Không có vùng cấm nào trong vụ án xét xử bị cáo Đinh La Thăng

Không có vùng cấm nào trong vụ án xét xử bị cáo Đinh La Thăng

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Thứ 5, 22/03/2018 15:48

VKS nhận định việc đưa vụ án gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN ra xét xử là thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, thể hiện rõ pháp luật không có vùng cấm, bất cứ ai, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 22/3, trong phần luận tội của VKS về vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm, sau khi đã căn cứ trên kết quả điều tra cũng như quá trình đưa vụ án ra xét xử công khai tại phiên tòa, VKS đã làm rõ nội dung và các tình tiết của vụ án, làm rõ các chứng cứ tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố.

Không có vùng cấm nào trong vụ án xét xử bị cáo Đinh La Thăng

VKS nêu quan điểm không có vùng cấm nào trong vụ án xét xử bị cáo Đinh La Thăng

Trên cơ sở đó, đại diện VKSND thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, có đủ căn cứ để xác định nội dung vụ án và hành vi phạm tội của các bị cáo, cụ thể là hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, từ tháng 9/2008, bị cáo Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã chỉ đạo và quyết định việc PVN góp vốn vào ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) để PVN trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng này.

Thực hiện chỉ đạo và chủ trương của bị cáo Thăng, các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức, nguyên thành viên HĐTV PVN cùng Nguyễn Xuân Sơn, Phó Tổng Giám đốc, Ninh Văn Quỳnh, Kế toán trưởng, Trưởng Ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN đã tích cực thực hiện 03 lần góp vốn của PVN vào Oceanbank với tổng số tiền 800 tỷ đồng.

Không có vùng cấm nào trong vụ án xét xử bị cáo Đinh La Thăng (Hình 2).

Bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tại tòa

Hậu quả, với năng lực yếu kém của Oceanbank và những hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm, ngân hàng Oceanbank đã bị thua lỗ nghiêm trọng, không còn giá trị vốn của chủ sở hữu; dẫn đến toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng vốn góp của PVN tại Oceanbank đã bị mất hoàn toàn.

Từ đó, VKS nhận định nguyên nhân dẫn đến thiệt hại số tiền 800 tỷ đồng của PVN là do các hành vi trái pháp luật của bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm.

Hành vi phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế nêu trên của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Hành vi của các bị cáo không chỉ gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn (800 tỷ đồng) của Nhà nước, mà còn xâm hại đến sự đúng đắn trong công tác quản lý tài sản Nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy quản lý Nhà nước nói chung và quản lý doanh nghiệp, Tập đoàn Nhà nước nói riêng, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước và tạo ra dư luận xấu trong xã hội.

Các bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý tài sản, điều hành Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, là những cán bộ đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, có quá trình rèn luyện, phấn đấu để đạt vị trí cao trong công tác. Nhưng các bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật với những quyết định làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, dẫn đến hậu quả PVN mất vốn 800 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, lợi ích chung.

Trong vụ án này, ngoài hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Ninh Văn Quỳnh còn thực hiện hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao chiếm đoạt số tài sản đặc biệt lớn (20 tỷ đồng). Hành vi của bị cáo xâm phạm đến tài sản của Nhà nước và sự liêm chính của cán bộ, công chức, là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay, tạo ra sự mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước.

Vì vậy, việc đưa vụ án ra xét xử nghiêm minh đối với các bị cáo thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm về kinh tế, chức vụ, tội phạm tham nhũng, thể hiện rõ pháp luật không có vùng cấm, bất cứ ai, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.