Vụ việc nguyên Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam bị bắt đã khẳng định về tính quyết liệt, không vùng cấm, không có chuyện “hạ cánh an toàn” trong công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian tại vị từ 2014 đến tháng 8/2021, nguyên Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam - Trần Kỳ Hình - với vai trò của mình đã nhận hối lộ của một số giám đốc trung tâm đăng kiểm để ký duyệt cấp mã số, đăng kiểm và giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đăng kiểm dù các cơ sở này chưa đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, ông Hình còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, trực tiếp nhận hối lộ của nhiều giám đốc trung tâm, “bỏ qua” những sai phạm trong việc nhận tiền chủ xe, người môi giới để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho các phương tiện không đảm bảo về an toàn kỹ thuật, cũng như bảo vệ môi trường.
Ông Hình đã về hưu được hai năm.
Một vụ việc khác, vào ngày 26/12/2012 mới đây, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố bị can và bắt giam Bùi Duy Đông, nguyên Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Kiến Xương để điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Vào giai đoạn từ năm 2015 đến 2017, ông Đông lúc đó còn là Chủ tịch UBND xã An Bình đã chỉ đạo cán bộ địa chính bán 9 lô đất không qua đấu giá, gây thất thoát gần 800 triệu đồng và nhận 200 tỷ đồng tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất xen kẹt sang đất ở của 39 hộ dân, nhưng chưa giao đất cho dân. Sau khi đã bán 9 lô đất đó, thì đến 2019 ông Bùi Duy Đông vẫn ký tờ trình gửi UBND huyện xin đấu giá 9 lô đất.
Tính theo năm, đến nay, ông Đông đã thôi vị trí chủ tịch xã được 5 năm.
Không ít các cán bộ, nhà quản lý trước đây luôn nghĩ rằng khi đã về hưu thì sẽ hết trách nhiệm với tổ chức và nhân dân. Những vi phạm lớn, nhỏ khi tại vị sẽ được “khoanh” lại, trở thành câu chuyện lịch sử. Trong thực tế, suốt một thời gian dài, nhiều sai phạm đã tồn tại từ thế hệ lãnh đạo này sang thế hệ lãnh đạo khác ở nhiều địa phương, bộ ngành. Các sai phạm đã không bị xử lý sau khi thủ trưởng đơn vị về hưu, hoặc cũng chỉ là “giơ cao đánh khẽ”, không thực sự nghiêm khắc. Những điều này đã tạo ra những hệ lụy tiêu cực, tạo tâm lý thu vén cá nhân, tư duy nhiệm kỳ, xem thường pháp luật.
Những vụ việc xử lý các cán bộ đã về hưu trong thời gian gần đây cho thấy, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước quyết tâm không để lọt lưới, không có khái niệm “Hạ cánh an toàn” với bất kỳ ai. Đồng thời, cũng cho thấy những người là lãnh đạo, quản lý từ cấp địa phương tới cấp trung ương, nếu đã sai phạm đều được xem xét xử lý đầy đủ trên tinh thần “không có vùng cấm”.
Chưa bao giờ công tác phòng chống tham nhũng được được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, tạo ra những giải pháp, hành động đồng bộ và quyết liệt như hiện tại.
Khái niệm “Hạ cánh an toàn” đã không còn “an toàn” đúng nghĩa như suy nghĩ của không ít cán bộ.
Phan Huy