Hôm qua, ngày 23/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 344/NQ-UBTVQH14 về việc xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng. Thông tin này được Tổng Thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận với PV báo Người Đưa Tin cùng ngày.
Nghị quyết số 344/NQ-UBTVQH14 quyết nghị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng trong nhiệm kỳ này.
Đây là Nghị quyết được dư luận cử tri và nhân dân cả nước chờ đợi, đồng tình, ủng hộ. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh xung quanh vấn đề này.
Ông có suy nghĩ thế nào trước việc Quốc hội xóa tư cách nguyên Bộ trưởng với ông Vũ Huy Hoàng?
Tôi nghĩ rằng, đây là một Nghị quyết rất đúng đắn. Tôi cũng đã biết nội dung Nghị quyết giao cho Chính phủ ra quyết định cụ thể.
Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy, Nghị quyết mới chỉ nói chung là xóa bỏ tư cách nguyên Bộ trưởng. Còn các quyết định cụ thể, chúng ta vẫn phải chờ.
Xóa tư cách nguyên Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng là một động thái tích cực trong xử lý cán bộ về hưu sai phạm. Nhưng Chính phủ còn nhiều việc phải làm?
Đúng vậy. Trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng chưa từng có tiền lệ. Do đó, việc xử lý rất khó. Dù các bước tiếp theo sẽ giải quyết như thế nào cũng có cái khó riêng. Bởi ông Hoàng đã đi ra khỏi quá trình lao động, dù có tước cái gì ở thời điểm này cũng không còn quan trọng nữa.
Ông có thể nói rõ hơn về ý kiến này?
Bây giờ, mọi việc chỉ còn về mặt danh dự thôi. Theo tôi suy nghĩ, ông Hoàng còn một thứ vẫn nguyên mà dư luận đang trông chờ xử lý, đấy là việc còn là đảng viên.
Tôi nghĩ rằng, cần phải xem xét tư cách đảng viên của ông Vũ Huy Hoàng xem có còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng nữa hay không. Đây mới là vấn đề thực chất, còn những chức tước, danh vị kia đều đã qua cả rồi.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ nêu chung chung, tôi nghĩ cũng chưa có ảnh hưởng gì lắm đến cá nhân ông Hoàng. Một con người, kể cả người bình thường đã đi ra khỏi công việc thì dẫu có mất gì họ cũng không còn ở những vị trí đó nữa. Như thế là chưa thiết thực.
Xóa bỏ tư cách nguyên Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng thì những quyết định do ông Hoàng ký khi đương chức liệu có ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Đó chính là điều cần phải tính toán thật kỹ. Trong thời gian làm Bộ trưởng, ông Hoàng đã ký rất nhiều những quyết định mà trong đó, có quyết định sai, có quyết định đúng. Vậy, chúng ta sẽ xử lý thế nào? Khi ông Hoàng không còn tư cách Bộ trưởng thì những quyết định đúng có còn giá trị hay không?
Những việc liên quan đến hành chính là tương đối phức tạp. Thế nên cần phải tính toán và cân nhắc thật kỹ. Không nói đến những quyết định đã sai, tôi chỉ ví dụ đơn giản, ngay ở Bộ Công Thương bây giờ, những người đi sau làm việc gì có dẫn chiếu “theo quyết định a,b,c của Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016” thì bây giờ sẽ ra sao?
Đó là những việc rất khó, cần cân nhắc kỹ càng chứ không phải chuyện một sớm một chiều. Cả một Bộ lớn với bao nhiêu lĩnh vực như vậy, thậm chí ông Hoàng từng thay mặt Chính phủ ký nhiều quyết định quan trọng với nước ngoài…
Tất cả những điều đó phải thận trọng cân nhắc trong xử lý. Chính phủ còn nhiều việc phải cân nhắc trong xử lý với ông Vũ Huy Hoàng chứ không phải chỉ xóa bỏ tư cách nguyên Bộ trưởng là xong.
Cá nhân ông đánh giá thế nào về tư cách đảng viên của ông Vũ Huy Hoàng?
Tôi chưa có đầy đủ thông tin về hoạt động trong cả quá trình của ông Hoàng nên không thể đánh giá. Nhưng qua những gì mà tôi nắm được thì tôi nghĩ phải xem xét tư cách đảng viên của ông Hoàng một cách cụ thể.
Về tư cách đảng viên, trong Điều lệ Đảng cũng như Ban Bí thư đã có những chỉ tiêu đánh giá cụ thể. Cần soi vào những quy định đó để xem xét tư cách và kết luận.
Ông Vũ Huy Hoàng là trường hợp chưa từng có tiền lệ khiến việc xử lý không dễ dàng. Vậy theo ông, để không có ông Vũ Huy Hoàng thứ hai thì điều gì là quan trọng nhất trong công tác cán bộ hiện nay?
Trong thời điểm hiện tại cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII của Đảng. Cần có đánh giá thực chất với từng đảng viên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Tôi từng nói nhiều về vấn đề này và tôi nhắc lại, có cán bộ, không loại trừ cán bộ cấp cao không có ai nhận xét đánh giá trong hồ sơ lý lịch cán bộ đảng viên. Như thế thì làm sao mà đánh giá thực chất được?
Không nên coi nhẹ những việc hành chính như vậy. Ngay cả việc hành chính còn không làm thì những việc khác quan trọng hơn sẽ thế nào? Rất nhiều cơ quan Nhà nước, người đứng đầu không thực hiện nhận xét cán bộ công chức ở trong phạm vi quản lý của mình, kể cả người đứng đầu cũng không có ai nhận xét, thường bị bỏ trống.
Phải đánh giá được thực chất năng lực, phẩm chất của từng cán bộ. Điều này đã bị bỏ lửng thời gian qua và cần phải làm lại một cách chặt chẽ hơn. Nếu làm thường xuyên công tác này, tập hợp thành hệ thống để đánh giá thì chắc chắn hiệu quả công tác cán bộ sẽ tốt hơn.
Được biết, thời ông Vũ Huy Hoàng còn làm Bộ trưởng Công Thương, Quốc hội khóa XIII đã có tín nhiệm rất cao. Vậy, Quốc hội khóa XIII cần nhìn lại để rút kinh nghiệm?
Tôi nghĩ đây cũng là một việc khó. Đánh giá của Quốc hội trên cơ sở bản thân ông Hoàng và những đánh giá của Chính phủ về nhân sự thuộc Chính phủ. Tôi nghĩ rằng, trong câu chuyện này thì trước hết là do bản thân ông Hoàng không trung thực.
Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn. Nhân dịp xuân Đinh Dậu sắp đến, kính chúc ông và gia đình năm mới an khang thịnh vượng và tiếp tục đồng hành với báo Người Đưa Tin!
Dương Thu (thực hiện)