Để xảy ra tình trạng ngang nhiên dùng vũ khí "chiến nhau" ở khu vực sông, nơi có nhiều "cát tặc" như thế, chắc chắn kẻ "chống lưng" không đơn giản. Với 35km đường thủy chạy qua địa phận 4 huyện thuộc tỉnh Hải Dương thì sông Thái Bình đang là điểm nóng về nạn "cát tặc". "Cát tặc" tại đây đang công khai khai thác với những thủ đoạn vô cùng tinh vi mà chỉ người trong cuộc mới biết được. Hệ thống ao ruộng, đất nông nghiệp ven đê sông Thái Bình đang bị những chiếc vòi bạch tuộc cắm sâu xuống độ sâu hàng chục mét để hút cát. Với thủ đoạn này, chẳng ai biết được rằng, đê vỡ lúc nào?
Rầm rộ lộng hành bất kể ngày đêm
Để mục sở thị "cát tặc" hoành hành trên sông Thái Bình, nhóm PV đã về lưu vực sông Thái Bình, đoạn chảy qua địa phận huyện Tứ Kỳ, tỉnh hải Dương để tận mắt chứng kiến những hiện thực khủng khiếp đang diễn ra nơi đây. Vốn là con sông để tưới tiêu và thoát lũ cho 4 huyện của tỉnh Hải Dương (Tứ Kỳ, Thanh Hà, Nam Sách, Cẩm Giàng) nhưng nay đang phải oằn mình hứng chịu những "trận đòn đau đớn" của con người. Khúc sông dài hàng chục km với những bãi bồi đang bị "băm nát" và thủ phạm không ai khác chính là "cát tặc" đến từ những địa bàn lân cận huyện Tứ Kỳ. Nói như lời của một hoa tiêu làm nhiệm vụ dẫn đường cho chúng tôi, "cát tặc" hoành hành cả ngày lẫn đêm quả không sai.
Một tàu hút trộm cát ở giữa lòng sông Thái Bình, đoạn chảy qua huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.
Trong suốt hành trình thực hiện phóng sự điều tra này, chúng tôi liên tục nhận được sự ca thán, oán trách đến quặn lòng của bà con nông dân nơi đây, điển hình như một số trường hợp của bà con nông dân xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ. Mất ruộng, mất đất, mất an ninh trật tự và sắp mất cả con đê ngăn lũ là những hiện thực đang và sắp diễn ra.
Bà Phạm Thị H., nông dân xã Đại Đồng cho biết: "Các chú cứ đi lên trên đê nhìn xuống Soi mà xem, lúc đấy sẽ rõ (Soi - một vùng trũng giữa sông, là nơi cát bồi nhiều nhất - PV). Theo chân bà H., PV được tận mắt chứng kiến những chiếc xe tải trọng lớn chở đầy cát đang thay nhau bốc cát từ bãi vào “đất liền”.
Theo điều tra của PV, một ngày, trung bình có khoảng hơn 250 xe cát vào, lấy cát ra khỏi bãi. Mặt đê được đổ xi măng, nham nhở như những miếng vá trước sức phá hủy của những chiếc xe trọng tải lớn. Ông Nguyễn Văn Đ., một lão nông tóc đã điểm bạc đứng giữa làn bụi trắng xóa, chua xót nhìn ra khúc sông đang bị băm nát mà thốt lên với PV: "Chẳng mấy mà con đê tả sông Thái Bình sẽ bị đục khoét vào đến tận chân. Chúng tôi đã kêu thấu tận trời mà chẳng hiểu sao chính quyền vẫn làm ngơ cho "cát tặc" hoành hành".
Trò chuyện với PV, một nông dân tên T. từng tham gia vào "đội quân cát tặc", nay đã giải nghệ cho biết, loại tàu "cát tặc" sử dụng chủ yếu có trọng tải từ 300 - 400 m3, loại nhỏ tầm hơn 100m3. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, một chiếc thuyền loại vừa, với công suất hút cát trung bình, có thể móc từ dưới lòng sông lên khoảng 200-300m3 cát. Nhẩm tính, mỗi ngày những kẻ khai thác cát trái phép đã hút đi hàng chục nghìn mét khối cát dưới lòng sông và dần tới xóa sổ cả những ruộng, bãi bồi ven sông.
Cũng theo lời kể của anh T., "đội quân cát tặc" thường hoạt động chủ yếu vào cuối giờ chiều. Theo sự quan sát của PV vào buổi chiều ngày 15/11, từ trên triền đê nhìn xuống, mặt sông chẳng khác gì một công trường khai thác, tàu bè thì san sát, tiếng máy nổ rền rĩ bất kể ngày đêm. Chỉ nguyên khúc sông chảy qua trước mặt hạt Đê điều huyện Tứ Kỳ tại thời điểm này đã có đến gần chục con tàu bám đậu vào hai bên ven bờ.
"Tài nguyên mất trắng đấy nhưng người dân chúng tôi cũng chỉ biết nhìn mà thôi, có làm gì được đâu", anh T. chua xót cho biết.
