Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 44/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 18/2019 quy định về hướng dẫn thực hiện Nghị định 139/2018 và Nghị định 30/2023 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.
Theo đó, Thông tư đã hướng dẫn cụ thể việc thực hiện phân cấp quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới từ Cục Đăng kiểm Việt Nam về Sở GTVT địa phương.
Về việc cấp phép hoạt động cho đơn vị đăng kiểm, Thông tư quy định: Sau khi hoàn thành việc đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm lập một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gửi về Sở GTVT.
Cơ quan này cũng có trách nhiệm trong việc thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Trong đoàn, phải có tối thiểu một thành viên đã hoàn thành khóa tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới do Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức theo quy định.
Các nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm: Cơ sở vật chất, Thiết bị dụng cụ kiểm tra, Cơ cấu tổ chức, nhân lực; Việc xây dựng ban hành quy trình nội bộ; Hoạt động của dây chuyền kiểm định và Việc mở các sổ theo dõi theo quy định.
Hàng năm, Sở GTVT phải xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực và hoạt động kiểm định của đơn vị đăng kiểm trên địa bàn để đảm bảo các đơn vị đăng kiểm thực hiện đúng quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Các nội dung kiểm tra, đánh giá duy trì điều kiện hoạt động của các đơn vị đăng kiểm bao gồm: Cơ sở vật chất, Thiết bị dụng cụ kiểm tra, Cơ cấu tổ chức, nhân lực; Kiểm tra hồ sơ, dữ liệu; Sổ theo dõi, chế độ báo cáo, quản lý ấn chỉ và và việc tuân thủ quy định thu giá, phí; Kiểm tra, đánh giá lại kết quả kiểm định và việc tuân thủ quy định thu, nộp giá, lệ phí.
Thông tư 44 cũng quy định về các trường hợp kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định xe cơ giới, gồm: Khi có phản ánh, khiếu nại có cơ sở về vi phạm trong hoạt động kiểm định; Có văn bản yêu cầu của các cơ quan chức năng; Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kiểm định (thông qua hệ thống giám sát, phân tích cơ sở dữ liệu kiểm định).
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra đột xuất là Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT.
Về việc lưu giữ hồ sơ kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới bao gồm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, biên bản kiểm tra, đánh giá và các tài liệu kèm theo (nếu có), Thông tư quy định phải được lưu trữ tại đơn vị đăng kiểm (vĩnh viễn) và Sở GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam làm cơ sở để kiểm tra, đánh giá việc duy trì điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Hồ sơ kiểm tra, đánh giá việc duy trì và kiểm tra đột xuất các điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ được lưu trữ tại đơn vị đăng kiểm và GTVT trong thời hạn tối thiểu 5 năm.
Giám sát thông qua hệ thống camera và phần mềm quản lý
Thông tư 44 cũng quy định chi tiết nội dung tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thay vì chung chung như cũ.
Theo đó, tập huấn lý thuyết phải bao gồm các nội dung: Lịch sử hình thành; đạo đức nghề nghiệp; kỹ năng giao tiếp; quy định pháp luật về đo lường; quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn; Các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ; quy định về cải tạo xe cơ giới; Phương pháp kiểm tra; sử dụng các phần mềm.
Giống như quy định hiện hành, Thông tư quy định học viên thực tập tại đơn vị đăng kiểm phải được: Thực hành sử dụng hệ thống chương trình, các phần mềm; Thực hành các công đoạn kiểm tra, đánh giá phương tiện trên dây chuyền kiểm định.
Song bổ sung quy định học viên phải lập báo cáo thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới.
Đáng chú ý, Thông tư quy định rõ số lượng xe thực hành trên dây chuyền đối với mỗi học viên theo phân loại thời gian thực tập tương ứng với kinh nghiệm mỗi người. Điều này, giúp tận dụng sớm nguồn nhân lực là các kỹ sư ô tô, kỹ thuật viên sửa chữa, bảo dưỡng xe cơ giới đã có kinh nghiệm để bổ sung cho lượng đăng kiểm viên đang thiếu hụt hiện nay.
Cụ thể, đối với học viên có thời gian thực tập 3 tháng phải thực hành tối thiểu 100 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau (có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe), trong đó mỗi công đoạn thực tập tối thiểu 25 xe tải, 25 xe khách. Riêng việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 100 xe.
Học viên có thời gian thực tập 6 tháng, thực tập tối thiểu 200 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau (có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe), trong đó mỗi công đoạn thực tập tối thiểu 50 xe tải, 50 xe khách. Lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 200 xe.
Học viên có thời gian thực tập 12 tháng, thực hành tối thiểu 400 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau (có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe), trong đó mỗi công đoạn thực tập tối thiểu 100 xe tải, 100 xe khách. Riêng việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 400 xe.
Người hướng dẫn thực tập phải là đăng kiểm viên có kinh nghiệm tối thiểu 36 và chịu trách nhiệm về nội dung thực tập của học viên.
Thông tư còn bổ sung nhiều quy định nhằm tăng trách nhiệm của các đơn vị đăng kiểm. Theo đó, yêu cầu các đơn vị này phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, minh bạch, không bị chi phối bởi bất cứ yếu tố nào làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm định.
Ngoài ra, đơn vị đăng kiểm cũng có thêm trách nhiệm: Cử người tham gia tập huấn, tập huấn cập nhật, bổ sung nghiệp vụ đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ; Xây dựng, ban hành quy trình nội bộ của đơn vị đăng kiểm; Tuân thủ việc thực hiện các nghĩa vụ về tài chính liên quan đến hoạt động kiểm định; Định kỳ hàng quý, báo cáo sử dụng ấn chỉ kiểm định theo quy định.
Cùng đó, có trách nhiệm cung cấp tài khoản camera giám sát cho Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở GTVT để thực hiện việc giám sát hoạt động kiểm định xe cơ giới; sử dụng thống nhất hệ thống phần mềm quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới do Cục Đăng kiểm Việt Nam chuyển giao và các phần mềm điều khiển thiết bị kiểm tra do Cục Đăng kiểm Việt Nam công bố.