Chị Nguyễn Thị Thủy đứng trên con đường trải đá còn mấp mô, giữa cánh đồng chỉ cho chúng tôi khu một của Công chúa Mai Hoa. Đó là khu vực che mái tôn màu đỏ sẫm, đầu lối vào nghĩa trang. Chị cho biết: “Ngày tuần, rất nhiều người ở khắp nơi đến đây thắp hương, cầu khấn tại mộ Cô. Xe máy, xe ô tô để một hàng dài từ nghĩa trang vào tới đầu làng”. Chúng tôi chỉ biết rằng, người dân Ninh Hiệp truyền nhau, mộ Cô linh nghiệm lắm. Chính chị Thủy còn bảo chúng tôi: “Nếu cầu khấn gì, cứ đến mộ Cô sẽ được như ý”.
Lăng mộ được cho là của Mai Hoa Công Chúa
Trong khu Lăng Cô, một đoạn đường bê-tông cao ráo, sạch sẽ hai bên trồng cây rất thanh bình. Khu mộ được xây dựng gồm ban chính thờ Lê thị Mai Hoa hiệu diệu Thái Thành Công chúa và các ban phụ. Theo bà Nguyễn Thị Lộc, người trông coi tại khu mộ, các ban bên cạnh là những người hầu hạ của công chúa. Khu mộ được trông coi cẩn thận, lát gạch sạch sẽ. Phải nói rằng, có rất nhiều người đến đây thắp hương, những chân hương cứ tầng tầng, lớp lớp chồng lên nhau cao như ngọn tháp nhỏ. Để trang trí thêm cho khu mộ, người trông coi đã mua về đây những lọng vàng, đỏ treo lên như…phủ đồng.
Không biết những thiện nam, tín nữ khấn cầu Công chúa những điều gì và sự ứng nghiệm như thế nào trên dương gian nhưng cứ đông người đến cầu thì bà Lộc lại có nhiều…lộc lá. Bà Lộc trông coi khu mộ là người hay chuyện. Bà thuộc tất cả những chuyện ly kỳ liên quan đến ngôi mộ cổ mà sau này gia đình nhà bà và dân làng Ninh Hiệp gọi là Mai Hoa Công chúa.
Thú thực, sau khi trở về từ khu mộ Mai Hoa công chúa, trong chúng tôi càng thêm thắc mắc về thân thế của cô gái 20 tuổi đầy bí ẩn này. Tôi lật giở từng trang sách sử thời Hậu Lê mà mình biết, cố tìm cho được tên Lê Thị Mai Hoa hiệu diệu Thái Thành Công chúa. Nhưng tôi đã mất công, không có một sự ghi chép nào về nàng Công chúa này trong sử sách. Có chăng chỉ thấy một Mai Hoa Công chúa con vua Lê Anh Tông nhưng khi nhỏ được gọi là Công chúa Chiêm Thành (vì mẹ người Chiêm Thành). Ghi chép này, khác xa với Lê Thị Mai Hoa hiệu Thái Thành Công chúa có mộ tại Ninh Hiệp. Công chúa Mai Hoa (con vua Lê Anh Tông) có thời gian nhiếp chính. Bà cũng đã sáng lập ra kinh đô An Trường - Vạn Lai Sách (nay là xã Phúc Lập, bên bờ tả ngạn sông Chu, phía dưới đập Bái Thượng - Thanh Hóa). Bà là bề trên của Tu viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đầu tiên ở Việt Nam và ở đó cho đến chết.
Bỗng dưng được thu tiền lễ lạc? Nhiều người đến đây sắm sanh đồ lễ rất cầu kỳ. Chúng tôi được chủ tịch xã Lý Duy Khương dẫn ra Lăng Cô. Cũng như mọi người, chúng tôi cũng thắp nén nhang khấn cho người con gái 20 tuổi của 300 năm về trước. Được biết, người đến thắp hương, ai cũng đặt lễ bằng “tiền đen” (tiền thật). Bà Lộc nói rằng: “Tôi chỉ trông coi ở đây lấy sự bình an cho cả gia đình. Tiền lễ lạc chỉ để mua hương nhang, dầu đèn, đồ thờ cúng cho Công chúa”… |
N.M