Gần 50.000 người được tiêm vắc-xin
Chiều 31/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho biết, đây là buổi họp báo Chính phủ thường kỳ cuối cùng trước khi Quốc hội tiến hành kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Chính phủ.
Trước khi họp báo diễn ra, trong ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp phiên thường kỳ của Chính phủ tháng 3/2021, phiên họp cuối cùng trước khi Chính phủ khóa XIV được kiện toàn với các thành viên Chính phủ mới.
Ông Mai Tiến Dũng dẫn lại lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội ngày 24/3 vừa qua, trong suốt nhiệm kỳ XIV, con tàu Việt Nam đã vượt qua "hải trình dồn dập bão tố". Qua sóng cả mới thấy vững tay chèo; Chính phủ khóa XIV đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực.
Có được thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân cả nước, và nhất là sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của tập thể Chính phủ.
“Chính phủ khóa XIV đã thực hiện tốt tinh thần làm việc đến ngày cuối cùng, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chợ chiều trong lúc bàn giao, kiện toàn bộ máy, với tinh thần bàn giao tốt nhất, đầy đủ nhất, hiệu quả nhất giữa 2 nhiệm kỳ”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Chính phủ, trong quý I/2021, kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ số tốt hơn, tăng trưởng GDP tốt hơn nhiều so với cùng kỳ, nhất là nông nghiệp ổn định trong khi quý I/2020 tăng trưởng âm do hạn mặn tại ĐBSCL.
Tiếp tục tập trung cao độ phòng, chống dịch Covid-19; đến nay dịch đã được kiểm soát tại Quảng Ninh, Hải Dương; đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trạng thái “bình thường mới” đã được lập lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường, khách du lịch tăng trưởng tốt. Các ca nhiễm mới đều là trường hợp nhập cảnh và được kiểm soát, cách ly, điều trị theo quy định; không để dịch bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng.
Tính đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 117.000 liều vắc-xin và đã tiến hành tiêm cho gần 50.000 người; đồng thời tiếp tục nhập khẩu 1,37 triệu liều trong tháng 3 và 4/2021. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm vắc-xin trong nước vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.
Không có nợ đọng văn bản
Có thể nói, trong quý I, đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng, không chỉ kinh tế mà văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đời sống và niềm tin của người dân tăng lên, không khí làm ăn kinh doanh trong nhân dân khởi sắc hơn.
Đến hôm nay, không có nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật. Trước đây, nhiệm kỳ khóa XII bàn giao 58 văn bản nợ, nhiệm kỳ khoá XIII 39 văn bản. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên không nợ đọng văn bản, luật, pháp lệnh.
Rõ ràng, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã rất tích cực, theo tinh thần của Thủ tướng là Chính phủ kiến tạo, dựa trên thượng tôn pháp luật, quan tâm đến việc xây dựng thể chế, nhất là các văn bản cải cách. Nhiệm kỳ này cũng là lần đầu tiên Thủ tướng đưa ra chủ trương: Ban hành 1 văn bản mới thì phải huỷ 1 văn bản cũ, một luật cố gắng không nhiều hơn 2 nghị định hướng dẫn, 1 nghị định sửa nhiều nghị định…
Tình hình KTXH tháng 3 và quý I năm 2021:
Tăng trưởng kinh tế quý I/2021 cao hơn quý I/2020, ước tăng 4,48% (cùng kỳ tăng 3,68%); thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn tăng 42% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tận dụng hiệu quả các hiệp định FTA đã được ký kết. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,7 tỷ USD, tăng 24,1% (cùng kỳ tăng 5,9%), trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,4 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 7,8%); nhập khẩu hàng hóa đạt 75,3 tỷ USD, tăng 26,3% (cùng kỳ tăng 3,9%). Xuất siêu trên 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 28,2%; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,4%. Vận tải hành khách vẫn gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, giảm 11,8%. Tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lần lượt là 2,42% và 2,20%.
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành ngay các chương trình hành động, kế hoạch công tác để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội XIII của Đảng và các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội.