Người đứng đầu Bộ chỉ huy châu Phi của Quân đội Mỹ (AFRICOM) vừa cập nhật tình hình di chuyển nhân sự và thiết bị của mình ra khỏi Niger trong bối cảnh hiện diện quân sự của “xứ cờ hoa” không còn được hoan nghênh ở quốc gia Tây Phi này.
Theo thỏa thuận mà hai bên đã đạt được hồi tháng 5, hạn chót để Mỹ rút hết toàn bộ lực lượng ra khỏi quốc gia châu Phi là ngày 15/9. Mối quan hệ giữa Washington và Niamey bắt đầu xấu đi vào mùa hè năm ngoái sau cuộc đảo chính do chính quyền quân sự được gọi là Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc (CNSP) Niger tiến hành.
Hồi tháng 3, một phát ngôn viên của Hội đồng cho biết, các lực lượng Mỹ sẽ không còn hoạt động ở nước này nữa.
“Chúng tôi đang tiến hành đúng tiến độ và đúng kế hoạch, di chuyển thiết bị hạng nặng ra khỏi Căn cứ Không quân số 101 và sau đó chúng tôi sẽ kết thúc công việc với Căn cứ Không quân số 201”, Tướng Thủy quân lục chiến Mỹ Michael Langley nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 24/6 ở Botswana, một quốc gia ở phía Nam “lục địa đen”.
“Trong vòng vài tuần nữa, chúng tôi sẽ hoàn thành công việc ở căn cứ số 101. Chúng tôi đang làm việc đúng tiến độ, nếu không muốn nói là vượt tiến độ, sớm hơn dự kiến”, Tướng Langley, người đứng đầu AFRICOM, cho hay.
Mỹ đã dựa vào Niger làm trung tâm chống khủng bố trong hơn một thập kỷ. Cho đến gần đây, hơn 1.000 nhân viên Mỹ vẫn hoạt động ở đó, hầu hết tập trung ở 2 căn cứ không quân với chi phí hơn 100 triệu USD.
Kế hoạch di dời thiết bị vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng Tướng Langley cho biết, ông đã thực hiện các chuyến tham quan khắp vùng duyên hải Tây Phi và phần còn lại của khu vực để hiểu rõ nhất những gì các quốc gia đó cần để giải quyết cuộc chiến chống khủng bố mà họ phải đối mặt.
Về kế hoạch tổng thể của nhóm mình hiện nay, vị tướng này cho biết, AFRICOM đặt mục tiêu hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực về các hoạt động hỗ trợ công nghệ nhằm ngăn chặn các mối đe dọa và ứng phó với khủng hoảng.
“Tôi nhìn vào chiến lược tổng thể của chúng tôi. Chúng tôi đang tăng cường chiến lược thông qua các đối tác của mình, từ từ, xuyên suốt, để ngăn chặn các mối đe dọa cũng như ứng phó với khủng hoảng. Tôi không đo lường điều đó bằng số lượng thiết bị, việc di dời thiết bị; Tôi đo lường nó bằng khả năng”, ông nói.
Chỉ huy AFRICOM nhấn mạnh rằng các quốc gia này không yêu cầu Quân đội Mỹ hiện diện trên thực địa ở “bất kỳ phạm vi hoặc cường độ nào”. Họ nói đó là cuộc chiến của họ. Họ đang tìm kiếm các khả năng, cho dù đó là khả năng chia sẻ thông tin tình báo, hay khả năng xác định các dấu hiệu và cảnh báo cho chính họ”.
Thừa nhận sự hiện diện của các cố vấn và huấn luyện viên Nga tại Căn cứ Không quân số 101 ở Niger, nơi người Mỹ vẫn đang tiến hành rút quân, Tướng Langley nói: “Ngoài ra họ còn có ý đồ gì nữa, tôi không biết… Nhưng hiện tại tôi biết rằng chúng tôi đang thực hiện việc rút quân có trách nhiệm và theo từng cấp độ”.
Theo ông Langley, sự hiện diện quân sự của Nga ở châu Phi có thể được ghi nhận tồn tại ở phía Bắc tới tận Libya và ở phía Nam tới tận Cộng hòa Trung Phi. Hoạt động của Nga có thể sẽ là chủ đề được đưa ra trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng châu Phi, một diễn đàn thường niên lần đầu tiên khai mạc tại lục địa châu Phi, ở Botswana, vào ngày 25/6.
Hơn 30 quốc gia sẽ tham gia sự kiện này. Ông nói: “Mỗi quốc gia đều có những thách thức và nguyên nhân gây bất ổn khác nhau. Đó cũng là những gì sẽ được đưa ra để thảo luận”.
Minh Đức (Theo Defense News, Defense Scoop)