Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 10/7 đã đồng ý “bật đèn xanh” cho Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự NATO, chấm dứt nhiều tháng căng thẳng về một vấn đề vốn đã kéo căng khối này trong bối cảnh xung đột tiếp diễn ở Ukraine.
Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5 năm ngoái, từ bỏ các chính sách không liên kết quân sự mà họ đã duy trì trong suốt nhiều thập kỷ của Chiến tranh Lạnh, để tìm kiếm an ninh tập thể trước những lo ngại về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.
Trong khi tư cách thành viên NATO của Phần Lan đã được thông qua vào tháng 4 và Helsinki đã trở thành thành viên thứ 31 của liên minh, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chặn đơn xin gia nhập của Thụy Điển. Các bên đã tích cực làm việc với nhau trong những ngày trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần thứ 74 ở Vilnius (Litva).
“Tôi vui mừng thông báo... rằng Tổng thống Erdogan đã đồng ý chuyển văn bản gia nhập NATO của Thụy Điển tới Đại hội đồng Quốc gia (Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ) càng sớm càng tốt và hợp tác chặt chẽ với cơ quan này để đảm bảo việc phê chuẩn”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tại một cuộc họp báo vào đêm muộn hôm 10/7 sau khi chủ trì cuộc gặp với ông Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Vilnius.
Mô tả đây là “một bước đi lịch sử có lợi cho an ninh của tất cả các đồng minh NATO vào thời điểm quan trọng này”, nhưng ông Stoltenberg cũng cho biết rằng ông không thể đưa ra lịch trình cụ thể về việc phê duyệt tư cách thành viên của Thụy Điển. Trước đó, phải mất 2 tuần để Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan.
Với việc quốc gia Bắc Âu còn lại gia nhập liên minh quân sự, tờ The Economist cho biết rằng điều đó nghĩa là về cơ bản Biển Baltic đã trở thành “Biển NATO”.
Trước đó, vào đầu ngày 10/7, triển vọng gia nhập NATO của Stockhom thậm chí còn trở nên mờ mịt hơn khi Tổng thống Erdogan khiến các nhà lãnh đạo châu Âu choáng váng với tuyên bố bất ngờ rằng ông sẽ không chấp thuận đơn của Thụy Điển trừ khi họ mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU), trong một bình luận trước báo giới trước khi lên đường sang Litva dự Hội nghị Thượng đỉnh.
Đơn xin gia nhập NATO của bất kỳ ứng cử viên nào cũng đều phải được tất cả các thành viên trong khối chấp thuận. Sau khi chánh văn phòng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết hôm 6/7 rằng Budapest giờ đây sẽ không còn ngăn cản tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ loại bỏ rào cản cuối cùng đối với Stockhom.
Mỹ và các đồng minh đã tìm cách gây sức ép với Ankara trong nhiều tháng. Một số đối tác NATO tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ - vào tháng 10/2021 đã yêu cầu mua 20 tỷ USD máy bay chiến đấu F-16 của Lockheed Martin Corp (Mỹ và gần 80 bộ dụng cụ hiện đại hóa cho các máy bay chiến đấu hiện có của mình - đã sử dụng tư cách thành viên của Thụy Điển để gây áp lực với Washington về thương vụ máy bay chiến đấu này.
Minh Đức (Theo Reuters, Kyodo News, The Economist)