cụ Tuyết nước mắt chảy dài kể tiếp: Cái “phong tục” này khắc nghiệt lắm, cả năm chỉ cho phép con gái ra vườn hai lần vào dịp cuối năm và rằm tháng Giêng để thắp nhang cho bố mẹ mà thôi. Có lần ra, xót xa lắm khi thấy nơi thờ bố mẹ mình toàn chuột với gián trong đó. Cái chòi rồi cũng sẽ mục nát và biến mất khi con gái của người quá cố qua đời. Nghĩa là không có con trai, người chết sẽ mất đi dấu ấn của mình khi đến cháu ngoại không biết đến ông bà mình là ai.
Chị Lữ Thị Xuyên kể về những câu chuyện đau lòng xung quanh cái am thờ với quan niệm quái đản.
Tiếp tục tìm hiểu về “cái chòi” kỳ thị với cả người chết này, chúng tôi tìm gặp chị Lô Thị Luyến, cộng tác viên dân số tại Bản Chắn, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương. Chị Luyến cho biết: Đây được xem là nơi tập trung của rất nhiều phụ nữ sinh con một bề (toàn con gái) nên những câu chuyện đau lòng xảy ra liên miên. Vì sức ép sinh con trai nên nhiều gia đình có trên 10 đứa con, họ cứ sinh đến khi có con trai mới thôi.
Nhiều người vợ không chịu được việc phải sinh con liên miên đã bỏ đi hoặc gia đình tan vỡ khi người chồng tìm đến những người đàn bà khác để hy vọng có người nối dõi. Chị Luyến cho biết, cái chòi là một trong những “phong tục” thờ cúng của người dân tộc Thái, nó không chỉ có ở riêng bản Chắn huyện Tương Dương mà nó còn có khắp tại các làng bản của người Thái tại 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Bởi “phong tục” mang tính kỳ thị này nên nhiều vợ chồng dù đói khổ cũng phải sống chết sinh cho bằng được coi trai. Chuyện cái chòi sinh ra những hệ lụy buồn nhưng từ trước đến giờ, chưa có ai đứng lên phản đối hay làm khác đi với phong tục.
Khi được hỏi ly,á do nào khiến người dân không dám đứng lên để bài trừ thì chị Luyến cho hay: “Nếu những gia đình nào thờ ảnh bố mẹ vợ trong nhà thì khi có ốm đau, bệnh tật, hoặc những đen đủi trong gia đình, người ta sẽ cho rằng đó là vì thờ ảnh của bố mẹ vợ trong nhà nên mới vậy. Từ đó, cái chòi trở thành nỗi ám ảnh và lo sợ với những người dân và nhất là những người không có con trai, còn với những người phụ nữ họ mặc định rằng kiếp con gái là vậy”.
Những câu chuyện đau lòng
Bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn là nơi sinh sống của 100% người dân tộc Thái. Nơi đây từng xảy ra những câu chuyện đắng lòng xung quanh cái chòi thờ ngoài vườn mà nguyên nhân cũng chỉ vì quan niệm trọng nam khinh nữ. Trò chuyện với chúng tôi, chị Lữ Thị Xuyên - Chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản Cánh cho hay: “Ở đây ai cũng thích có con trai, mà không có con trai thì cũng phải đi xin con may (con nuôi) để khi mình chết có người cầm dao tiễn biệt và không phải bị thờ trong cái chòi canh kia. Hơn nữa tài sản thừa kế cũng không thể để cho con gái được, con gái là con người ta mà nên sức ép có con trai trở nên ghê gớm lắm”.
Khi được hỏi đã có vụ việc nào nghiêm trọng xảy ra bởi việc lo sợ không sinh được con trai ở thôn bản mình chưa, chị rùng mình kể lại: Vào năm 2009, tại bản Cánh, Lương Văn Nhưn sau khi biết đứa con trong bụng vợ là con gái, y đã đấm đá liên tục vào bụng vợ khiến thai nhi chết ngay trong bụng còn vợ bị chấn thương nặng. Chị cho biết, trước đó Nhưn và vợ đã có 2 đứa con gái và Nhưn quyết sinh cho được con trai nhưng vợ không chịu và bỏ về nhà chị gái tại Hà Tĩnh. Sau đó, y đã tìm đường vào Hà Tĩnh, uy hiếp rồi bắt vợ phải về nhà và sinh con thứ 3. Sau khi vợ mang bầu được 4 tháng, siêu âm phát hiện thai nhi giới tính nữ, Nhưn đã giết con mình một cách dã man.
Xót xa là sau vụ việc đó, dù rất đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần nhưng vợ Nhưn vẫn không một lời oán than và chấp nhận với lý do, tất cả cũng bởi “cái tội” không sinh được con trai cho chồng. Sau khi gây ra chuyện tày trời như vậy, nhưng bởi vợ không tố cáo nên chính quyền chỉ có thể vào cuộc hòa giải và phạt hành chính Nhưn 300.000 đồng. Hiện tại, theo chị Xuyên, hai vợ chồng Nhưn vẫn đang sống với nhau và nghe đâu Nhưn vẫn bắt vợ tiếp tục chửa đẻ để... có con trai.
Nếu sinh mãi không được con trai thì họ lại ngoại tình hoặc tử tế hơn chút thì đi xin con nuôi, bởi lo sợ khi chết không có con trai sẽ bị đem ra ngoài vườn thờ.
Ông Vi Sắt Son nói về những hủ tục tại địa phương.
Sao lại cam chịu?
Ông Vi Sắt Son, trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tương Dương cho biết: Đúng là ở địa phương đang tồn tại hủ tục đau lòng này. Chính quan niệm của người dân như thế càng khiến cho sự bất bình đẳng về giới tính tăng lên. Không ai ủng hộ điều này và thực tế, trong những năm qua, chính quyền đã nỗ lực để bài trừ, nhưng cái khó là nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên rất khó để thay đổi. “Nhiều sự việc đau lòng xảy ra nhưng người phụ nữ cam chịu, không đứng ra tố cáo nên chúng tôi không hề hay biết để xử lý. Sắp tới, phối hợp với các tổ chức chống bạo hành, chúng tôi sẽ làm mạnh hơn khâu tuyên truyền để hạn chế tối đa những câu chuyện đau lòng từ hủ tục này...”, ông Son cho biết thêm.
Có vẻ như, bởi khó khăn về địa hình cũng như quan niệm khác người của đồng bào dân tộc, chính quyền vẫn chưa có giải pháp mang tính tích cực và tất nhiên, câu chuyện về chiếc chòi ở ngoài vườn, thờ người chết không có con trai còn sinh ra nhiều hệ lụy đau lòng nữa.
Vợ không được ngồi chung mâm với chồng Ông Vi Sắt Son cho biết thêm, tại địa phương còn nhiều những câu chuyện đau lòng liên quan đến bất bình đẳng xã hội. Chẳng hạn như việc người Mông ở một số nơi tại huyện Tương Dương có hủ tục: Trong giờ cơm, chỉ khi chồng ăn xong và lên bàn ngồi uống nước thì lúc ấy, vợ và con cái mới được ngồi vào mâm cơm để ăn. Thêm vào đó, người vợ có chồng chết thì phải lấy anh hoặc em trai của chồng. Ngoài ra, với “quyền lực” tối đa của người chồng, con gái lớn lên phải lập gia đình theo sự sắp xếp của người cha. Rất nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra xung quanh những hủ tục đang rất cần bị đẩy lui này. |
Xuân Đồng – Kim Thoa