Đó là nhấn mạnh của ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ trong cuộc trao đổi với PV báo Người Đưa Tin xung quanh việc cán bộ bị kết luận sai phạm tự nhận mức kỷ luật “an toàn” hoặc xin nghỉ hưu trước tuổi.
PV: Mới đây, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – ông Phạm Thế Dũng tự nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ) về sai phạm của cá nhân. Theo quy trình, việc tự nhận hình thức kỷ luật như vậy có phải đã xong, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Ân: Cá nhân ông Dũng tự nhận hình thức kỷ luật là một chuyện nhưng quyền quyết định thuộc thẩm quyền của UBKT TƯ.
PV: Thực tế, trước khi tự nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo, khi báo chí đề cập đến những sai phạm của nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai khi còn đương chức, vị này đã có phát ngôn rằng: “Tôi về hưu rồi xử sao thì xử”. Ông nghĩ sao về việc này?
Ông Đỗ Văn Ân: Với phát ngôn “buông xuôi” trước đó, việc ông Dũng tự nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo khiến mọi người nghĩ ông Dũng nhận kỷ luật cho xong. Tôi cho rằng, cảnh cáo là mức kỷ luật “an toàn”.
PV: Không chỉ riêng nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai, thời gian qua còn có nhiều cán bộ “rục rịch” bị kỷ luật hoặc sau khi bị UBKT TƯ kết luận các sai phạm đã xin “thôi việc”, “nghỉ hưu trước tuổi”. Ông đánh giá ra sao về các động thái này của cán bộ?
Ông Đỗ Văn Ân: Quan trọng nhất họ thuộc diện cán bộ do cấp nào quản lý. Tôi lấy ví dụ như trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, khi những câu chuyện lùm xùm quanh việc cổ phần hóa doanh nghiệp xảy ra và khi UBKT TƯ có kết luận về vi phạm, bà Thoa có gửi đơn xin thôi việc ở bộ Công Thương nhưng không được chấp nhận. Sau đó, Thủ tướng đã ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng bộ Công Thương với bà Hồ Thị Kim Thoa. Điều đó cho thấy, cán bộ có sai phạm thì phải bị miễn nhiệm, cách chức chứ không thể xin nghỉ là nghỉ được.
Một điểm nữa là còn tùy thuộc vào mức độ sai phạm của các cá nhân. Nếu sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát tiền, tài sản nghĩa là đã xảy ra việc liên quan trực tiếp đến cán bộ thì họ không thể từ chức mà phải chịu sự phán quyết của pháp luật. Đã sai phạm là phải bị xử lý. Trường hợp gây hậu quả mà nhận mức kỷ luật nhẹ, xin nghỉ thì dễ quá, đó là chối bỏ trách nhiệm. Với các trường hợp này, không phải cứ xin thôi, xin nghỉ, chọn mức kỷ luật “an toàn” là xong.
Từ chức, xin nghỉ vì tự trọng công việc là đáng hoan nghênh nhưng nếu nghỉ để chạy tội thì chắc chắn không thể để dễ dàng thế.
PV: Như ông nói, làm sao để rạch ròi được giữa từ chức vì tự trọng cá nhân và từ chức để “rút êm”?
Ông Đỗ Văn Ân: Đúng là điều này không đơn giản. Các cơ quan chức năng làm tới cùng sẽ “lòi” ra sự thật. Bởi theo lẽ thường, người ta sẽ bám vào chức vụ, “cố đấm ăn xôi”. Nhưng có trường hợp thấy được đòi hỏi cao hơn, cấp bách của công việc, họ sẽ từ chức để người giỏi hơn lên. Đó là cán bộ tự trọng với công việc, không đảm đương được nên xin thôi. Cái này là đáng khuyến khích.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp thấy sai phạm tương tự như nơi khác và cán bộ ở đó đã bị xử lý, kỷ luật. Nếu anh ở lại sẽ bị kỷ luật nên họ nghỉ sớm để mong không bị kiểm tra và được tha bổng.
PV: Vậy theo ông, làm sao để cán bộ vi phạm không thể rút lui êm thấm?
Ông Đỗ Văn Ân: Thực tế vừa qua, UBKT TƯ đã có những kết luận về vi phạm của nhiều cán bộ đương chức. Điển hình như bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng, điều đó cho thấy là không có vùng cấm trong việc xử lý cán bộ sai phạm.
Nhiều vụ việc chúng ta cũng phải chờ đợi kết quả điều tra. Chúng ta muốn xử lý phải có chứng cứ cụ thể. Tôi hy vọng các cơ quan thực thi pháp luật sẽ tìm ra manh mối để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc chống tham nhũng hiện nay đã được xem là phong trào, xu thế tất yếu nên tôi tin rằng cán bộ vi phạm khó có thể “hạ cánh an toàn”.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm- Hương Lan