Qua tìm hiểu, PV được người nông dân tại địa bàn xã Đại Đồng cho biết, chỉ chưa đầy 10km nhưng đoạn sông Thái Bình chảy từ TP. Hải Dương qua Tứ Kỳ thì có đến hàng chục đội tàu tập trung tại đây để thi nhau hút cát. Việc họ có được phép khai thác cát ở giữa lòng sông cũng như hai bên bãi bồi hay không thì chẳng ai biết được.
Bãi bồi ven sông rỗng ruột nham nhở với những thùng, mủng thuộc xã Đại Đồng, Tứ Kỳ.
"Thế giới ngầm" trên sông nước
Một ngày, một đêm chạy dọc tuyến sông, "ăn sóng, nằm gió" cùng người dân, PV đã mục sở thị rõ nét cảnh tượng khai thác ngang nhiên và khẩn trương của "cát tặc" trên khúc sông này. Khúc sông dài 35km, chạy qua địa phận 4 huyện trở thành nơi "dàn trận" và "tập trận" của "đạo quân cát tặc". Chúng chia nhau cát cứ địa bàn, cùng đục khoét con sông để kiếm lợi. Những cồn cát cao đến gần chục mét chạy dài ven đê đang xóa xổ dần đất ruộng của bà con nông dân. Theo người dân nơi đây, tình trạng sạt lở có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
Tại khu vực sông chảy qua trước mặt trạm bơm Đò Neo, theo ghi nhận của PV thì bãi bồi nơi đây xuất hiện những thùng, mủng rộng chừng vài chục mét vuông, có khi đến cả trăm mét vuông. Tìm hiểu thì được biết: "Cát tặc" đã cho máy xúc, máy ủi xúc hết đất trên mặt, sau đó cắm ống xuống và hút. Cuối cùng là toàn bộ bãi bồi đã bị rỗng ruột.
Theo anh T. thì đây là "thủ thuật" khai thác mới của "cát tặc", bởi làm như thế thì không ai để ý, và bất cứ điều gì xảy ra trên khúc sông này đều được thực hiện "ngầm" như vậy. Để qua mặt thiên hạ cũng như các cơ quan chức năng, những đội tàu này đã dùng nhiều thủ đoạn vô cùng xảo quyệt.
Những ông chủ của các đội tàu này liên lạc với những người dân có đất bồi ven sông để mua lại đất. Sau việc mua bán, chủ "cát tặc" dùng máy xúc múc thành những chiếc ao hàng trăm m2, nằm san sát nhau. Hệ thống vòi rồng sẽ được ngụy trang thọc sâu xuống lòng ao hàng chục mét. Ngoài sông, thuyền vẫn thoải mái hút. Nếu không để ý, người ta vẫn nghĩ tàu đang hút cát dưới lòng sông, không phạm đến hành lang đê điều, nhưng thực chất chúng đang hút cát ngay trên ruộng.
Theo tiết lộ, hiện đang có một số anh chị dân xã hội, tự xưng là đại ca, cầm đầu các nhóm "cát tặc", chia nhau cai quản khu vực này. Một cái tên nổi đình nổi đám được nhắc đến là D. "gỗ". Nghe người dân đồn đại, thế lực của D. "gỗ" rất lớn ở khu vực này vì được một "ông lớn" nào đó ở huyện và tỉnh che chở. Những cuộc nổi lên cát cứ, tranh giành lãnh địa vẫn diễn ra. Những "đội quân cát tặc" chiêu mộ "dân xã hội", "xưng hùng xưng bá" khiến người dân nơi đây nhìn tài nguyên bị mất mà không dám ý kiến gì.
"Ban đêm chúng tôi chẳng dám ra khỏi nhà vì sợ "đụng" phải "cát tặc". Không cẩn thận bị ăn đòn như chơi", một người dân chia sẻ với PV. Cũng theo phản ánh của người dân nơi đây, "đội quân cát tặc" sẵn sàng chống đối hoặc "nộp phạt" rồi sau đó lại ngang nhiên tái phạm bởi luôn có những ai đó "chống lưng". Phải chăng, vì những đồng "tiền đen", quan chức của cơ quan chức năng huyện Tứ Kỳ, những cơ quan liên quan cấp trên sẵn sàng làm ngơ, thậm chí bảo kê để "cát tặc" hoành hành!?
“Chỉ tận tay, day tận trán” Cuộc trao đổi với Hạt trưởng hạt Đê điều huyện Tứ Kỳ, ông Dương Công Thân làm chúng tôi thất vọng. Ông Thân cho rằng, hành lang an toàn đê vẫn đảm bảo, "cát tặc" chưa phạm đến điểm này. Thế nhưng, thực tế hiện trường thì "cát tặc" đã vượt qua hành lang an toàn đê, vươn vòi vào gần sát chân đê để khai thác cát rồi. Chứng minh mình trong sạch, vô can, ông Thân cử cán bộ đi cùng PV để "thẩm thấu" hiện trạng. PV thấy ý kiến đó rất tốt, vì muốn chỉ cho họ những chỗ "cát tặc" vi phạm để không mang tiếng là nói liều. Thế nhưng, đi được một đoạn, vị cán bộ này đã bỏ đoàn, không ra nơi chúng tôi muốn "chỉ tận tay, day tận trán" cho biết. |
Nhóm Phóng viên điều tra